Nuôi trâu làm du lịch
Kể từ khi Công ty TNHH Lữ hành Khoa Trần Hội An (gọi tắt là Công ty Khoa Trần) tổ chức các tour du lịch trải nghiệm đồng quê, một số hộ dân ở các phường Cẩm Châu, Cẩm Thanh, Trà Quế (Hội An) đã có thêm nghề mới: nuôi trâu làm du lịch.
Việc nhẹ thu nhập cao
Hơn 4 năm nay ông Lê Nhiên (48 tuổi), ở khối Thanh Tây, phường Cẩm Châu bỗng trở nên nổi tiếng với nghề nuôi trâu cung cấp cho Công ty Khoa Trần phục vụ du lịch. Bầy trâu của ông Nhiên hiện có 15 con lớn nhỏ. Hằng ngày, khi có tour đặt từ công ty du lịch, ông Nhiên dắt trâu ra khu vực Hồ Xịn (khối Thanh Tây) để du khách cưỡi lội sông, tắm hồ, chụp ảnh hay ngồi trên xe trâu thăm thú khung cảnh đồng quê quanh làng. “Khi khách cưỡi trâu tôi sẽ hát hò khoan, điều khiển trâu lội nước hoặc dắt đi dạo nên họ rất thích thú” - ông Nhiên nói. Mỗi tour như vậy thường kéo dài từ 30 - 60 phút, công ty trả 30 nghìn đồng/khách. Bình quân một ngày đàn trâu của ông Nhiên phục vụ từ 10 - 20 du khách nên thu nhập khá ổn định từ dịch vụ này.
Loại hình du lịch làm lúa nước của Công ty Khoa Trần ra đời đã giúp nhiều hộ dân có thêm thu nhập từ nuôi trâu. Ảnh: VĨNH LỘC |
Để trâu có thể dạn dĩ, không sợ người lạ, ông Nhiên phải huấn luyện từ lúc còn nuôi nghé bằng các phương pháp cổ truyền như cột dây vào chân trước kéo trâu tập đứng lên quỳ xuống. Đến khi trâu hơn hai tuổi thì tập cày bừa đi đứng, hò, dí, thá… Đặc biệt, sợ trâu dị ứng với mùi nước hoa của khách ông Nhiên phải xoa nước hoa vào tay tập cho trâu ngửi để quen mùi. Mười lăm con trâu của ông Nhiên đều được đặt tên. Tùy thuộc vào tính cách từng con thông minh, nũng nịu hay ương bướng mà có các tên khác nhau, như: Xe, Lũ, Phố, Bĩnh… Ông Nhiên cho biết đang có ý định phát triển thêm đàn trâu để phục vụ du lịch, cũng là mong muốn mang đến cho du khách cảm xúc trải nghiệm mới lạ từ những điều bình dị của người nông dân phố Hội.
Không có nhiều trâu như gia đình ông Nhiên nhưng ông Phạm Hò (51 tuổi), ở thôn Thanh Nhất (xã Cẩm Thanh) cũng nổi tiếng không kém với các dịch vụ du lịch sử dụng trâu cưỡi, cày, bừa… Nhà ông có 4 con trâu nhưng đều thuần hóa nên du khách nước ngoài khi tham gia tour du lịch này ai cũng thích thú. Hơn 3 năm nay, ngày nào trâu nhà ông Hò cũng có việc để làm. Du khách đến làng sẽ được ông hướng dẫn thực hiện các công việc của nhà nông như dạy cưỡi trâu, cày, bừa, tát nước, gieo sạ… Tùy số lượng khách mà Công ty Khoa Trần trả tiền công 150 - 300 nghìn đồng, bình quân mỗi ngày ông Hò phục vụ 1 - 2 đoàn khách.
Ông Phạm Hò hướng dẫn du khách cưỡi trâu. |
Sản phẩm du lịch độc đáo
Khi chúng tôi đến làng, ông Hò đang hướng dẫn vợ chồng du khách người Anh cách cày, bừa bằng trâu trên khoảnh ruộng bên đường. Trên khuôn mặt 2 du khách nước ngoài rạng rỡ nụ cười khi lần đầu tiên được làm nông dân cày ruộng. “Thật tuyệt vời, ở Anh không có loại hình du lịch này” - du khách tên Ross cười nói. Còn vợ ông - bà Snona so sánh cảm giác đi bừa giống như lướt sóng. Ông Hò cho biết, một tour thường có thời gian khoảng 3 tiếng đồng hồ, du khách sẽ được làm quen với việc cho trâu ăn, cưỡi trâu lội ruộng, sau đó ông Hò sẽ dạy khách cách điều khiển trâu đi cày, bừa, cách tát nước bằng gàu, gieo lúa, gặt lúa, tuốt lúa, giã gạo, xay bột, đúc bánh xèo và ăn cơm trưa tại làng. “Lúc đầu đứng gần con trâu nhiều du khách cũng sợ nhưng khi đã quen thì rất thích thú”.
Theo ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty Khoa Trần, tính đến nay, công ty đã đưa loại hình du lịch khám phá đồng quê này vào hoạt động được gần 8 năm, riêng tour đi xe trâu, làm lúa nước cày, bừa cùng nông dân mới chỉ hoạt động hơn 3 năm. Mục đích của công ty ngoài việc kết nối với người dân để họ có thêm thu nhập còn muốn giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, hiểu hơn về ngành nông nghiệp lúa nước đã có lịch sử hàng nghìn năm ở Việt Nam, trong đó không thể thiếu hình ảnh con trâu với người nông dân. Từ khi đưa loại hình du lịch này vào phục vụ, hằng ngày công ty đều nhận được yêu cầu đặt tour, hầu hết là khách nước ngoài. “Hiện nay chúng tôi có 2 điểm đưa trâu vào phục vụ du lịch là Cẩm Châu và Cẩm Thanh. Tùy tình hình và nhu cầu của khách, chúng tôi sẽ có kế hoạch mở rộng ra các điểm khác tại Hội An” - ông Khoa nói.
Sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo luôn có sức hút mạnh mẽ với du khách, trong đó việc đưa trâu vào làm du lịch đã tạo sự tò mò thích thú với không ít du khách nước ngoài khi đến Hội An. Còn với các hộ nông dân nơi đây, ngoài việc nuôi trâu để làm ruộng bây giờ còn có thêm một nghề mới “cao cấp” hơn không chỉ mang lại thu nhập, tạo sinh kế mà còn góp phần đưa hình ảnh thân thiện của người nông dân và con trâu - biểu tượng của nền nông nghiệp lúa nước đến với bạn bè, du khách khắp nơi trên thế giới.
VĨNH LỘC