Tôn vinh phái nữ
Ở Việt Nam, ngoại trừ bóng đá (bóng đá nam), các môn thể thao còn lại đều khó có thể gọi đó là nghề. Thu nhập không cao, công việc thiếu ổn định (thi đấu thời gian ngắn rồi nghỉ), đã vậy, vận động viên (VĐV) còn chịu nhiều rủi ro về sức khỏe (chấn thương khi tập luyện và thi đấu). Nữ giới càng chịu nhiều thiệt thòi hơn. Trở thành VĐV thể thao cũng đồng nghĩa với việc phải tạm gác lại chuyện học tập, cả tình cảm riêng tư và quan trọng nhất là “hy sinh” nhan sắc để hy vọng gặt hái được kết quả tốt nhất. Vì thế, với phái nữ, thể thao chẳng qua là “cuộc chơi” để được sống và thể hiện niềm đam mê của mình.
Phái nữ chịu nhiều áp lực trong các môn võ thuật.Ảnh: AN NHI |
Trao đổi với phụ huynh của một số nữ VĐV, hầu hết đều cho biết ban đầu họ không đồng ý cho con mình đi theo con đường VĐV thể thao vì những thua thiệt trong học tập, sức khỏe. Có vị còn thổ lộ rằng cả gia đình đều “giật mình” khi nghe con mình trình bày ý tưởng thi vào trường thể thao! Sau đó, vì nguyện vọng thiết tha của con cái, vì những đề nghị của huấn luyện viên nên họ miễn cưỡng đồng ý. Nhưng khi nghe con cái đi học về kể chuyện tập luyện, thi đấu mà “nóng ran” cả ruột gan. “Con gái 12 - 13 tuổi ở nhà chỉ biết ăn, ngủ và học hành. Vào trường thể thao phải tự lo mọi việc, sáng sớm thức dậy để tập luyện. Nhiều khi khối lượng tập luyện nặng quá, ăn không nổi, ngủ không được. Làm cha mẹ khó mà an lòng”, nhiều phụ huynh chia sẻ. Cũng có phụ huynh than vãn, hồi trước ở nhà con bé học giỏi lắm nhưng vào trường thể thao, sức học tụt dần. Giáo viên trường phổ thông thì nói thẳng học sinh năng khiếu học yếu, lên lớp hay ngủ gật. Biết sao được, một buổi đến trường học văn hóa, một buổi ra sân tập luyện, buổi tối cũng tập thì sức đâu mà học chữ. Nói chung, con trai gửi vào trường lo một thì con gái lo đến mười!
Nhưng không có nghĩa là thể thao mất dần sức hút đối với phái nữ. Ngược lại, ngày càng có nhiều nữ VĐV vào trường thể thao, kể cả các môn đòi hỏi sức mạnh và góp phần “tàn phá” nhan sắc của chị em như bóng đá, võ thuật. Thể thao đất Quảng những năm qua cũng không bao giờ vắng bóng các nữ VĐV, thậm chí đang thể hiện “âm thịnh, dương suy” khi mà các cô gái đem lại nhiều vinh quang cho thể thao tỉnh nhà hơn các chàng trai, trong đó gương mặt tiêu biểu mới nhất là nhà vô địch SEA Games 27 Phạm Thị Thu Hiền. Từ Đặng Thị Thúy, Hồng Ngoan, Nguyễn Thị Hòa đến Bùi Thị Triều, Thu Hiền - tất cả đều thể hiện sự tài năng và nét duyên của người con gái xứ Quảng không chỉ trên “sân khấu” thể thao trong nước mà còn tại khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Dù chịu nhiều thiệt thòi hơn cánh mày râu nhưng phận nữ nhi không cam phận mà biết vượt qua hoàn cảnh, nỗ lực vươn lên khẳng định mình trong lĩnh vực thể thao. Những phụ nữ thành đạt luôn được coi trọng và thành đạt trong thể thao càng được trân trọng. Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, một lần nữa những cống hiến của các nữ VĐV xứng đáng được ghi nhận và tôn vinh.
AN NHI