Xe tải trọng lớn chở vật liệu thi công cầu Kỳ Lam: Gây nứt nhà dân
Hơn một tuần nay người dân các thôn Kỳ Lam, Kỳ Long (xã Điện Thọ, Điện Bàn) đã dựng barie ngăn không cho xe chở vật liệu vào thi công công trình cầu Kỳ Lam (thuộc gói thầu 3A, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi).
“Nhà nào cũng bị nứt”
Ông Nguyễn Duy Bình, tổ 9, thôn Kỳ Lam (Điện Thọ, Điện Bàn) bức xúc dẫn chúng tôi vào nhà chỉ những vết nứt khắp nơi. Căn nhà cấp 4 của ông xây cách đây 10 năm, ngang dọc vết nứt. Đáng chú ý, mái dầm treo trước hiên có hàng chục vết rạn chằng chịt không biết sẽ rơi xuống khi nào. “Ban đầu chỉ vài vết rêm ở tường ngoài, nay thì cả nhà tôi từ nhà trên xuống nhà dưới chỗ mô cũng bị nứt” - ông Bình nói. Cách đó không xa, nhà ông Đỗ Phú Lang còn nghiêm trọng hơn khi 2 vách tường gạch của nhà dưới đã xuất hiện vết nứt rộng hơn 1cm phải lấy gỗ chằng chống cho tường khỏi đổ. “Ở đây nhà nào cũng bị nứt cả” - ông Lang cho biết. Đi dọc theo con đường liên thôn dẫn vào công trình, dễ nhận thấy, dường như nhà nào nằm sát đường cũng bị ảnh hưởng, nhẹ thì rêm tường, nặng thì nứt vách. Đặc biệt, căn nhà ông Trần Minh Hùng, tổ 9 vừa mới xây xong tháng 4.2013 nhưng cũng đã bị rạn nứt nhiều nơi. Theo người dân, nguyên nhân chính là do xe trọng tải lớn chở vật liệu công trình cầu Kỳ Lam gây ra nên người dân trong thôn ai cũng bức xúc. Thống kê sơ bộ cho thấy, đã có 178 ngôi nhà nằm trên đoạn đường vào công trình bị ảnh hưởng, nặng nhất là thôn Kỳ Lam với 139 hộ.
Người dân thôn Kỳ Lam dựng barie ngăn không cho xe vào công trường. |
Không chỉ gây rung chấn ảnh hưởng đến nhà cửa, việc mỗi ngày hàng chục chiếc xe trọng tải lớn ra vào công trình đã làm con đường liên thôn xuống cấp nghiêm trọng. “Trước khi thi công, đơn vị xây dựng đã cam kết nắng không bụi, mưa không bùn, đường không ổ gà, ổ voi nhưng đến khi làm thì họ quên mất lời hứa”, ông Mai Ngọc Tuấn - Trưởng thôn Kỳ Lam phát biểu. Cũng theo ông Tuấn, theo quy định của huyện, con đường này chỉ cho phép xe trọng tải dưới 18 tấn lưu thông và khoảng cách mỗi xe phải cách trên 100m để tránh gây ảnh hưởng nhà dân nhưng thực tế các xe công trình đều có trọng tải lớn hơn nhiều nối đuôi nhau chạy liên tục. Trước tình hình trên, thôn đã báo đơn vị thực hiện đề nghị giảm lưu lượng xe và có hướng khắc phục, đền bù cho dân nhưng từ trước tết đến nay vẫn chưa thấy phản hồi. “Dân bức xúc nên phải chặn đường, khi nào phía công ty có câu trả lời cụ thể thì chúng tôi mới dỡ barie”, ông Tuấn nói. Tuy nhiên, từ khi đóng barie đến nay đã hơn 1 tuần nhưng người dân thôn vẫn chưa thấy đại diện đơn vị hay chính quyền xã, huyện đến làm việc, thương lượng.
Gần 140 ngôi nhà ở thôn Kỳ Lam đều bị nứt do xe tải trọng lớn chở vật liệu gây ra. |
Sẽ giải quyết khi có kết quả kiểm định
Theo ông Tuấn, người dân luôn ủng hộ dự án và sẵn sàng tạo mọi điều kiên để dự án thực hiện suôn sẻ nhưng công trình không thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân như hiện nay. “Trước đây, hằng ngày có xe tưới nước nhưng bây giờ công trình ngừng hoạt động thì xe tưới nước cũng nghỉ, mặc dù đường vẫn bụi bặm”. Ông Trần Úc - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn cho biết, sau khi nhận được phản ánh của địa phương, huyện đã mời Trung tâm tư vấn kiểm định (Sở Xây dựng Quảng Nam) phối hợp với trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng về kiểm tra ảnh hưởng rung chấn đối với 139 hộ dân trên tuyến đường liên thôn Kỳ Lam, Kỳ Long và đã có kết luận chính xác về mức độ ảnh hưởng. Phía huyện cũng đã yêu cầu đơn vị thầu, Cienco 4, ký quỹ 3,1 tỷ đồng để hỗ trợ người dân bị thiệt hại.
Cũng theo ông Úc, ngày 17.2 vừa qua, UBND huyện đã thống nhất giao trách nhiệm cho UBND xã Điện Thọ thành lập tổ giám sát, kiểm tra xử lý các phương tiện chạy quá tốc độ, quá tải trọng trên tuyến đường công vụ liên thôn Kỳ Lam - Kỳ Long. Ngoài ra, để giảm rung chấn làm hư hỏng nhà dân, UBND huyện đề nghị liên doanh nhà thầu Cienco 4 và Thăng Long khi thực hiện vận chuyển vật tư thiết bị trên tuyến đường này phải tuân thủ về tải trọng, thời gian và khoảng cách. Riêng với các phương tiện vận tải siêu trường, siêu trọng, quá khổ phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. “Sắp đến, UBND huyện sẽ tổ chức họp dân để công khai quy trình, lộ trình xử lý khắc phục sự cố, đồng thời vận động nhân dân không nên ngăn cản công trình đang thi công”. Tuy nhiên, theo ông Lê Trường Giang, đại diện Ban quản lý dự án Công trình cầu Kỳ Lam, đến nay vẫn chưa nhận được văn bản cũng như báo cáo kết luận của huyện và công ty tư vấn. “Khi nào có kết quả chúng tôi mới có phương án thỏa thuận đền bù cụ thể” - ông Giang cho biết.
Được biết, gói thầu 3A dự án xây dựng cầu Kỳ Lam do Liên danh Tổng công ty Công trình xây dựng giao thông 4 (Cienco 4) - Thăng Long trúng thầu thực hiện, có giá trị trên 1.416 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng. Quy mô gói thầu với tổng chiều dài 1.220m, khu vực công trường nằm tại thôn Kỳ Long, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn.
VĨNH LỘC