Ổn định cuộc sống cho người dân Bút Tưa

TẤN SỸ 24/02/2014 09:11

Khi đập nhà, bỏ làng tháo chạy vì sợ con ma ám, các hộ dân tổ 2 (thôn Bút Tưa xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) lâm vào cảnh khó khăn, phải sống tạm bợ hoặc màn trời chiếu đất. Hiện chính quyền địa phương đã vào cuộc và nhiều hộ dân đã tự nguyện cưu mang, hiến đất làm nhà để giúp 17 hộ dân này sớm ổn định cuộc sống.

Chúng tôi tìm đến nhà ông A Lăng Vâng (tổ 2, thôn Bút Tưa), đây là một trong 3 hộ vẫn kiên quyết bám trụ lại ngôi làng cũ, cho dù những người hàng xóm đã đập nhà, tháo chạy khỏi làng vì sợ “con ma” bắt. Đã sống hơn 80 mùa rẫy, kinh qua hai cuộc chiến tranh, nhưng chưa bao giờ ông Vâng lại cảm thấy cái bụng mình buồn như lúc này. Ngay sau sự việc hai người chết trước và sau Tết Giáp Ngọ, mà dân tổ 2 gọi là “chết xấu” xảy ra, lo sợ điều không hay đến với dân làng, ông Vâng đã nhiều lần đến vận động, khuyên răn bà con đừng bỏ làng mà đi. Ông cho rằng ngày xưa chiến tranh nhiều người chết, nhưng dân làng vẫn sống yên ổn, có làm sao đâu, còn hai người chết là ông A Lăng Tròn và A Lăng Nghĩa, chẳng qua là do thần kinh bất ổn thôi. Mặc dù ông đã hết lời khuyên can, nhưng những người hàng xóm vẫn không tin và còn đòi bỏ tù ông, nếu như trong làng tiếp tục có người chết. Quá buồn, bất lực, ông A Lăng Vâng đành nhìn những người hàng xóm đập phá những căn nhà trị giá hàng trăm triệu đồng, khăn gói bỏ làng ra đi. “Giờ tôi chỉ còn hai đứa con và các cháu nhỏ ở chung quanh làm bầu bạn, tôi buồn lắm, chỉ biết động viên hai gia đình còn lại cố gắng bám trụ làng cũ, chứ biết làm sao được” - ông Vâng nói.

Ông A Lăng Vâng (ngồi giữa áo sáng) kể lại chuyện vận động bà con không bỏ làng ra đi.                                                    Ảnh: T.SỸ
Ông A Lăng Vâng (ngồi giữa áo sáng) kể lại chuyện vận động bà con không bỏ làng ra đi. Ảnh: T.SỸ

Bất lực nhìn cảnh dân làng bỏ đi, song với phẩm chất của một người lính, uy tín của một già làng và thương cho những người dân của làng mình, ông Vâng chỉ còn cách họp kín với các già làng ở tổ 1 (thôn Bút Tưa), tìm mọi cách để cưu mang, giúp đỡ 17 hộ dân tổ 2 sớm ổn định cuộc sống. Nhà anh A Lăng Thâm (tổ 1, thôn Bút Tưa) bây giờ là chỗ trú ngụ của 3 hộ dân của tổ 2 chuyển đến. Nhà chật, đất chật, nhưng khi phải chứng kiến những người bạn, người anh em, con cháu của mình sống cảnh màn trời chiếu đất, ông A Lăng Thâm và vợ đã dọn dẹp nhà bếp, nhà chính thành nơi trú ngụ của 12 nhân khẩu và chuồng bò lại trở thành nhà bếp, đỏ cái lửa cho những người anh em no cái bụng, ấm cái thân. “Thậm chí bây giờ còn cái sân chút xíu tôi cũng nhường cho những người anh em dựng nhà mà ở, cho dù có khó khăn, nhưng tôi cũng phải giúp đỡ. Tôi không đành lòng nhìn những đứa trẻ không có nơi che nắng che mưa” - ông A Lăng Thâm cho biết thêm.

Ông Huỳnh Ngọc Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Sông Kôn cho biết, sau khi sự việc xảy ra, mặc dù xã đã nhiều lần tuyên truyền vận động nhưng người dân vẫn sợ con ma ám. Hiện tại xã đã hỗ trợ mỗi nhân khẩu 7kg gạo để tạm ổn định cuộc sống. Ngoài ra, địa phương đã cùng già làng, chi bộ, trưởng thôn và nhân dân tổ 1 họp bàn quyết định hiến đất giúp giải quyết về chỗ ở cho 17 hộ dân mới chuyển đến sớm ổn định cuộc sống. Hiện tại người dân tổ 2 thôn Bút Tưa chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dựng lại nhà mới.

Theo phong tục của đồng bào Cơ Tu đã ra đi thì không bao giờ quay trở lại, mặc dù địa phương đã vận động tuyên truyền để giúp họ trở lại nơi ở cũ. Nhiều người cho biết, cách đây vài chục năm, tục bỏ làng ra đi khi trong làng có những cái “chết xấu” đã từng xảy ra ở nhiều bản làng vùng cao trong tỉnh. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, tục này đã dần được xóa bỏ. Chuyện xảy ra ở tổ 2 thôn Bút Tưa trong những ngày qua chỉ là trường hợp đáng tiếc. Giờ đây, cùng với những già làng có tâm huyết như ông A Lăng Vâng, cộng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, tinh thần đoàn kết, đùm bọc, sẻ chia của những hộ dân ở tổ 1, tin rằng cuộc sống của 17 hộ dân ở tổ 2 thôn Bút Tưa sẽ dần ổn định. Để những câu chuyện như ở tổ 2 thôn Bút Tưa không còn xảy ra, thiết nghĩ các cấp chính quyền, các hội đoàn thể của địa phương cần bám dân, gần dân, sát dân, kịp thời thông tin, định hướng để an dân trước những tin đồn thất thiệt và những hệ lụy từ các hủ tục vẫn đang tồn tại ở cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng cao.

TẤN SỸ

TẤN SỸ