Vịt đã tiêm phòng vẫn bị dịch bệnh, vì sao?
Tại Duy Xuyên có một số đàn vịt đã tiêm phòng vẫn bị dịch bệnh tấn công khiến người chăn nuôi lo lắng. Hôm qua 6.3, phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng trạm Thú y huyện để làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
P.V:Thưa ông, những ngày qua tại huyện Duy Xuyên có bao nhiêu đàn vịt đã tiêm phòng vắc xin nhưng vẫn bị vi rút cúm A/H5N1 gây hại?
Tiêm phòng mũi 2 phải cách mũi 1 đúng 21 ngày. Ảnh: V.S |
Ông Nguyễn Văn Hòa: Tính đến giờ này thì có 2 đàn. Đó là đàn vịt 1.000 con của ông Đào Mười ở thôn Mỹ Lược, xã Duy Hòa và đàn vịt 740 con của ông Nguyễn Tất Dần trú thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh. Xin được nói thêm, đàn vịt của ông Mười tiêm phòng ngày 25.1 thì đến ngày 23.2 bị nhiễm dịch chết hàng loạt, còn đàn vịt của ông Dần chích ngừa vắc xin ngày 21.1 thì đến ngày 2.3 bị mắc bệnh nên buộc phải tiêu hủy khẩn cấp.
P.V:Không ít người cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó nhiều khả năng là do chất lượng nguồn vắc xin kém, theo ông thì có đúng như vậy không?
Ông Nguyễn Văn Hòa: Đó là kết luận không đúng, chất lượng nguồn vắc xin vẫn đảm bảo. Theo nhận định của tôi, nguyên nhân cơ bản nhất khiến những đàn vịt đã tiêm phòng vắc xin cúm A/H5N1 nhưng vẫn bị nhiễm bệnh chết là vì tiêm không đúng quy trình do cơ quan chuyên môn hướng dẫn.
Theo hướng dẫn của ngành thú y, sau 14 ngày kể từ khi mua vịt con từ lò ấp trứng về, người chăn nuôi phải triển khai tiêm vắc xin phòng dịch cúm gia cầm mũi 1 và tiếp tục tiến hành chích ngừa mũi 2 cách mũi 1 đúng 21 ngày. Nếu thực hiện đúng quy trình đó thì ngưỡng an toàn cho đàn vịt trước sự hoành hành của vi rút cúm A/H5N1 mới cao.
Ở đây, tôi xin nói rõ, đàn vịt của ông Mười và ông Dần đã tiêm phòng mũi 1 sau 14 ngày mua về từ lò ấp. Thế nhưng, sau 29 - 39 ngày họ vẫn không tiếp tục chích ngừa mũi 2 nên đàn vịt không đủ sức đề kháng dẫn đến bị vi rút cúm A/H5N1 tấn công.
P.V: Vậy theo ông, trong những ngày tới liệu tình trạng này có tiếp tục xảy ra?
Ông Nguyễn Văn Hòa: Chắc chắn là sẽ có. Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện trên địa bàn 14 xã, thị trấn của huyện Duy Xuyên có tổng cộng 143.216 con vịt. Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm lây lan diện rộng, từ cận Tết Giáp Ngọ đến nay, ngành thú y huyện và người chăn nuôi đã khẩn trương tiêm 120.000 liều vắc xin cúm A/H5N1 cho những đàn vịt có số lượng 50 con trở lên tại các ổ dịch cũ, vùng có khả năng bị dịch đe dọa. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại lúc này là, trong số 120.000 con vịt đã tiêm phòng mũi 1 thì bây giờ có đến 90% chưa được tiêm phòng mũi 2. Theo tôi, để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do dịch cúm gia cầm gây ra thì vấn đề tiên quyết nhất là người chăn nuôi phải thực hiện triệt để quy trình tiêm phòng vắc xin do cơ quan chuyên môn hướng dẫn như đã nói ở phần trên. Đồng thời phải thường xuyên vệ sinh môi trường, chuồng trại và phun tiêu độc, khử trùng trên phạm vi rộng. Thời điểm này, nếu tỏ ra chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch thì hậu quả sẽ khôn lường.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
VĂN SỰ (Thực hiện)