Ukraine trong cơn khủng hoảng

QUỐC HƯNG 24/02/2014 11:34

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine trong nhiều ngày qua với cả trăm người thiệt mạng, đang bao trùm lên bức tranh kinh tế đầy khó khăn của quốc gia kèm theo nỗi hoang mang của người dân nơi đây.

Ukraine là một quốc gia độc lập tách khỏi Liên Xô vào năm 1991 và có chung đường biên giới với châu Âu. Với 46 triệu dân hiện nay, Ukraine có nền công nghiệp phụ thuộc vào khí đốt như luyện kim hay phân bón. Tuy nhiên, Ukraine được xem là một trong những nền kinh tế yếu kém nhất tại khu vực Đông Âu. Nga vẫn là đối tác kinh tế hàng đầu và cung cấp lượng khí đốt lớn nhất cho Ukraine, một loạt các ngành kinh tế chủ chốt của Ukraine sống nhờ đơn đặt hàng từ Nga. Ngược lại, Ukraine là cửa ngõ để khí đốt từ Nga được chuyển ra cung cấp cho thị trường châu Âu.  

Trong đám đông bạo lực vẫn có nhiều người cầu nguyện hòa bình.
Trong đám đông bạo lực vẫn có nhiều người cầu nguyện hòa bình.

Vào tháng 11.2013, trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước bờ vực phá sản với nợ công chiếm gần 180% GDP và dự trữ ngoại tệ chỉ còn đủ cho hơn hai tháng, chính phủ của tổng thống Ukraine, ông Viktor Yanukovych đạt được thỏa thuận với tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo đó, để tránh cho kinh tế Ukraine sụp đổ, Nga đồng ý chi 15 tỷ USD để mua trái phiếu của Ukraine và giảm giá gas tới 1/3. Ông Yanukovych cũng giải thích là Ukraine không có cách nào ký thỏa thuận với Liên minh châu Âu, vì như vậy, Kiev sẽ phải chấp nhận những điều kiện cải cách kinh tế nghiêm ngặt mà Quỹ Tiền tệ quốc tế đưa ra. Hơn nữa, Nga rất hy vọng Ukraine chấp nhận gia nhập Liên minh thuế quan cùng với Belarus và Kazakhstan, tiền thân của một Liên minh Âu - Á rộng lớn và hứa hẹn nhiều lợi ích cho Kiev. Sau 5 quý liên tục giảm phát, chính phủ ở Kiev thông báo, nền kinh tế Ukraine đã được cải thiện vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, nhà phân tích dự báo kinh tế Ukraine hầu như không tăng trưởng trong năm 2014, mặc dù không tiếp tục tụt dốc.

Lãnh thổ Ukraine trên thực tế được chia thành hai phần với những người dân miền đông gần Nga hơn, đa số nói tiếng Nga, gần gũi lịch sử văn hóa Nga. Còn dân chúng ở miền tây đất nước có truyền thống nghiêng về văn minh phương tây với mong muốn nhanh chóng được gia nhập vào Liên minh châu Âu. Cuộc binh biến theo dự đoán vẫn chưa thể được dập tắt trong ngày một ngày hai để đem lại cuộc sống bình yên cho người dân Ukraine, thỏa mãn với tham vọng của nhiều người. Chỉ biết rằng giờ đây, lo sợ khủng hoảng, bạo động có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào, tại miền đông Ukraine, nhiều người dân đã xếp thành hàng dài để rút tiền ra khỏi các máy ATM.  Một người dân thành phố Donetsk cho biết: “Người ta nói rằng, cần phải rút tiền khẩn cấp vì máy rút tiền ATM có thể xảy ra lỗi kỹ thuật hoặc đơn giản nếu không nhanh thì sẽ không thể rút được tiền nữa do các tài khoản ngân hàng sẽ bị chặn”. Nhiều người khác cho rằng họ thấy mọi người xếp hàng rút tiền nên cũng phải rút tiền vì sợ hãi cuộc bạo loạn.

Trong khi đó, nhiều người dân Ukraine, nhất là tại thủ đô Kiev gấp rút mua lương thực, thuốc men cần thiết dự trữ trong nhiều ngày để đề phòng những chuyện không hay lại xảy ra trên quê hương họ. Và rất nhiều người đã cầu nguyện ở mọi nơi, mong chờ yên ổn sẽ sớm đến với đất nước họ.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG