Khi ngư dân làm dân quân biển
Thời gian qua, 126 dân quân biển là ngư dân của huyện Thăng Bình (gồm 4 xã Bình Nam, Bình Minh, Bình Dương, Bình Hải) đã gắn chặt khai thác hải sản với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Gặp chúng tôi, ngư dân Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh) - chủ tàu cá QNa 95075 có công suất 380CV theo nghề chụp mực ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa phấn khởi vì chuyến biển được mùa. Anh Liên kể, anh và 9 người đi “bạn” khai thác được 5 tấn mực sau 10 ngày biển. Sau khi khấu hao chi phí hết 100 triệu đồng, chủ tàu thu được 50 triệu đồng còn mỗi người đi “bạn” được chia hơn 5 triệu đồng. “Theo nghề chụp mực, chúng tôi thường xuyên đánh bắt tại các ngư trường thuộc 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Tổ quốc. Thu được hiệu quả kinh tế cao với chuyến biển này, anh em rất vui mừng. Càng vui hơn nữa khi chúng tôi vừa sản xuất vừa trực tiếp tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước”, anh Liên chia sẻ. Là chủ tàu cá, thường xuyên có mặt ở các vùng biển xa, khi được Ban Chỉ huy Quân sự xã Bình Minh vận động tham gia vào lực lượng dân quân biển, anh Trần Văn Liên ngay lập tức đồng ý. Không chỉ vậy, anh vận động thêm 3 trong số 9 người đi “bạn” trên tàu của mình là những người cùng thôn đăng ký trở thành dân quân biển. “Chúng tôi đều biết rằng, khi tham gia vào lực lượng dân biển thì sẽ phải thực hiện nhiều nghĩa vụ huấn luyện có thể thu hẹp thời gian sản xuất trên biển. Tuy nhiên, ai cũng quá đỗi tự hào. Biển đảo là một phần máu thịt của đất nước. Khi thấy tàu nước ngoài xâm phạm vào vùng biển của chúng ta, chúng tôi liền thông tin về lực lượng biên phòng” - anh Liên khẳng định. Anh Liên là một trong 41 dân quân biển của xã Bình Minh ngày đêm bám biển khai thác hải sản gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.
Tàu cá của ngư dân huyện Thăng Bình tham gia sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ảnh: N.Q. VIỆT |
Hiện tại, lực lượng dân quân biển trên địa bàn huyện Thăng Bình là 126 người. Cụ thể, xã Bình Minh: 41 người; xã Bình Dương: 28 người; xã Bình Nam: 27 người; xã Bình Hải: 30 người. Trung tá Phan Văn On, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thăng Bình cho biết, có vùng biển rộng với chiều dài bờ biển hơn 24km gồm 4 xã bãi ngang, thời gian qua, huyện Thăng Bình rất chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng dân quân biển. Hàng năm, huyện tổ chức huấn luyện cho dân quân biển trong thời gian 12 ngày với các nội dung bắn đạn thật; quan sát, nhận dạng mục tiêu trên biển; cứu hộ, cứu nạn trên biển và một số nghiệp vụ biên phòng khác. “Các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương luôn quan tâm, chăm lo đến sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trên biển. Ngư dân chính là lực lượng quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước nên huyện đã biên chế 98 tàu cá của ngư dân tham gia. Hiện tại, mỗi phương tiện có 3 ngư dân là dân quân biển. Trong lực lượng này có 6 đảng viên, 60 đoàn viên được bố trí trong 14 tiểu đội của 21 tổ đoàn kết sản xuất trên biển” - Trung tá Phan Văn On nói.
Những năm qua, lực lượng dân quân biển của huyện Thăng Bình đã phối hợp với các lực lượng biên phòng tuần tra giữ gìn an ninh trên biển. Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác, đánh bắt sai quy định làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản đều được lực lượng này chủ động phát hiện, báo cáo kịp thời. Dân quân biển của huyện đã phối hợp với lực lượng kiểm ngư tỉnh, lực lượng bảo tồn biển ngăn chặn các tàu cá của các địa phương khác đến dùng mìn, xung điện để đánh bắt cá trái phép, nhất là các nghề giã cào tận diệt nguồn lợi hải sản. Thượng tá Dương Phúc Long, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bình Minh đánh giá: “Qua phối hợp hoạt động với chúng tôi, lực lượng dân quân biển trên địa bàn đã cho thấy hiệu quả rất lớn. Hàng chục tàu cá gặp nạn đã được lực lượng này phối hợp ứng cứu thành công. Các tin báo quan trọng về việc tàu lạ xâm phạm lãnh hải Việt Nam cũng nhanh chóng được chuyển về, từ đó chúng tôi báo lại cấp trên để có hướng xử lý kịp thời”.
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, thời gian qua lực lượng dân quân biển trên địa bàn huyện Thăng Bình đã miệt mài tham gia các đợt huấn luyện về quân sự, giáo dục về chính trị, phổ biến về pháp luật, tập luyện nhiều phương án hoạt động trên biển. “Dân quân biển là tấm lá chắn bảo vệ chủ quyền biển đảo. Để lực lượng dân quân biển trên địa bàn huyện hoàn thành xuất sắc hơn các nhiệm vụ trong thời gian đến, chúng tôi đề xuất các cấp cần thực hiện tốt chính sách hỗ trợ của chính phủ để ngư dân có thể đóng mới, cải hoán nhiều hơn nữa các tàu có công suất lớn hoạt động trên các vùng biển xa. Cùng với đó, các thiết bị liên lạc hiện đại, nhất là hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cũng cần trang bị thêm giúp ngư dân - dân quân biển liên lạc dễ dàng hơn với đất liền” - Trung tá Phan Văn On nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT