Trở về sau 17 năm bị bán sang Trung Quốc
(QNO) - Tưởng rằng nạn mua bán phụ nữ qua Trung Quốc sẽ rất khó xảy ra tại địa bàn huyện miền núi cao Phước Sơn. Thế nhưng những ngày cuối tháng hai vừa qua, sự trở về của một người phụ nữ sau 17 năm mất tích gây xôn xao dư luận xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn.
Chúng tôi tìm đến thôn 3 xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn vào một buổi trưa của những ngày đầu tháng 3.2014. Đã sau 5 ngày từ khi đứa con mất tích hơn 17 năm trời của bà Hồ Thị Mang là chị Hồ Thị Hái (SN 1981) dân tộc Bhnoong đột ngột trở về, ngôi nhà của bà Mang vẫn có rất đông bà con và hàng xóm đến thăm hỏi và chung vui với gia đình bà.
Bà Hồ Thị Mang và con gái sau 17 năm lưu lạc. |
Gặp lại mẹ và các anh chị em trong gia đình, Hồ Thị Hái đã kể lại hành trình 17 năm bị lừa bán và làm vợ một người đàn ông Trung Quốc.
Không còn nhớ chính xác thời gian nào trong năm 1997, nhưng chị Hái vẫn còn nhớ rất rõ ngày mà chị bị một người phụ nữ trên 40 tuổi, người miền Bắc đến tận nhà dụ dỗ đi tìm việc làm ở biên giới phía Bắc với mức thu nhập khá cao. Khi đó mới 16 tuổi, Hái không đủ lớn để hiểu về những cạm bẫy đang chờ mình phía trước. Đi xe từ quê xuống Đà Nẵng, rồi đi tàu hỏa ra Hà Nội hết 3 ngày, sau đó lại thêm 2 ngày ngồi xe đến một nơi rất xa (sau này mới biết đó là Lạng Sơn), sau đó đi bộ thêm 2 ngày đường trong rừng sâu mới đến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, lúc này chị Hái mới ngờ ngợ, định bỏ trốn nhưng còn quá nhỏ, lại không biết đường, lại bị người đàn bà và hai gã thanh niên lực lưỡng kiềm kẹp, chị Hái đành theo chúng vượt biên sang đất Trung Quốc.
Ở ngay sát biên giới, hơn 18 giờ tối, người đàn bà dẫn Hái đi bảo: “Bây giờ, một là em đồng ý lấy người đàn ông này làm chồng, hai là vào nhà chứa làm gái… Em sợ quá, nhưng không biết làm sao, nên chấp nhận lấy một người đàn ông Trung Quốc lớn hơn em nhiều tuổi làm chồng” - Hái kể lại.
17 năm làm vợ một người đàn ông Trung Quốc ở thành phố Bằng Tường, thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, chị Hái đã sinh 6 người con, nói được tiếng Trung Quốc, một điều cũng may mắn là chị đã gặp một người chồng tốt, hiểu được hoàn cảnh, không đánh đập chị và còn nhiều động viên chị tìm về với gia đình ở Việt Nam.
Hồ Thị Hái kể lại quãng thời gian 17 năm ở Trung Quốc. |
“Do không có giấy tờ tùy thân và cũng không thể tin tưởng những người hứa đưa mình về nhà, sợ bị lừa bán thêm lần nữa nên mình không đi. Đầu năm 2014, mình gặp một người hàng xóm bên Trung Quốc đáng tin cậy nên mình mới mạnh dạn tìm về gia đình, khi đi chồng cho mình 10.000 nhân dân tệ (tương đương 30 triệu đồng) để mình có tiền về quê, mình cùng với người hàng xóm đã vượt biên trái phép để về Việt Nam đấy” - chị Hái kể tiếp.
Mười bảy năm đứa con gái Hồ Thị Hái mất tích là 17 năm bà Hồ Thị Mang và gia đình vất vả tìm kiếm khắp nơi, có lúc bà nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại con. Thế nhưng sự trở về của chị Hái trong những ngày sau tết là niềm an ủi lớn nhất của bà mẹ Bhnoong gần 70 tuổi này. “Nhiều lần đi tìm không được, mình nghĩ nó chết rồi, mình thương, mình nhớ nó lắm, giờ nó về mình vui quá, mấy đêm nay mình đâu có ngủ, chỉ nói chuyện với nó suốt thôi, giờ mình chỉ mong nó ở nhà với mình luôn, đừng đi nữa” - bà Hồ Thị Mang, mẹ chị Hái tâm sự.
Trường hợp bị dụ dỗ đi các tỉnh biên giới phía Bắc làm ăn rồi lừa bán sang Trung Quốc không phải là lần đầu tiên xảy ra ở các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Nam. Còn nhớ vụ việc 3 cô gái người dân tộc Cơ Tu ở huyện Nam Giang trên đường bị hai vợ chồng Lý Xua Liang (SN 1968, Hồ Bắc, Trung Quốc) cùng vợ là Nông Thị Bé (tức Hồng, dân tộc Nùng, SN 1984, trú thôn Đồng Lầm, xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) lừa đi bán cà phê ở Đà Nẵng, Nghệ An với mức lương cao, rồi đem bán sang Trung Quốc, song hành vi của hai đối tượng trên đã bị công an Quảng Nam và công an TP.Đà Nẵng khám phá vào ngày 3.8.2013. |
Dù đã về nhà với mẹ và các anh chị, song với tình thương dành cho 6 đứa con bên Trung Quốc, chị Hồ Thị Hái đang mong sớm được trở về nhà chồng. Tuy nhiên cái khó nhất hiện tại là chị Hái không hề có giấy tờ tùy thân, nên không thể làm thủ tục xuất cảnh sang Trung Quốc. “Giờ mình chỉ mong có giấy tờ tùy thân để về thăm con, rồi đưa chồng và con về Việt Nam thăm nhà mình, chứ cảnh trốn chui nhủi, vượt biên trái phép mình sợ lắm” - chị Hái buồn bã nói.
Việc trở về của chị Hồ Thị Hái sau 17 năm mất tích gây xôn xao dư luận tại huyện Phước Sơn mấy ngày qua, sự việc này đã được gia đình chị trình báo đến các cơ quan chức năng.
Với trường hợp của chị Hồ Thị Hái, cho dù may mắn được trở về nhà thăm gia đình sau 17 năm lưu lạc song đây cũng là câu chuyện để người dân trên địa bàn huyện miền núi Phước Sơn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số cần nêu cao tinh thần cảnh, nhất là đối với các bé gái để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa bán đi nước ngoài.
TẤN SỸ - TRỌNG Ý