Lòng tốt cũng cần đặt đúng chỗ

THẢO DÂN 21/02/2014 11:31

Lòng nhân ái vốn là truyền thống quý báu của người dân Việt. Trong những ngày xuân, lòng nhân ái càng tỏa rộng bởi tiền bạc cũng rủng rỉnh hơn, lòng người cũng rộng mở hơn ngày thường. Vì thế, thời điểm này thường nảy sinh những trường hợp giả danh nhà chùa, giả làm người tàn tật, nghèo khổ... để lợi dụng lòng tốt của mọi người. Khi lòng tốt đặt nhầm chỗ và bị lợi dụng, không ít người cảm thấy khó chịu; làm những người có tâm đâm ra nản lòng, nhụt chí và ảnh hưởng đến những người thật sự cần giúp đỡ.

Nhiều trường hợp khó khăn thật sự, rất cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. TRONG ẢNH: Cháu Trần Hoàng Minh Nhật (thôn 5, xã Bình Lãnh, Thăng Bình) bị bệnh não úng thủy. Ảnh H.D
Nhiều trường hợp khó khăn thật sự, rất cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. TRONG ẢNH: Cháu Trần Hoàng Minh Nhật (thôn 5, xã Bình Lãnh, Thăng Bình) bị bệnh não úng thủy. Ảnh H.D

Mới đây, bạn tôi gặp 2 ni cô tự xưng là đến từ một ngôi chùa ở Huế mời mua hương để giúp đỡ nhà chùa. Là phật tử, lại sẵn có lòng tốt nên bạn tôi đã không ngần ngại mua 2 bó hương nhỏ với giá 50 nghìn đồng, mà lẽ ra đúng giá chỉ có... 10 nghìn đồng. Bạn tôi đưa tờ 100 nghìn. Thấy dễ dãi, hai ni cô liền bảo, nhà chùa đang cần tiền để tu sửa, nên đề nghị bạn ủng hộ 50 nghìn đồng nữa và không quên khen tướng người bạn tôi là vượng phu ích tử, nhân đức phúc hậu (!). Vừa lúc đó, gặp một người từng sống ở Huế nhiều năm, rất rành về những ngôi chùa ở đấy nghe chuyện nên anh hỏi thăm 2 ni cô về ngôi chùa sắp tu sửa, 2 ni cô ấp a ấp úng, rồi nhanh chóng thối lại tiền thừa và bỏ đi!

Lần khác, một người đàn ông bị bại liệt lê la khắp các chợ ở Tam Kỳ để xin tiền. Nhiều người ở chợ không khỏi thương cảm và mỗi người giúp đỡ một ít. Điều khiến tôi bất ngờ là, buổi sáng tôi gặp người này ở Tam Kỳ thì chiều cùng ngày đã thấy ông ta xuất hiện ở chợ Ái Nghĩa (Đại Lộc). Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như trời không bất chợt đổ mưa. Vừa đến đầu chợ, gặp mưa, nhìn quanh thấy ít người để ý, ngay lập tức ông ta... đứng dậy chạy nhanh vào gian lều trống để trú mưa. Thêm một trường hợp nữa. Mới đây, trên đường chạy xe máy từ Đà Nẵng về Tam Kỳ, khi ngang qua Thăng Bình, tôi gặp một phụ nữ xin quá giang. Đến Tam Kỳ, chị bảo nhà chị ở Bắc Trà My nhưng hết tiền đi xe. Tôi giúp chị 50 nghìn đồng để đón xe về quê. Nếu nhà ít người và không có con dại, có lẽ tôi đã mời chị đến nhà ở lại qua đêm vì lúc này trời sắp tối. Chiều hôm sau, một người bạn của tôi từ Đà Nẵng vào chơi cũng kể lại trường hợp tương tự, và bạn cũng cho tiền để người phụ nữ đón xe về Bắc Trà My. Hỏi kỹ, hóa ra hình dáng, gương mặt người mà bạn tôi chở giống như người phụ nữ hôm qua tôi cho đi nhờ xe. Đến lúc đó, chúng tôi mới biết mình đã bị lừa.

Cũng có trường hợp giả danh cán bộ để lừa nhà chùa vì người tu hành thường tích cực làm công tác từ thiện - xã hội. Như trường hợp của Nguyễn Hữu Phước (SN 1964, ở Bình Trung, Thăng Bình) đã bị công an bắt năm ngoái. Phước xưng danh là cán bộ của Cục Công tác chính trị Bộ Công an đến chùa Ông, chùa Trúc Lâm (Quảng Ngãi) để xin tiền làm văn nghệ về chủ đề phòng chống tệ nạn xã hội. Sau khi lừa xin được 2 triệu đồng ở chùa Ông, Phước đến chùa Trúc Lâm thì bị trụ trì chùa nghi vấn, báo công an và Phước bị bắt ngay sau đó. Khi cơ quan công an mở rộng điều tra, được biết trước đó Phước rủ rê một số người ở Thăng Bình giả danh các tổ chức xã hội để đi đến các cơ quan, nhà dân bán tăm tre, sách, bút, hương... dưới dạng “bán hàng từ thiện”.

Một số người khi biết lòng tốt của mình bị lợi dụng, trở nên dè chừng, phân vân, cảnh giác hơn trước khi quyết định giúp đỡ một ai đó; cũng có khi lòng tốt của họ bị lừa nhiều lần đã dần dần trở nên vô cảm. Cũng có người cho rằng, trước những người tàn tật, nhà sư đi khất thực, hay những người cơ nhỡ, đáng thương... cứ giúp đỡ trong khả năng của mình; còn những ai lừa dối sẽ phải bị tòa án lương tâm phán xét. Nhưng lòng tốt, nếu đặt không đúng chỗ, sẽ vô tình tiếp tay cho sự lừa dối. Và thật khó để phân biệt được những ai cần sự giúp đỡ, sẻ chia thực sự...

THẢO DÂN

THẢO DÂN