Đờn ca tài tử: Hồn cốt cổ truyền trước làn sóng hiện đại
Ngày 11.2 vừa qua, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã trao Bằng vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trước đó, vào đầu tháng 12.2013 tại, Baku, Azerbaijan, UNESCO đã chính thức ghi nhận môn nghệ thuật độc đáo này.
Trang mạng Radio France Internationale của Pháp đã viết: “Đờn ca tài tử Nam Bộ (Việt Nam) được UNESCO công nhận đã cho thấy sức sống của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập thế giới. Bởi đây là loại hình âm nhạc vừa bình dân, vừa bác học, được ra đời ở miền Nam Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ 19... So với tất cả nghệ thuật cổ truyền Việt Nam, Đờn ca tài tử là nghệ thuật duy nhất không phụ thuộc vào các không gian văn hóa, hoặc các không gian trình diễn theo mùa vụ. Nó là một nghệ thuật giải trí, chơi bất kỳ lúc nào, chơi bất kỳ ở đâu”.
Đờn ca tài tử trên sông nước miền Nam. |
Một trong những điểm độc đáo làm nên sự quyến rũ của Đờn ca tài tử là lối hòa đàn trác tuyệt, ở đấy, tính ngẫu hứng được đặt lên trên hết. Thú vị hơn, trong tính ngẫu hứng có thể nói là duy nhất ở Việt Nam, tâm tư, tình cảm cũng như tài năng của người thể hiện đều được nhìn thấy bằng âm thanh. Đờn ca tài tử xác định ra bốn “hơi”: Bắc, Hạ, Nam, Oán. Đây là nghệ thuật đã đúc kết và hoàn thiện được nhạc ngữ cổ truyền của người Việt Nam cũng như tạo được các “ngón đờn”, để thỏa mãn được các cung bậc tình cảm.
Các chuyên gia trong và ngoài nước, như GS-TS. Trần Quang Hải tại Paris, Pháp nhận định, những nghệ sĩ chơi Đờn ca tài tử ngày này vẫn “rất tài tử”, vẫn giữ được cái cốt lõi, cái linh hồn của tài tử, tức là chơi “rất âm nhạc”. Hiện nay, có các tài tử bậc thầy đang tìm mọi cách để trao truyền nghệ thuật chân chính, đúng đắn nhất cho cộng đồng. Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, người đã trao bằng vinh dự công nhận cho nghệ thuật độc đáo này phát biểu, đây là một minh chứng sinh động về sức lan tỏa của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập của văn hóa thế giới, tạo cơ hội để người dân trên toàn thế giới được thưởng thức và hiểu rõ hơn về nền văn hóa tươi đẹp và phong phú của Việt Nam.
Trên một trang mạng quốc tế của châu Á đã viết, Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng miệt vườn sông nước Nam Bộ, là sự kết hợp hòa quyện đặc sắc giữa tiếng đờn, lời ca và điệu diễn, vừa phản ánh tinh hoa văn hóa nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt. Đặc biệt ngày nay, Đờn ca tài tử được kết hợp với loại hình du lịch sinh thái vùng sông nước Nam Bộ càng hấp dẫn du khách đến đây. Nhất là những du khách nước ngoài bên dưới những bóng dừa rợp mát của Bến Tre hay Mỹ Tho, Vĩnh Long… lặng yên thả mình du dương theo những tiếng đờn với lời ca bình dị sâu nặng tình người miền Nam Bộ càng mê hoặc lòng người.
QUỐC HƯNG (tổng hợp)