Bắc cực "nổi sóng"

NAM VIỆT 17/02/2014 10:40

Vùng Bắc cực băng giá hiện trở thành điểm nóng của quốc tế không chỉ vì hiện tượng tan băng khiến nhiệt độ của trái đất tăng cao gây hiểm họa cho nhân loại mà cuộc đua “giành sổ đỏ” khai thác tài nguyên tại đây đang diễn ra quyết liệt.

Trong bài phát biểu vào cuối tuần qua tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh: “Vùng Bắc cực là biên giới cuối cùng của hành tinh chúng ta, một vùng đất mà đối với Hoa Kỳ và cả thế giới có những lợi ích khổng lồ và ngày càng lớn về địa chiến lược, kinh tế, khí hậu, môi trường và an ninh quốc gia”. Do đó, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ có một đại diện đặc biệt ở Bắc cực. Đó sẽ là một quan chức cao cấp đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ.

Một góc Bắc cực.Ảnh wikimedia.org
Một góc Bắc cực.Ảnh wikimedia.org

Giới chuyên gia địa chất Mỹ cho rằng Bắc cực chiếm 30% trữ lượng khí đốt thế giới, 13% trữ lượng dầu mỏ, 10% than đá và các khoáng sản khác, kể cả đất hiếm đang hiện diện tại đây. Ước tính vào năm 2030, 15% giao thương của thế giới sẽ qua con đường hàng hải Bắc cực khi hiện tượng băng tan vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, hoạt động đánh cá ở đây trong tương lai sẽ rất nhộn nhịp bởi lượng cá ngày càng nhiều, nhất là một số loài cá có giá trị kinh tế cao. Đó là chưa kể hoạt động du lịch biển Bắc cực sẽ thu hút rất nhiều người muốn khám phá miền đất giá lạnh này.

Theo luật quốc tế, không nước nào sở hữu Bắc cực hay vùng Bắc băng dương bao quanh nó. Hiện 5 nước quanh Bắc cực là Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch (qua Greenland) và Mỹ (qua Alaska), bị hạn chế bởi một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ bờ biển của nước mình, và vùng bên ngoài giới hạn này thuộc quyền quản lý hành chính của Cơ quan quản lý đáy biển thế giới.

Hiện nay, đã có nhiều quốc gia đang tiến hành mở rộng lãnh thổ cũng như gia tăng sự hiện diện của mình tại Bắc cực với nhiều hình thức khác nhau. Vào đầu tháng 8.2013, Trung Quốc đã đưa một chiếc tàu chở hàng đầu tiên sử dụng con đường này. Mới đây nhất, Canada đã khởi công xây dựng con đường đầu tiên nối liền biển Bắc cực với châu Mỹ, nhằm thúc đẩy việc khai thác dầu khí ở vùng này. Từ năm 2013, Canada nắm giữ chức chủ tịch luân phiên với nhiệm kỳ 2 năm của Hội đồng Bắc cực, là một diễn đàn liên chính phủ của các quốc gia “láng giềng” Bắc Cực gồm Canada, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga và Thụy Điển, có mục tiêu là thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, khai thác dầu khí và khoáng sản, giao thông hàng hải, đánh cá và du lịch.

Các nhà khoa học đã lên tiếng báo động về những tác hại của những hoạt động nói trên đến môi trường ở Bắc cực, nhất là do sự di chuyển của những con tàu trọng tải lớn chạy bằng dầu diesel, băng và tuyết ở Bắc cực sẽ lại càng tan nhanh hơn, với hậu quả là mực nước biển dâng cao hơn, nguy cơ nhấn chìm một số khu vực. Một bài viết được đăng trên Tạp chí Nature (Mỹ) cho biết, đất đóng băng vĩnh cữu ở Bắc cực tan chảy làm thoát ra khí mêtan có thể gây thiệt hại kinh tế thế giới hơn 60 nghìn đến 70 nghìn tỷ USD. Theo mô hình nghiên cứu giả định với tốc độ tan chảy đất đóng băng Bắc cực hiện nay, lượng khí mêtan này sẽ bốc hơi hoàn toàn trong 10 năm, nếu trực tiếp thải ra khí quyển, sẽ khiến nhiệt độ trái đất tăng khoảng 2 độ C trong vòng 15 đến 35 năm tới, gây thảm họa môi trường, thảm họa thiên tai là rất nghiêm trọng.

NAM VIỆT

NAM VIỆT