Khủng hoảng chính trị tại Thái Lan: Tác hại kinh tế rõ nét

NAM VIỆT 28/02/2014 07:33

Cuộc leo thang căng thẳng chính trị giữa phe đối lập và Chính phủ Thái Lan kéo dài nhiều tháng qua gây tác hại đến nền kinh tế nước này ngày càng rõ nét.

Cửa hàng mua sắm từng nhộn nhịp thì nay đã vắng vẻ.
Cửa hàng mua sắm từng nhộn nhịp thì nay đã vắng vẻ.

Thái Lan luôn được xem là nền kinh tế lớn thứ hai tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Mới đây, công ty thẩm định và xếp hạng tài chính quốc tế Moody Analytics đã hạ thấp tỷ lệ tăng trưởng kinh tế dự báo cho Thái Lan năm 2014 từ 5,2% xuống còn 4,3%. Trong trường hợp Thái Lan chậm thành lập chính phủ trong vòng một năm, con số thua lỗ của nền kinh tế sẽ vào khoảng 240 tỷ baht, tương đương với việc giảm 2% GDP. Trong đó, các chuyên gia kinh tế phân tích đến 3 lĩnh vực, vốn được xem đóng góp quan trọng cho sự phát triển nền kinh tế Thái Lan nay bị ảnh hưởng trực tiếp do khủng hoảng gây ra.

Trước tiên là du lịch - ngành công nghiệp không khói “hái ra tiền” đóng góp từ 7 - 9% tổng sản phẩm quốc nội Thái. Từ cuối năm 2013 đến nay, nhiều hãng du lịch đã hủy bỏ nhiều tour chiếm tổng cộng khoảng 30 - 35% lượng khách nước ngoài ngay trong mùa cao điểm và tình trạng này hiện vẫn diễn ra. Một con số vừa được Tổng cục Du lịch Thái Lan đưa ra, ngành du lịch nước này sẽ thất thu khoảng 90 tỷ baht nếu các cuộc xung đột chính trị biến thành bạo lực và kéo dài thêm 6 tháng nữa. Lượng khách du lịch tới Thái Lan có thể giảm đến 2 triệu khách.

Kế đến, mức tiêu thụ nội địa, một động lực khác của tăng trưởng cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ, bởi vì người Thái không muốn chi tiêu trong thời điểm căng thẳng. Nếu như các thiên đường mua sắm, cửa hiệu, siêu thị tại Thái luôn tràn ngập khách hàng thì nay, nhất là tại thủ đô Bangkok, nơi phe biểu tình còn chiếm đóng thì không có người mua vì nhiều người lo sợ nguy cơ bạo loạn, chết người như đã xảy ra. Đơn cử, các nhà sản xuất xe hơi dự kiến doanh số bán xe của họ sút giảm đáng kể trong năm nay khi nhiều người dân không còn tâm lý mua sắm trong cơn khủng hoảng. Nhiều nhà đầu tư bị sa sút niềm tin, chuyển dòng vốn kinh doanh ra khỏi Thái Lan. Ước tính, người tiêu dùng Thái Lan sẽ chi tiêu chưa tới 500 triệu baht mỗi ngày, đồng thời thu nhập du lịch tính theo ngày cũng giảm khoảng từ 200 triệu baht đến 500 triệu baht.

Và cuối cùng, khu vực dịch vụ cũng bị ảnh hưởng vì các cuộc biểu tình đã ngăn không cho công nhân viên chức làm việc tại Bangkok tới sở làm một cách đều đặn, thường xuyên. Nhiều bộ, ngành của Chính phủ Thái buộc phải tạm đóng cửa hoặc phải dời đến một số địa điểm dự phòng, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành dịch vu. Thậm chí, văn phòng của nữ Thủ tướng Thái Lan từ ngày 24.2 cũng được thông báo đã không còn ở Bangkok, và hiện đang ở một địa điểm cách Bangkok 150km, nhưng không  rõ địa điểm cụ thể và phải kéo dài đến bao lâu.

NAM VIỆT

NAM VIỆT