Nữ trinh sát

PHƯƠNG NAM 17/02/2014 09:04

Môi son má phấn, quần áo thời thượng, một hai giờ sáng vẫn còn rong ruổi trên đường phố… Ít ai biết rằng, cô gái ấy là một trinh sát giỏi của Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Nam...

Sau 7 năm công tác tại Trại Tạm giam Công an tỉnh, năm 2007, Trần Thị Thu Trang (SN1980) được điều động về nhận công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh. Thời gian làm công tác quản giáo đã cho Trang nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp cận các đối tượng hình sự. Thêm vào đó, sự thông minh, nhạy bén và quyết đoán vốn có đã giúp Trang hóa thân thành công trong các “vai diễn” của mình.

Cải trang đánh án

Năm 2013, một lần Trang và một trinh sát nam đóng giả cặp tình nhân vào nhà nghỉ để theo dõi đối tượng. Vì trinh sát nam nhỏ tuổi hơn Trang nên ngay từ khi rẽ vào cổng nhà trọ, những người phụ nữ ngồi quán nước bên cạnh đã nhìn Trang với cặp mắt chế giễu, miệt thị. Tiếp đó, chủ nhà nghỉ và nhân viên phục vụ cũng nhìn Trang thì thầm to nhỏ và cười rúc rích. Những điều này càng góp phần làm cho Trang nhập vai diễn một cách xuất sắc. Cho đến khi đối tượng bị bắt, chủ nhà nghỉ không giấu được sự ngạc nhiên và khâm phục, đến bên Trang bảo: “Nãy giờ chị cứ nghĩ em là “gái”, không ngờ em lại là công an. Em thiệt là giỏi, vậy mà em phải chịu oan rồi”.

Ai hiểu được nghề cảnh sát hình sự mới thấu hết những gì cô gái này đóng góp cho xã hội. Là con gái cưng của một vị cán bộ lãnh đạo, Trang đã sống trong sự bảo bọc từ nhỏ. Thế nhưng khi trở thành trinh sát hình sự, Trang không quản ngại lặn lội gió mưa, nguy hiểm, đạp xe đạp đến rã rời đôi chân để theo dõi đối tượng. Có lúc, Trang còn trở thành “cô gái hư hỏng”, uống rượu bia với các thành phần bất hảo. Rồi cắt cỏ, bán rau, lượm ve chai… Trang phải thích nghi với những hoàn cảnh ấy để thực hiện công việc đặc biệt của mình. Không những thế, Trang còn phải có bản lĩnh và sự mạnh mẽ. Bởi, tội phạm hình sự rất liều và lì lợm. Dù là nữ, khi vào cuộc chiến đấu này thì buộc phải nhanh nhạy, lanh lợi và biết ứng phó trong mọi tình huống. Nếu không như thế, không những không hoàn thành nhiệm vụ mà còn phá hỏng công việc của tập thể, bản thân bị xâm hại.

Luôn sẵn sàng cho công việc

Đối với các cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh, đã gọi là công việc thì không có khái niệm trong hay ngoài giờ hành chính. Bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng lên đường, không kể là đêm hay ngày, sớm hay muộn, mưa hay nắng. Dù là phụ nữ có con nhỏ, Trang cũng không ngoại lệ. Khi đơn vị cần là phải gác lại tất cả việc riêng để cùng đồng đội “đánh án”. Có những lúc, nghe tiếng con khóc giữa đêm, Trang rất muốn được ở nhà để ầu ơ ru con ngủ. Hay những đêm trời khuya gió lạnh, Trang cũng muốn cuộn tròn trong chăn êm nệm ấm. Nhưng nghĩ đến công việc là Trang lại cố gắng lên đường. Trang bảo, cô rất may mắn và hạnh phúc bởi chồng cô công tác cùng ngành nên hiểu và thường xuyên động viên vợ trong công việc.

Ngoài công việc trinh sát, Trang còn đóng góp rất lớn trong việc thực nghiệm hiện trường. Hầu hết vụ án mà nạn nhân là nữ, Trang đều vào vai nạn nhân để đối tượng thực hiện lại hành động gây án của mình. Việc đóng giả nạn nhân nghe ra rất đơn giản, nhưng để thực hiện được đòi hỏi người nhập vai phải thật sự bình tĩnh, có kinh nghiệm và kiên nhẫn. Nhiều khi, chỉ một, hai động tác nhưng đối tượng phải diễn đi diễn lại nhiều lần. Và Trang cũng phải nhiều lần nhập vai nạn nhân như thế. Trang bảo, đứng trước lực lượng công an và nhiều người xem để diễn tả lại tội ác của mình, hầu hết đối tượng luôn trong trạng thái bấn loạn tinh thần. Chính vì vậy, Trang phải phối hợp tốt, tạo tâm lý ổn định cho đối tượng, hướng họ đến sự thành thật, chính xác để công việc điều tra đạt kết quả cao.

Dùng tình người để phòng ngừa tội phạm

Trang thường tâm sự, cô rất may mắn và hạnh phúc khi sống trong sự yêu thương của cha mẹ, chồng con và bạn bè, đồng nghiệp. Chính vì thế, trong công việc, Trang luôn nhân hậu với đối tượng của mình, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh gia đình bất hạnh. Sau khi nắm rõ hoàn cảnh của đối tượng, Trang gặp gỡ, động viên và từ từ thuyết phục tránh xa những con đường dễ phát sinh phạm tội. Điển hình như trường hợp L.V.L (SN1997, trú tại phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ). Hoàn cảnh gia đình của V.L. rất khó khăn, cha bị bệnh nằm liệt giường, mẹ tảo tần buôn bán nhỏ nên không có thời gian chăm sóc, dạy bảo con cái. Nghe bạn bè rủ rê, V.L. tập tành chơi game online và trở thành game thủ có tiếng ở Tam Kỳ. Để có tiền chơi game, V.L. lao vào con đường trộm cắp, nhiều lần bị công an phường xử lý nhưng chưa khắc phục. Bằng tình thương, trách nhiệm của một chiến sĩ công an, Trang đến với V.L. như một người chị gái, sẻ chia, giáo dục em nhận ra sai lầm của mình. Đến nay, V.L. đã tiến bộ, không còn trộm cắp nữa.

Khi nghe tôi đặt vấn đề viết bài về mình, Trần Thị Thu Trang ngại ngùng: “Em không có gì đặc biệt đâu chị ạ, công việc của em cũng như mọi anh em trong đơn vị thôi mà”. Là người thường xuyên tiếp xúc với nhiều trinh sát và viết bài về lực lượng công an đánh án, tôi hiểu, công việc của Trang không thể đo đếm cụ thể và kể rành mạch, cặn kẽ từng việc. Bởi, những công việc ấy gắn liền với nghiệp vụ công an và lặng lẽ, âm thầm.

PHƯƠNG NAM

PHƯƠNG NAM