Đôi bạn giỏi văn
Gặp Nguyễn Bích Chiêu và Dương Lý Ánh Nguyệt, ắt hẳn ít ai nghĩ đây là những học sinh lớp 11, bởi cách tư duy, cảm xúc đặc biệt của các em với môn văn, với cuộc đời.
Những thành tích “đáng nể”
Những năm gần đây, ở trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Tam Kỳ) xuất hiện khá nhiều tài năng trẻ. Trong đó, nhiều em bộc lộ được khả năng cảm thụ, tư duy và sáng tác văn học. Dẫu đây chỉ là bước khởi đầu, nhưng các em rất đáng được động viên, khuyến khích, tạo cơ hội phát triển. Đôi bạn thân Dương Lý Ánh Nguyệt và Nguyễn Bích Chiêu, học sinh lớp 11 chuyên Văn K11 là những tấm gương tiêu biểu.
Đôi bạn giỏi Văn Nguyễn Bích Chiêu (trái) và Dương Lý Ánh Nguyệt. Ảnh: THÀNH GIANG |
Trong cuộc trò chuyện với thầy giáo Nguyễn Lợi, giáo viên Văn trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng tôi được thầy kể về hai cô học trò ngoan và học giỏi của mình: Bích Chiêu ở huyện Phú Ninh, Ánh Nguyệt ở Thăng Bình. Theo thầy Lợi, dù chỉ đang học lớp 11 nhưng Nguyễn Bích Chiêu và Dương Lý Ánh Nguyệt đã bộc lộ khả năng tư duy, cảm thụ văn học rất tốt, là những điểm sáng của lớp 11 Văn K11. Thầy Nguyễn Lợi cũng chia sẻ rằng, có được 2 “mũi nhọn” như Chiêu và Nguyệt là niềm mong đợi của không ít thầy cô nhà trường từ rất lâu. Và hai cô học trò này đã đem về cho trường không ít thành tích từ cuộc thi học sinh giỏi các cấp. Năm 2013, ở cuộc thi học sinh giỏi THPT toàn tỉnh, Chiêu giành giải nhất, còn Ánh Nguyệt cũng không kém người bạn thân khi giành được giải nhì. Xuất sắc hơn, trong cuộc thi Olympic khu vực duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ, Bích Chiêu đã giành được Huy chương Vàng môn Văn và Ánh Nguyệt giành được Huy chương Đồng. Tiếp đến, đầu năm 2014, trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cả Chiêu và Nguyệt đều nỗ lực hết sức cùng giành được giải Khuyến khích.
Theo thầy giáo Nguyễn Lợi, bên cạnh những giờ lên lớp chính khóa, nhà trường và các thầy cô trực tiếp dạy Văn hai em Chiêu và Nguyệt đang có những kế hoạch bồi dưỡng để các em giành được những kết quả cao hơn trong thời gian tới cũng như phát triển năng lực văn chương của mình. Và, quan trọng nhất là Chiêu và Nguyệt không bao giờ tự mãn với những thành tích mình đạt được.
Và những tâm sự ...
Gặp Nguyễn Bích Chiêu và Dương Lý Ánh Nguyệt, ắt hẳn ít ai nghĩ đây là những học sinh lớp 11, bởi cách tư duy, cảm xúc đặc biệt của các em với môn văn, với cuộc đời. Trong từng câu nói, trong từng hành động, các em có sự hòa trộn hợp lý giữa cái ngây thơ của tuổi đời và cái người lớn cần thiết của một người đang bước trên con đường văn chương.
Ngoài việc học ở trường, cả Chiêu và Nguyệt đều có được những sáng tác đầu tay cho riêng mình. Đó là những tản văn, những bài thơ rất học trò nhưng cũng không kém phần sâu sắc. Như những câu thơ này của Bích Chiêu, ai nghĩ là của một cô học trò THPT: “Có hay không trên những nẻo luân hồi?/ Mà thu về chia phôi màu hạ trắng/ Mỗi kỷ niệm tìm nhau trong trong chiều vắng/ Cố nương thân giữa nắng gió đường đời”. Có những buổi chiều hay buổi tối, sau khi học bài xong, Chiêu và Nguyệt đạp xe rong ruổi đến những miền quê quanh trường để cảm nhận cuộc sống xung quanh, để hòa mình vào những thanh âm thường nhật. |
Chia sẻ về ước mơ, nguyện vọng của mình với văn chương, với cuộc sống, Bích Chiêu đã không ngần ngại tỏ bày: “Em đến với văn chương bằng một sự tình cờ từ cuối bậc THCS và càng ngày càng cảm thấy thú vị. Nhờ có môn Văn mà em thấy mình lớn hơn, nhìn cuộc sống rõ hơn và đa diện hơn. Trước đây, em nhìn thấy cuộc sống thật đơn giản. Nhưng khi đọc các tác phẩm văn học, soi chiếu vào cuộc sống thực, em lại thấy cuộc sống này nhiều cái xấu và cũng nhiều cái tốt đang từng ngày giành giật nhau trên cùng một mảnh đất hẹp. Nhưng em vẫn dành niềm tin cho cái tốt nhiều hơn. Em mong có được những thành tích cao hơn trong các kỳ thi học sinh giỏi sắp tới để được tuyển thẳng vào đại học”.
Ánh Nguyệt thì có những cảm nhận của riêng mình về môn Văn. Em bảo rằng kiến thức văn chương hiện tại trong nhà trường vừa là sự thuận lợi, vừa là khó khăn của những học sinh, nhất là học sinh chuyên Văn. Thuận lợi ở chỗ các em được tiếp cận với nhiều tác phẩm, tác giả để có cái nhìn nhiều chiều hơn về văn chương. Nhưng thực tế, rất nhiều bạn đã bị bội thực kiến thức, “tẩu hỏa nhập ma”, cuối cùng không có gì của riêng mình cả. Trong khi văn chương cần bám vào thực tế và coi trọng sự sáng tạo. Với Nguyệt, em không đặt nặng thành tích mà chỉ mong lấy văn chương làm con đường để đến với mọi người. Bởi, nhìn từ góc độ nhân văn, tình người của văn chương, ta dễ cảm thông, yêu thương và thứ tha cho mọi người. Cuộc sống như thế sẽ đẹp hơn biết bao nhiêu.
Con đường phía trước vẫn còn rất dài với những khó khăn không nhỏ, nhưng chúng tôi tin rằng bằng tư duy cảm thụ, bằng sự cố gắng miệt mài, bằng niềm tin vào sứ mệnh chân - thiện - mỹ của môn Văn, Bích Chiêu và Ánh Dương sẽ đi xa hơn trên con đường mà mình đã chọn. Những tâm hồn ấy nếu được ấp ủ, nâng cánh, một ngày không xa cũng sẽ tạo cho mình một tiếng nói giữa bầu trời văn học trẻ Quảng Nam...
NGUYỄN THÀNH GIANG