Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI)
(QNO) - Sáng 28.2, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI). Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải chủ trì hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Hội nghị. |
Tham dự hội nghị có các đồng chí Tỉnh ủy viên; trưởng, phó các ban đảng, Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; trưởng, phó các sở, ban, ngành, Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh, trưởng, phó các ban HĐND tỉnh, chánh, phó Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; thường trực huyện ủy các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, trưởng ban tuyên giáo, chánh văn phòng các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các đồng chí báo cáo viên Tỉnh ủy.
Sau phần khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải đã quán triệt Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình hình mới và Nghị quyết về Đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Dù đạt được nhiều thành tựu, song sự nghiệp GDT vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém. Vì lẽ đó, Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng khóa XI đã thống nhất đề ra định hướng đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc và nhu cầu học tập của người dân.
Cũng trong sáng nay, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Văn Lai quán triệt kết luận về một số vấn đề Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội thông qua.
* Chiều 28.2, tiếp tục chương trình hội nghị Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ngô Văn Hùng quán triệt Kế hoạch 103 (20.11.2013) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI); trình bày Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện nghị quyết Đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Chương trình của Tỉnh ủy về Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.
Theo đó, cùng với việc quán triệt các quan điểm chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 29 (4.11.2013) của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết 12 (20.12.2012) của Tỉnh ủy về Phát triển, nâng cao chất lượng GDĐT tỉnh Quảng Nam, Tỉnh ủy đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới.
Cụ thể, đổi mới công tác quản lý GDĐT, trong đó cơ quan quản lý GDĐT được tham gia quyết định về quản lý nhân sự, tài chính, điều chỉnh phân cấp việc quản lý; xây dựng và đưa vào sử dụng ngân hàng đề kiểm tra tại tất cả các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh; sắp xếp lại các trung tâm giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp và các trung tâm dạy nghề theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực và giao cho UBND các huyện, thành phố quản lý. Chuẩn hóa đội ngũ, tiến tới tất cả giáo viên từ tiểu học đến THPT, giáo viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trình độ đại học trở lên và năng lực sư phạm; giảng viên đại học, cao đẳng từ thạc sĩ trở lên…
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến băn khoăn tình trạng con em đồng bào dân tộc thiểu số học cử tuyển ra trường không có công ăn việc làm do các huyện miền núi không còn chỉ tiêu biên chế; mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi vào năm 2014 khó khăn; mâu thuẩn giữa học sinh trường nội trú dân tộc và các trường khác trên cùng địa bàn huyện miền núi; nhiều bất cập trong luân chuyển giáo viên từ miền núi về đồng bằng.
Theo Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Tấn Thắng, đổi mới bắt đầu từ con người mà trước hết là đổi mới tư duy, cách nghĩ. Đổi mới công tác quản lý Nhà nước về giáo dục và trong nội bộ ngành; trong đó ngành GDĐT cần được tham gia quản lý ở 3 lĩnh vực gồm chuyên môn, nhân sự và tài chính để nâng cao hiệu quả. Thực hiện luân chuyển giáo viên theo Nghị quyết 146 của HĐND tỉnh sau khi hoàn thành thì nên dừng, và sau đó tiềp tục thực hiện theo Nghị định 61 dành cho vùng khó khăn. Về tuyển sinh lớp 10 ở miền núi, ông Thắng đề xuất nên cũng chỉ tuyển 90% số học sinh tốt nghỉệp THCS như đồng bằng để chống tình trạng bỏ học, nâng cao chất lượng.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải cho rằng cần rà soát lại cơ chế quản lý Nhà nước về giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp, về việc mở ngành đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để khắc phục tình trạng bất cập như hiện nay. Ngành GDĐT cần tìm mô hình, không thể có sự khác nhau giữa trường THPT và trường cấp 2-3 ở các huyện miền núi, tạo ra sự bất công bằng giữa học sinh.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị tập trung đầu tư cho trường mầm non, nhất là miền núi để đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao chất lượng; có cơ chế tuyển giáo viên tại chỗ nhưng phải quan tâm đến chất lượng. Việc phân luồng từ cấp 2 còn nhiều băn khoăn khi mà các em còn quá nhỏ. Các trường nghề cũng coi lại công tác quảng bá, tuyển sinh của mình, vì sao không thu hút học sinh vào học.
X.PHÚ