Nét đẹp làng biển
Người dân làng biển Tam Quang (Núi Thành) bao đời nay luôn gìn giữ truyền thống văn hóa, tâm linh theo cách riêng của mình. Nhờ nâng niu gốc rễ văn hóa biển mà vùng đất này đang bứt phá đi lên một cách mạnh mẽ.
Sau Tết Nguyên đán, ở Tam Quang diễn ra hàng loạt nghi thức lễ hội đậm nét dân gian miền biển như lễ cầu ngư, thờ cúng cá Ông, hội đua thuyền truyền thống… Qua rằm tháng giêng, những tàu đánh bắt lần lượt nhổ neo vươn khơi xa hứa hẹn mùa biển bội thu.
Một ngày mới ở vùng đất nằm sát cửa sông, cửa biển, nhịp sống xô bồ đến lạ.
Yên bình làng biển thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang. Ảnh: HỮU PHÚC |
Tự hào “công dân biển”
Mặt trời chưa ló dạng, trước khu vực chợ cảng Kỳ Hà đã tấp nập các loại xe tải chở hàng xuống biển, từ xe tải nặng đến xe tải nhẹ, xe máy chở mặt hàng nông sản, thủy sản lên các vùng lân cận tiêu thụ. Các làng Sâm Linh Đông, Sâm Linh Tây, An Hải Đông, An Hải Tây… bám dọc theo bờ sông đã không còn vẻ bình lặng vốn có như bao làng chài khác. Ở đây, sự đô thị hóa đã len vào tận đầu làng đến cuối xóm. Nhà cửa san sát chật cứng, đếm không xuể bao nhiêu cửa hàng, dịch vụ kinh doanh buôn bán. Mật độ dân số ở Tam Quang thuộc loại đông đúc nhất nhì vùng ven biển trong tỉnh. Một cán bộ địa phương cho biết, ở làng biển này, khá phổ biến tình trạng 3 - 4 thế hệ chung sống trong một ngôi nhà cũ kỹ, chỉ rộng hơn 50m2. Tâm lý “nhất cận thị, nhì cận giang” vẫn còn, vả lại, đất sản xuất trồng trọt nơi đây ít ỏi...
Làng Sâm Riêng (thuộc thôn Sâm Linh Tây) trong tiết xuân lộng gió. Gió từ biển, sông rào rạt phả vào người. Ở làng biển này, hầu như nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc quanh năm. Người dân treo cờ trước sân nhà và cắm trên ca bin tàu. “Nhiều nơi chỉ treo cờ Tổ quốc trong những ngày lễ, đất nước mừng Đảng, đón xuân, trừ những nơi cắm cờ vĩnh viễn là vùng biên giới, hải đảo, chứ ở đây treo quanh năm có ý nghĩa gì?” - tôi thắc mắc. Nhiều ngư dân “cự” lại, ở đâu không biết, chứ làng biển này, dù trên đất liền hay ở đại dương trùng khơi, trong mỗi ngôi nhà, trái tim mọi người rất đỗi tự hào khi nhìn cờ đỏ sao vàng tung bay. Ngư dân trẻ Trần Thanh Tâm (làng Sâm Linh Tây) chủ nhân của hai con tàu mang số hiệu QNa 91475, QNa 91594 với nghề lưới vây khơi chia sẻ, ngư dân mình bị các tàu cá lớn của Trung Quốc dọa nạt, truy đuổi gây khó trong khai thác ngư trường thường xảy ra như cơm bữa trên vùng thềm lục địa thuộc chủ quyền của ta. Tuy nhiên, mỗi lần thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay đã tăng thêm sức mạnh, niềm kiêu hãnh dân tộc cho ngư dân kiên tâm bám biển. “Tổ tiên bao đời nay vẫn sinh nghề tử nghiệp với biển. Tôi rất tự hào là công dân biển” - Tâm bộc bạch. Cũng theo Tâm, nhờ biển mà gia đình mới có cuộc sống ổn định như hôm nay, sắm được tàu lớn vươn khơi. Chính vì thế, nhiều thanh niên trong làng cũng không sợ thất nghiệp.
Mộ cá Ông tại lăng Ông, xã Tam Quang. |
Nét đẹp văn hóa
Mỗi năm, ở vùng biển Tam Quang, ngư dân tổ chức lệ làng tại lăng Ông vào dịp đầu năm sau Tết Nguyên đán và lệ hạ cội lúc kết thúc mùa biển trong năm vào ngày 20.9 âm lịch. Lăng Ông, còn gọi lăng thờ cá Ông như ngôi nhà sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh chung của người dân xã Tam Quang và các vùng lân cận. Lăng Ông cửa mở ngày đêm, chung quanh còn dành đất để chôn cất cá Ông mỗi khi lụy bờ. Trong tâm thức của người dân miền biển, cá Ông là vị thần, là ân nhân của ngư dân mỗi khi gặp tai ương trên biển. Nhiều năm nay, vợ chồng ông Trần Thanh (thôn An Hải Tây) đứng ra vận động người dân tu sửa, xây dựng lại lăng khang trang. Hầu như ngày nào bà Lê Thị Ánh Thu (vợ ông Thanh) cũng tự tay quét dọn vệ sinh, lo hương khói cho lăng Ông. Bà Thu cho biết, gia đình chị dù không trực tiếp đi biển, nhưng những người thân trong tộc đã bao đời gắn với biển, nên bản thân nguyện cầu cho họ được bình yên khi đánh bắt xa bờ. “Toàn bộ số tiền mà các chủ tàu, người dân đóng góp, chúng tôi sử dụng vào việc thăm hỏi ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, gặp tai nạn trên biển và tổ chức lệ làng tại lăng Ông. Làng biển này rất hiền là nhờ Ông phù hộ” - bà Thu bộc bạch. Trên phần mộ cá Ông đắp cao đầy cát, nhiều người dân địa phương trước khi vươn khơi đã đến thắp hương khấn nguyện.
Theo ông Nguyễn Tin - Chủ tịch UBND xã Tam Quang, tín ngưỡng thờ cá Ông là nét đẹp văn hóa của ngư dân địa phương. Điều quan trọng, ngư dân đã biết kết nối với nhau đoàn kết làm ăn, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn khi vươn khơi bám biển. Đến nay, cả xã đã xây dựng được 16 tổ đoàn kết với 96 phương tiện tham gia khai thác trên biển. “Thời gian qua, các tàu thuyền của xã làm rất tốt công tác cứu nạn, cứu hộ. Ngư dân khai thác ngư trường theo từng nhóm nên ít xảy ra rủi ro tai nạn. Năm qua, 4 con tàu của địa phương đã không ngại khó khăn, hao tổn, lai dắt nhiều phương tiện gặp nạn trên biển vào bờ an toàn” - ông Tin cho biết.
HỮU PHÚC