Nghe nhân dân nói về chính sách

DIỄM LỆ 25/02/2014 08:28

Nghe người trực tiếp thụ hưởng chính sách nói về chính sách nhằm đánh giá đúng cái được và chưa được của chính sách, từ đó cho ra nghị quyết hợp lòng dân là cách làm mới từ năm 2013 của Ban Văn hóa - xã hội (VH-XH) HĐND tỉnh.

Còn nhớ giữa năm 2013, khi Ban VH-XH HĐND tỉnh thực hiện giám sát chuyên đề về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lần đầu tiên Ban VH-XH đã áp dụng cách giám sát mới: đi nghe dân nói. Nói là lần đầu tiên bởi lẽ trước đó, theo ông Nguyễn Dương Triều - Trưởng ban VH- XH thì “trước nay giám sát chỉ thường nghe cán bộ nói, đến cán bộ thôn là cuối cùng. Nhưng nay, chúng tôi phải đi nghe người dân nói, rồi mới nghe cán bộ từ thôn đến xã, huyện nói. Có nghe nhiều phía như thế, báo cáo thẩm tra của chúng tôi mới chính xác. Bởi trong thực tế, nhiều chính sách ban hành đúng, được dân đồng tình, nhưng đến khi thực hiện thì dân không đồng tình vì cách thực hiện không đúng. Nay phải đi nghe nhân dân nói và khảo sát từ chính người dân mới phản ánh được toàn diện vấn đề”.

Cách giám sát tận dân tiếp tục được Ban VH- XH áp dụng trong lần đi giám sát tình hình thực hiện luân chuyển giáo viên, và mới đây nhất là về chính sách giảm nghèo. Chỉ mới 3 lần áp dụng cách làm mới, dư luận trong nhân dân đã rất ủng hộ. Bà Nguyễn Thị Sang (thuộc diện hộ nghèo tại thôn Thái Nam, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) bày tỏ: “Cán bộ HĐND tỉnh mà đi nghe người nghèo nói thì rất đúng, phải nghe người dân chúng tôi nói chứ cứ nghe cán bộ ở trên rồi làm sao mà biết chúng tôi có được hưởng chính sách thật hay không. Với lại, những người nghèo là người hưởng chính sách, phù hợp hay không phù hợp chúng tôi nói là đúng nhất”. Hay ông Đinh Tài (thuộc diện hộ nghèo thôn 4, xã Quế Cường, huyện Quế Sơn) bày tỏ tâm tư: “Hiện nay có nhiều chính sách, nhưng nhiều quá chúng tôi nhớ không hết cái nào có hưởng cái nào không hưởng. Thôi thì tốt nhất Nhà nước nên hỗ trợ chúng tôi một chính sách gì đó thật hiệu quả để chúng tôi thoát nghèo. Chẳng hạn như thay vì hỗ trợ thứ vài chục ngàn thì cộng lại trao một lần, hoặc cho vay lãi suất thấp để chúng tôi mua được con bò, hay bầy heo để nuôi làm vốn thoát nghèo, chứ nhiều cái tí chút thì chẳng ăn nhằm vào đâu hết”.

Theo ông Triều, trong hai đợt giám sát của năm 2013, các báo cáo thẩm tra của Ban VH-XH đều đề cập những cái đúng, cái chưa đúng trong khi thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, luân chuyển giáo viên trên địa bàn tỉnh. Từ đó Ban VH-XH đã phản ánh đúng tiếng nói của người dân trên diễn đàn HĐND tỉnh để các đại biểu, địa phương, ngành có được cái nhìn toàn diện nhất. Trên cơ sở đó có cách thực hiện sao cho hợp lòng dân. Trong kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới, chính sách khuyến khích thoát nghèo sẽ được đưa ra thảo luận, dự kiến sẽ có một nghị quyết được ban hành. Nghị quyết này liên quan thiết thực đến hơn 58 nghìn hộ nghèo và cả vấn đề giảm nghèo bền vững của toàn tỉnh. Đây cũng chính là tiếng nói của người nghèo, của cán bộ làm công tác giảm nghèo khi Ban VH-XH đã đi, đã nghe, và sẽ nói lại lời của người trong cuộc trong báo cáo thẩm tra, giúp HĐND tỉnh có được một nghị quyết sát sườn với cuộc sống nhân dân.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ