"Đài truyền thanh" của Bí thư Chi bộ thôn

NGUYỄN VĂN BÌNH 05/03/2014 08:31

Dưới chân núi Đá Mài ở xã vùng cao Trà Giáp, huyện Bắc Trà My, có một Bí thư Chi bộ thôn hằng ngày dùng thiết bị máy móc của gia đình tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam phát lên loa phục vụ dân làng. Hệ thống phát thanh tư gia này được người dân nơi đây gọi là “Đài truyền thanh Bí thư Chi bộ thôn”.

Bí thư Chi bộ Hồ Văn Minh chỉnh tín hiệu phát thanh ra loa. Ảnh: V.BÌNH
Bí thư Chi bộ Hồ Văn Minh chỉnh tín hiệu phát thanh ra loa. Ảnh: V.BÌNH

Câu chuyện trên xảy ra tại nóc Sông Riêng, thuộc thôn 1 xã Trà Mai, cách trung tâm huyện Bắc Trà My khoảng 70km. Nóc gồm 20 hộ dân với 88 nhân khẩu đều là đồng bào người Co và phần lớn thuộc diện hộ nghèo, cư ngụ ven sông Riêng và được bao bọc bởi núi rừng. Nóc chưa có điện lưới quốc gia, xe máy từ trung tâm xã vào chỉ lưu thông được trong mùa nắng. Thời điểm này là đầu tháng 3, ban ngày trời nắng gắt còn về đêm thì lạnh buốt. Sáng sớm, nóc Sông Riêng bị sương mù che kín, nhiều người dân đang trùm kín chăn để tránh cái lạnh thấu xương ở chốn rừng sâu thì chợt bừng tỉnh bởi tiếng loa phát thanh chương trình chào cờ, tập thể dục, tin tức thời sự buổi sáng… của Đài Tiếng nói Việt Nam từ nhà Bí thư Chi bộ thôn 1 - Hồ Ngọc Minh. Không chỉ là “tiếng loa báo thức” cho cả nóc cùng thức giấc chuẩn bị bước vào một ngày mới, người dân có thể vừa chuẩn bị lên rẫy vừa nắm được thông tin ở mọi miền đất nước và cả thông tin quốc tế. Ông Minh chia sẻ rằng, người dân ở nóc này vốn đã quá thiệt thòi vì xa xôi cách trở, nên với tư cách là một đảng viên ông phải có trách nhiệm, cố gắng tìm cách gì đó để chia sẻ. Và cung cấp thông tin qua loa phát thanh là cách mà ông tự nguyện lựa chọn để thực hiện từ cuối năm 2009.

Ở “đài truyền thanh” của ông Bí thư Chi bộ thôn 1, chỉ duy nhất chiếc loa sắt là của ngành VH-TT huyện cấp trong dịp thôn phát động xây dựng thôn văn hóa. Những thiết bị còn lại như đầu, chảo thu tín hiệu từ vệ tinh, bộ phận tăng âm, dây dẫn, nguồn điện… đều là đồ dùng do ông Minh sắm để dùng trong sinh hoạt gia đình, nay “phiên qua” phục vụ công cộng. Theo lịch, đều đặn hằng ngày, buổi sáng ông Minh tiếp âm phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam từ 5 giờ đến hết chương trình thời sự sáng; buổi trưa, tiếp âm chương trình Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam từ 11 giờ đến 11 giờ 45, sau đó tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam đến hết chương trình thời sự trưa; buổi tối tiếp phát trọn chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam và các bản tin chuyên mục của Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam đến 19 giờ. “Nhà anh Minh ở cạnh trường học thôn nhưng thời gian mở phát thanh không trùng thời gian giảng dạy nên không ảnh hưởng đến việc dạy học. Nhờ mở phát thanh mà núi rừng thêm rộn ràng, chị em giáo viên bên trường cũng cảm thấy vui, biết được tin tức, vơi bớt nỗi nhớ nhà” - cô giáo Nguyễn Thị Thủy đang công tác tại đây bộc bạch. Cụ Đinh Thị Kim (hơn 70 tuổi) chia sẻ, điện ở nóc chưa có, bà con hầu hết nghèo khó, chỉ có vài nhà sắm được hệ thống điện thủy luân và mua ti vi để xem nên việc ông Minh thường xuyên tiếp phát thanh được bà con rất đồng tình. “Mấy ngày gần đây, nhờ cái loa ở nhà ông Minh mà già và dân ở đây mới biết ở dưới xuôi dịch bệnh trên gà, vịt xảy ra nhiều. Cái loa cũng khuyên, gà, vịt chết thì không được ăn thịt mà phải chôn sâu, không vứt ở núi, sông suối. Bà con nghe rứa mà làm theo” - cụ Kim cho hay. Già làng Trần Ngọc Liên (hơn 35 năm tuổi Đảng) nói: “Việc làm của Bí thư Chi bộ thôn Hồ Ngọc Minh rất hữu ích. Tin tức trên cả nước, ở nước ngoài; chủ trương mới của Đảng, chính sách pháp luật mới của Nhà nước; cách thức làm ăn, chăn nuôi, trồng rừng; các vấn đề tuyên truyền về ăn sạch, uống sạch, phòng ngừa dịch bệnh… đều được phát trên loa, nhờ vậy dân làng mới biết chứ. Mấy năm nay Bí thư Minh vẫn đều đặn thực hiện phần việc trên hằng ngày dù là làm không công. Như rứa mới thể hiện được tính tiền phong của đảng viên, mới xứng đáng với niềm tin khi được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn dù tuổi đời còn khá trẻ (Bí thư Hồ Ngọc Minh sinh năm 1979 - NV)”.

“Điện thì không tốn, vì đằng nào mình cũng sắm tua bin nước phát điện dùng cho gia đình. Còn chảo, đầu thu tín hiệu phát thanh - truyền hình qua vệ tinh và máy tăng âm mình mua để phục vụ sinh hoạt gia đình, có dùng cho phát thanh thì cũng chẳng hư hao thêm bao nhiêu. Mình làm việc ni tính ra thì chỉ tốn công và thời gian, nhưng người dân trong nóc đều thích nên mình thấy vui và sẽ tiếp tục duy trì, mong là máy móc của mình đừng trục trặc” - ông Minh thổ lộ. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Hiệp - Chủ tịch UBND xã Trà Giáp, việc tiếp âm, phát thanh thường xuyên của Bí thư Chi bộ thôn 1 - Hồ Ngọc Minh đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân nóc Sông Riêng. Liên tục trong 4 năm qua, tại đây số người sinh con thứ 3 trở đi đã giảm hẳn, trẻ em đều đến lớp đông đủ, tình trạng uống rượu say, mê tín, hủ tục được đẩy lùi... “Trước đây xã Trà Giáp được cấp trên đầu tư một trạm truyền thanh không dây, chi phí hàng trăm triệu đồng nhưng chỉ sau hơn một năm hoạt động là loa và máy đều bị sét đánh hỏng hết. Bây giờ, đài trung ương, đài tỉnh đã phát sóng lên vệ tinh, ở vùng núi hẻo lánh cũng đều thu được tín hiệu. Và mô hình phát thanh như ông Minh rất tiện lợi và dễ duy trì. Xã đang khuyến khích nhân rộng cách làm này tại các thôn nóc khác. Sắp tới xã sẽ kiến nghị lên cấp trên hỗ trợ thực hiện” - bà Hiệp cho hay.

NGUYỄN VĂN BÌNH

NGUYỄN VĂN BÌNH