Lao động nữ làm việc ở nước ngoài: Rủi ro luôn rình rập

NAM VIỆT 21/02/2014 13:18

Mỗi năm, tại khu vực châu Á có hàng triệu lao động di cư nữ làm việc ngoài đất nước mình. Và trong số đó, nhiều lao động nữ phải đối mặt với công việc khổ nhọc, thậm chí bị bạo hành làm tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần.
Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International) cho biết, lao động nữ tại khu vực di cư mỗi năm thường chiếm từ 30 - 35% trong tổng số lao động ra nước ngoài làm việc, phần lớn là giúp việc nhà. Mỗi năm, số lao động nữ này mang về giá trị tài sản hay tiền mặt cho quê nhà ước tính hàng tỷ USD, góp phần cải thiện đáng kể đời sống kinh tế vốn khó khăn của nhiều gia đình, phát triển kinh tế xã hội đất nước nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Thế nhưng, chính họ là một trong những nhóm xã hội dễ bị tổn thương nhất và đang rất cần nhận được sự bảo hộ xứng đáng từ các tổ chức, các chính phủ…

Lao động nữ Indonesia giúp việc nhà tại Hồng Kông.
Lao động nữ Indonesia giúp việc nhà tại Hồng Kông.

Phần lớn người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm ở nước ngoài, thậm chí thông qua một số doanh nghiệp không được chính phủ cấp phép hoạt động. 2/3 những người giúp việc ở nước ngoài được Amnesty International phỏng vấn đều cho biết đã phải chịu nhiều dạng bạo hành về cả thể chất lẫn tâm lý. Việc yêu cầu các công nhân di trú như những người giúp việc này phải sống cùng với chủ nhân đã làm gia tăng tình trạng bị cô lập và làm những người giúp việc đối mặt thêm nhiều rủi ro bị bạo hành.

Amnesty International mới đây cũng cảnh bảo về việc hàng nghìn phụ nữ Indonesia bị đưa lậu sang Hồng Kông (Trung Quốc) để làm người giúp việc nhà, có nguy cơ phải chịu đựng các điều kiện giống như nô lệ, vì các chính phủ của cả hai bên đều không bảo vệ được họ trong hoàn cảnh bị bạo hành và bóc lột tràn lan. Mới đây nhất, vụ bạo hành người giúp việc gây chấn động dư luận như tại Hông Kông đối với một phụ nữ Indonesia cũng đã được vạch mặt. Tiến sĩ Rahul Malhotra, Phó Giáo sư tại trường Y Duke - NUS ở Singapore, là đồng tác giả của một bản báo cáo tập trung vào tình trạng sức khỏe và điều kiện làm việc của các phụ nữ giúp việc nhà cho biết, có rất nhiều phụ nữ đã hứng chịu sự bạo hành dưới nhiều hình thức, bị đau ốm, gặp các vấn đề về tinh thần, và có rất ít cơ hội nhận được các dịch vụ chăm sóc y tế. Ông Rahul Malhotra nói: “Giờ làm việc của họ rất dài, trong khoảng từ 13 tới 18, 19 tiếng một ngày. Đôi khi, họ không được nghỉ ngơi. Một điểm đáng chú ý là nhiều quốc gia không có ngày nghỉ cho người làm…”.

Như vậy, ngoài gánh nặng chăm sóc gia đình gia chủ thì điểm yếu khiến những người phụ nữ này dễ bị bóc lột là vì ở nhiều nước, những phụ nữ này không được coi là thành phần lao động chính thức. Bản phúc trình của Amnesty International còn phơi bày một thực tế là các cơ sở tuyển dụng thường không cung cấp cho các công nhân di trú giấy tờ hợp pháp được yêu cầu bao gồm hợp đồng làm việc, bảo hiểm bắt buộc, và thẻ căn cước có ảnh để làm việc ở nước ngoài, thứ làm giảm đi các hình thức nhận bồi thường.

Tiến sĩ Malhotra khẳng định, vấn đề ra nước ngoài làm người giúp việc có thể được giải quyết tốt hơn nếu các nước tạo ra các điều luật và nghiêm túc thực thi chúng.

NAM VIỆT

NAM VIỆT