Cảm hóa học sinh cá biệt

XUÂN PHÚ 24/02/2014 09:33

Không chỉ tạo niềm tin về chất lượng giáo dục ngày một nâng cao, trường THPT Lê Hồng Phong (Duy Xuyên) còn gây ấn tượng bằng một “lối đi” nhân văn: Sẵn sàng mở rộng vòng tay đón nhận bất cứ học sinh (HS) cá biệt, HS hư nào khi các em có nguyện vọng trở lại trường.

Trường THPT Lê Hồng Phong tạo ấn tượng bằng cảm hóa học sinh cá biệt.Ảnh: X.PHÚ
Trường THPT Lê Hồng Phong tạo ấn tượng bằng cảm hóa học sinh cá biệt.Ảnh: X.PHÚ

Vượt rào cản

HS cá biệt, HS hư là đối tượng mà có lẽ tâm lý của nhiều thầy cô giáo, nhiều trường học ngán ngại khi giảng dạy. Vì thế, khi các em bị kỷ luật đuổi học, thậm chí có em còn vướng vào pháp luật thì con đường trở lại trường gần như là không thể. Tuy nhiên, với trường THPT Lê Hồng Phong thì lại hoàn toàn khác. “Lẽ thường không ai chấp nhận sự rủi ro cao với các đối tượng HS này, nhất là căn bệnh thành tích lâu nay khiến cho nhiều cơ sở giáo dục thẳng thừng từ chối các em. Nhưng chúng tôi đi ngược lại điều đó. Dạy chữ phải đi kèm với dạy người. Xem việc giáo dục HS cá biệt, HS hư là tình thương, cũng là trách nhiệm của người thầy, của cơ sở giáo dục” - cô Hiệu trưởng Lê Thị Thanh Hiền chia sẻ về việc làm được coi là “không bình thường” của trường: sẵn sàng đón nhận bất cứ HS cá biệt, HS hư bị đuổi học nào có nguyện vọng đi học trở lại.

Dù vậy, triển khai thực hiện công việc này không hề đơn giản. Áp lực về thi đua trong đội ngũ nhà giáo, về tỷ lệ tốt nghiệp của trường, về tâm lý chung của giáo viên, nhất là với một ngôi trường nhiều năm nằm trong tốp yếu kém của tỉnh là những rào cản rất lớn. Và, một luồng gió mới thổi đến đem lại cho nhà trường cơ hội để thực hiện ý tưởng tốt đẹp này khi năm học 2008 - 2009, ngành giáo dục phát động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”. Theo cô Hiền, Nhà giáo ưu tú Trần Cang - nguyên Hiệu trưởng nhà trường được xem là người có công đầu trong công tác giáo dục HS hư khi đã tạo được sự đồng thuận trong toàn thể Hội đồng Sư phạm nhà trường. Do tác động của môi trường xã hội và đang ở lứa tuổi thích tìm tòi, khám phá khiến cho một số HS rơi vào những sai lầm, hư hỏng. Vì thế, lương tâm, tình cảm và trách nhiệm buộc người giáo viên phải giúp đỡ HS cá biệt, HS hư tiến bộ, học tập thành người. “Nhà trường đồng thuận với quan điểm và đặt mục tiêu phấn đấu không để HS vì nghèo, vì học yếu kém mà bỏ học; không chối bỏ HS cá biệt, HS  hư” - cô Hiền khẳng định.

Trường là nhà, thầy cô là cha mẹ

Rào cản tâm lý đã được tháo gỡ, Hội đồng Sư phạm có được sự đồng thuận về “lối đi” nhưng vấn đề cũng không kém phần khó khăn khác là phương pháp thực hiện. Với phương châm “xem HS như là con em trong nhà”, thầy cô giáo nhà trường tích cực trao đổi, động viên để các HS cá biệt, HS vượt qua sự tự ti, hòa nhập với bạn bè, gần gũi với thầy cô. Cùng với đó, lấy sự tận tâm của người thầy để cảm hóa, giáo dục, làm cho các em thấy rằng nếu không nỗ lực học tốt thì có lỗi với chính mình.

Những năm qua, trường THPT Lê Hồng Phong duy trì “Quỹ vì học sinh nghèo” với nguồn kinh phí do các thầy, cô giáo nhà trường trích đóng góp từ một phần tiền lương hằng tháng và vận động quyên góp từ các tổ chức, cá nhân. Chỉ tính riêng trong 4 năm gần đây, nhà trường đã hỗ trợ cho hơn 500 học sinh với tổng số tiền 450 triệu đồng.

Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2008 - 2013, trường THPT Lê Hồng Phong được Sở GDĐT tuyên dương, khen thưởng.

Hình ảnh nhiều giáo viên chủ nhiệm sau giờ dạy bỏ cả thời gian nghỉ ngơi để trò chuyện, tìm hiểu nguyên nhân và động viên các em HS đã trở nên quen thuộc dưới mái trường này. Nhờ đó, đến nay đã có khá nhiều HS hư được giúp đỡ trở lại trường và học tập tiến bộ, nhiều em thi đỗ vào trường cao đẳng, thậm chí đậu đại học với số điểm cao. Đơn cử như trường hợp của B.H., nghe theo bạn  xấu, vi phạm pháp luật và bị tạm giam chờ ngày ra tòa. Theo nguyện vọng của gia đình, Hiệu trưởng nhà trường đã đứng ra bảo lãnh cho em được về đi học trở lại và sau đó trúng tuyển vào trường Đại học Duy Tân. Một trường hợp khác, vì suy nghĩ nông cạn và dại dột nên khi đang học lớp 11 thì nữ sinh H.P. có thai. Dù vậy, nhà trường vẫn tạo điều kiện cho em học tiếp và hiện nay đang theo học trường Cao đẳng Y tế Đà Nẵng.

Không chỉ tiếp nhận trở lại HS của trường, các nhà quản lý, giáo viên trường THPT Lê Hồng Phong còn có quan niệm rất nhân văn “HS nào cũng là con em của nhân dân quê hương mình” nên sẵn sàng mở rộng vòng tay yêu thương đối với bất cứ HS đến từ địa phương nào trên địa bàn tỉnh. Sau 2 năm bị trường cũ kỷ luật đuổi học, T.H. đã được trường THPT Lê Hồng Phong thu nhận khi có nguyện vọng đi học trở lại. Đáp lại tấm lòng của thầy cô, em nỗ lực học tập, tốt nghiệp THPT loại khá và sau đó tiếp tục thi đỗ vào trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh - ngành luật. Hay trường hợp của N.P., tưởng chừng như con đường học tập của mình đã chấm hết sau lầm lỡ đầu đời và bị trường cũ từ chối, thế nhưng em đã được  trường THPT Lê Hồng Phong đón nhận. Quyết tâm “làm lại cuộc đời”, em đã hoàn thành THPT và hiện đang là sinh viên trường Cao  đẳng Y tế Đà Nẵng.

“Từ năm 2009 đến nay, trường nhận về 13 em, trong đó có 6 nữ, 7 nam. Phần lớn các em nghỉ học là vì sinh con ngoài ý muốn, bị tù treo, từ trường giáo dưỡng trở về. Có những trường hợp rất đáng thương, vì gia đình nghèo nên nhân thời gian nghỉ hè theo người quen ra thành phố phụ giúp bán buôn kiếm tiền ăn học nhưng bị kẻ xấu lợi dụng dẫn đến vi phạm pháp luật. Tất cả đã được nhà trường giáo dục, cảm hóa thành công, học tập tốt và đều tốt nghiệp THPT. Trong đó có 5 em đỗ đại học, còn lại học cao đẳng, nghề. Nhà trường, nhà giáo, cán bộ, viên chức và HS trường THPT Lê Hồng Phong rất vui khi mình đã làm được nhiều việc có ích theo tinh thần “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” - Hiệu trưởng Lê Thị Thanh Hiền nói.

XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ