Đổi rượu lấy... máy vi tính

NGUYỄN DƯƠNG 25/02/2014 09:37

Phong trào “đổi rượu...lấy máy vi tính” ở xã Ga Ry, huyện Tây Giang đã làm thay đổi hẳn cung cách, hiệu quả làm việc ở một xã vùng biên giới.

Bớt “chi” sau hội họp

“Đến cuối năm 2010, Đảng ủy, UBND xã và các phòng ban trực thuộc vẫn chưa có một máy vi tính nào, mọi công việc đều phải xử lý bằng tay, rất mất thời gian, lại không hiệu quả. Điều này làm tôi rất trăn trở, muốn làm gì đó để đóng góp cho địa phương, cho cán bộ xã nơi đây” - Phó Bí thư Đảng ủy xã Ga Ry Trịnh Minh Chúc chia sẻ. Ông Trịnh Minh Chúc vốn là Đại úy Biên phòng được tăng cường về Ga Ry từ giữa năm 2010. Là một cán bộ biên phòng, ông hiểu rõ lợi ích của máy vi tính khi áp dụng vào công việc. Tuy nhiên, đến thời điểm ông được tăng cường về, xã vẫn chưa có một máy vi tính nào, đồng nghĩa với việc cán bộ nơi đây hoàn toàn không biết về cách sử dụng máy tính. “Đây là bài toán khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Hơn ai hết, tôi hiểu rõ chỉ có máy vi tính mới giúp cán bộ nơi đây xử lý công việc nhanh gọn, hiệu quả, và hơn hết là có thể tiếp xúc với những kiến thức mới qua mạng internet” - ông Chúc nói.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Ga Ry - Trịnh Minh Chúc hướng dẫn cán bộ xã những kiến thức cơ bản về tin học. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG
Phó Bí thư Đảng ủy xã Ga Ry - Trịnh Minh Chúc hướng dẫn cán bộ xã những kiến thức cơ bản về tin học. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG

Từ suy nghĩ đó, ông Chúc mạnh dạn đề xuất huyện hỗ trợ 2 máy vi tính để phục vụ cho xã và được chấp nhận. Đó là bước đệm đầu tiên để cán bộ thấy được sự hiệu quả của máy vi tính. Biết xã có một nguồn chi thường xuyên cho các cuộc hội họp, ông Chúc đã đề xuất tiết giảm những chi phí này để dành số tiền đó mua máy vi tính phục vụ cho công việc. “Tôi đưa ra đề nghị này, lúc đầu còn có người nói ra nói vào, nhưng đến khi thực hiện, thấy sự hữu ích của máy vi tính, mọi người hoàn toàn ủng hộ” - ông Chúc tâm sự.

Giảm rượu bia

Không chỉ tiết giảm chi tiêu sau hội họp ở cơ quan, chuyện “đổi rượu lấy máy vi tính” cũng bắt đầu trở thành phong trào trong cán bộ và nhân dân. “Trong văn hóa giao tiếp, người dân Ga Ry vốn rất coi trọng việc mời nhau chén rượu, như “miếng trầu là đầu câu chuyện” của người miền xuôi vậy. Có uống với nhau chén rượu thì mới cởi mở tấm lòng, không uống là xem như không tôn trọng họ. Nhưng giờ đây, suy nghĩ đó đã không còn nặng nề, chủ khách không còn ép nhau chén rượu, ly bia mà đã biết tiết kiệm để đủ tiền mua máy vi tính” - ông Chúc nói thêm. Phong trào “đổi rượu lấy máy vi tính” ở Ga Ry dần hình thành. “Trước đây, người dân sử dụng rất nhiều rượu bia, ngay cả bản thân tôi cũng vậy. Nhưng sau khi thấy được lợi ích từ việc tiết kiệm chi phí để mua máy vi tính, nhiều người đã không còn sử dụng rượu bia như trước nữa mà để dành số tiền đó mua máy vi tính riêng cho mình” - anh Ploong Anh, phụ trách kế toán xã Ga Ry cho biết. Bản thân Ploong Anh cũng đã mua được máy vi tính từ tiền tiết kiệm rượu bia để phục vụ công việc cơ quan và nhu cầu của gia đình.

Từ việc tiết kiệm chi tiêu sau hội họp, giảm rượu bia, các phòng ban ở xã Ga Ry và cá nhân cán bộ, nhân dân mua được máy vi tính phục vụ công việc cũng như đời sống.
Từ việc tiết kiệm chi tiêu sau hội họp, giảm rượu bia, các phòng ban ở xã Ga Ry và cá nhân cán bộ, nhân dân mua được máy vi tính phục vụ công việc cũng như đời sống.

“Không chỉ vận động cán bộ, người dân ít sử dụng rượu bia để dành tiền mua máy vi tính, chúng tôi còn quy định mỗi phòng, ban đều phải thực hiện chính sách tiết kiệm này. Như Mặt trận của xã, mỗi năm được phân bổ 17 triệu đồng nhưng cũng đã tiết giảm chi tiêu để dành tiền mua máy vi tính. Nhờ đó, tất cả các phòng ban ở xã đến nay đều có máy tính phục vụ công tác chuyên môn” - ông Trịnh Minh Chúc nói thêm.

Thiết thực

Sau khi phòng ban hoặc cá nhân nào tiết kiệm đủ tiền mua được máy vi tính, đích thân Phó Bí thư Đảng ủy xã Trịnh Minh Chúc sẽ trực tiếp giảng dạy những kiến thức cơ bản về tin học, cách sử dụng và từng bước nâng cao ứng dụng trên máy cho từng người. “Trước đây, mỗi khi soạn thảo văn bản, chúng tôi đều phải viết bằng tay, rất vất vả. Nay có máy vi tính rồi, công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn, ai cũng đồng tình ủng hộ” - ông Ríah Nhóop, Chủ tịch UBND xã Ga Ry cho hay.

Với cách làm trên, hiện nay toàn xã Ga Ry đã có 32 máy vi tính, trong đó các cơ quan của xã có 24 máy. “Chính sách tiết kiệm, phổ cập tin học vào công việc cho cán bộ xã đã nâng cao hiệu quả công tác. Mô hình này được huyện ủy đánh giá rất cao. Chúng tôi đã liên hệ với nhà mạng Viettel để đưa internet về xã, qua đó giúp cán bộ tiếp cận với thế giới bên ngoài, nâng cao kiến thức chuyên môn, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật để không chỉ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ mà còn có thể đưa kiến thức về sản xuất chăn nuôi, y tế cộng đồng, bảo vệ môi trường... đến với người dân” - ông Hồ Xuân Danh, Bí thư Đảng ủy xã Ga Ry nói.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG