Thực - ảo đói nghèo
Cuối năm 2013, khi đưa ra con số hộ nghèo tại các địa phương của tỉnh, đã có những thông tin trái chiều về việc tỷ lệ hộ nghèo phản ánh thiếu chính xác, xuất phát từ việc điều tra thiếu chặt chẽ. Tại huyện Nam Trà My, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến hơn 72,05%. Về con số này, ngày 18.2, ông Nguyễn Văn Điền - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: Cách thức điều tra là phải xuống từng hộ, thôn đánh giá chứ không thể có nơi chỉ nhờ giáo viên các xã, nóc ghi vào. Huyện có 25 nghìn dân, trong đó 8 nghìn học sinh, gần 600 giáo viên hưởng chế độ học sinh, giáo viên miền núi. Huyện có 10 xã thì mỗi xã trung bình có 50 công chức hưởng lương, rồi công chức huyện, đối tượng hưởng chế độ thương binh, liệt sĩ, hưu trí. Mà theo quy định, đã hưởng lương, chế độ nhà nước từ 500 nghìn đồng/tháng trở lên thì không được xem là nghèo. Đem con số 25 nghìn dân ra trừ các đối tượng trên, sẽ biết ngay bao nhiêu hộ không nghèo. Huyện này hưởng các Chương trình 30a, 135, 102, 229 (An toàn khu giáp với Tây Nguyên), xây dựng nông thôn mới... nghĩa là có rất nhiều tiền Nhà nước đổ vào đây, đâu có thiếu tiền, nhưng tỷ lệ nghèo quá cao là không thuyết phục. Ví dụ xã Trà Tập chỉ có 11 hộ không nghèo là không đúng. “Không giấu nghèo, nhưng phải đúng thực tế” - ông Điền nói. Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tập cho biết, con số 11 hộ không nghèo đã được điều chỉnh thành 23 khi có chỉ đạo rà soát lại từ huyện.
Ai đi công tác vùng cao cũng dễ thấy cảnh: cơm không đủ ăn, áo quần rách bươm, nhưng ngực đeo tòn teng… chiếc điện thoại di động dù vùng đó không có sóng. Hỏi ra thì biết chủ nhân thích… nghe nhạc. Tôi đã một lần lội vào thôn khá xa của xã Zuôih huyện Nam Giang là Brum B, kinh ngạc thấy một nàng người Cơ Tu tóc nhuộm vàng hoe đang lướt máy tính bảng, trả lời nhát gừng và kênh kiệu: xem clip ca nhạc và phim chứ làm chi! Theo ông Điền, có ý kiến cho rằng họ thu nhập không bền vững, có khi thu nhập 1 triệu đồng/tháng, nhưng tháng có tháng không, nên hộ nghèo cao. Tuy vậy, phải đánh giá chính xác, bởi một lập luận đã và đang phổ cập không chỉ riêng Quảng Nam: không muốn thoát nghèo để được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước! Một khi lối suy nghĩ “chết người” này còn tồn tại, thì con số đói, nghèo vẫn chông chênh thực - ảo.
TRUNG VIỆT