Du xuân trong tiết giêng hai

VĨNH LỘC 15/02/2014 09:34

Sau những bận rộn ngày tết, tháng giêng hai trở thành thời gian dành cho vui chơi thăm thú của người dân và du khách khi đến Quảng Nam.

1.Quảng Nam có nhiều lễ hội đầu xuân, những ngày sau tết về Hội An du khách sẽ được sống trong không khí của các lễ hội văn hóa tâm linh, thể hiện tín ngưỡng của các cư dân phố Hội gắn với sự hình thành phát triển của vùng đất này. Năm nay, dịp Tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng), TP.Hội An tổ chức nhiều hoạt động tín ngưỡng tâm linh. Ngoài không gian chung của phố dành cho người đi bộ trên các tuyến đường như Trần Phú, Nguyễn Huệ, Trần Quý Cáp… tại các đình làng và hội quán của người Hoa như Quảng Triệu, Phúc Kiến hay miếu Quan Công cũng diễn ra những hoạt động văn hóa đặc sắc nhằm không chỉ cầu mong an bình thịnh vượng mà còn là dịp gặp mặt thường niên của con cháu xa gần trong bang cùng tế tự tiền hiền. Ngày này, ở mỗi hội quán đều trang trí cờ hoa rực rỡ, đèn lồng nhiều màu sắc,  trên án thờ lễ vật không thể thiếu bánh bao, hương hoa, trà quả và những món ăn mang sắc thái của từng bang. Giờ tế lễ tất cả mọi người trong bang tập trung về trước điện, y phục chỉnh tề cùng nhau vái lạy thần thánh, tổ tiên. Sau lễ là các hoạt động sôi nổi vui tươi với nhiều hoạt động như: múa lân, ca hát, xổ số, xin lộc làm ăn, cầu mong gia đình hạnh phúc. Ngoài ra, ở Quan Công miếu và các hội quán khác, du khách cũng có thể đến cầu an xin quẻ đầu năm...

Hội quán Triều Châu, một trong những điểm tham quan của du khách vào dịp Tết Nguyên tiêu.
Hội quán Triều Châu, một trong những điểm tham quan của du khách vào dịp Tết Nguyên tiêu.

Tết Nguyên tiêu cũng là ngày cúng tế lớn của đạo Phật bởi quan niệm “lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng giêng”. Thời gian này, ở các chùa lập đàn cầu Phật tụng kinh với sự tham gia của đông đảo thiện nam tín nữ để cúng  sao giải hạn, trừ tai ách, cầu mong đức Phật phù hộ độ trì, gia đình được bình yên. Ở các đình làng, miễu xóm, dân chúng tổ chức cúng tá thổ kỳ yên đầu năm, cúng tế thần nông tiên thánh, thành hoàng làng, cầu mong mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu, quốc thái dân an.

2.Tháng giêng hai về Quảng Nam không chỉ có Tết Nguyên tiêu mà còn nhiều lễ hội khác để du khách lựa chọn như lễ hội Long Chu, lễ vía Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, lễ hội Thanh Minh, lễ tế cá Ông hay lễ cầu ngư tại các vùng biển Thăng Bình, Hội An... Năm nay, lần đầu tiên một lễ hội cầu ngư được tổ chức quy mô tại thôn Tân An, xã Bình Minh (Thăng Bình) với các nghi lễ cúng biển và hát múa bả trạo, loại hình văn hóa phi vật thể vừa được Bộ VH-TT&DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Thông qua những câu hát, động tác chèo thuyền miêu tả cảnh sinh hoạt trên sông nước của ngư dân nhằm tri ân biển cả, tri ân cá Ông đã cứu giúp người dân đi biển thoát khỏi thiên tai, hoạn nạn giữa chốn trùng khơi mịt mùng.

Lễ hội Bà Thu Bồn mang đậm nét tín ngưỡng thờ mẫu của người dân các vùng bãi bồi sông nước. Ảnh: V.LỘC
Lễ hội Bà Thu Bồn mang đậm nét tín ngưỡng thờ mẫu của người dân các vùng bãi bồi sông nước. Ảnh: V.LỘC

3. Chỉ cách cung đường đến Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn không xa, lễ hội Bà Thu Bồn (xã Duy Tân, Duy Xuyên) là một trong những lễ hội mang đậm nét tín ngưỡng thờ mẫu của người dân các vùng bãi bồi sông nước được tổ chức định kỳ vào ngày 12.2 âm lịch hằng năm. Đây là hoạt động văn hóa dân gian đã có lịch sử hàng trăm năm nhằm tưởng nhớ một nữ tướng người Chăm (Bô Bô phu nhân) có công hộ trì nghề nông - ngư nghiệp cho người dân nơi đây. Lễ hội diễn ra trong không khí tưng bừng náo nhiệt kéo dài từ sáng đến tối mịt. Ngoài phần tế lễ còn có phần hội với các trò chơi dân gian và lễ rước như đua thuyền, hát bội, rước cộ, rước nước... Trong đó lễ hội đua thuyền truyền thống đã trở thành hoạt động thu hút sự tham gia cổ vũ của đông đảo người xem và du khách. Theo lệ, trước khi tranh tài các thuyền phải đến làm lễ, khấn vái trước lăng Bà rồi mới làm lễ xuất phát. Mỗi thuyền đua cử ra một người ngồi ở mũi thuyền mặc áo đỏ, được coi như “tùy phái” của thần chủ thuyền có nhiệm vụ vừa hát, vừa múa để khích lệ trạo thủ khi nghe tiếng hô ấy sẽ cảm thấy mình được thần linh trợ lực nên tay chèo bơi khỏe hơn. Con sông Thu Bồn như cuộn sóng bởi tiếng hò reo của trạo thủ, tiếng cổ vũ của nhân dân hai bên bờ càng làm cho không gian lễ hội thêm phần rộn rã.

4.Rời đồng bằng phố thị, du khách có thể ngược về núi, nơi sinh sống của các đồng bào dân tộc thiểu số như Cơ Tu, Ve, Ca Dong để hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên núi rừng, chiêm ngưỡng những cành hoa lan nở rộ giữa đại ngàn. Du khách cũng có thể cùng tắm suối nước nóng Butnga, Apăng (xã Sông Kôn, Đông Giang) cầu mong cho một năm hanh thông gặp nhiều may mắn hay hòa mình vào những lễ hội văn hóa mùa xuân rộn rã khắp buôn làng dù qua hàng bao đời vẫn còn nguyên sơ như bản tính người dân nơi đây vẫn vậy.

Du xuân mùa lễ hội là dịp cho du khách thưởng thức các giá trị văn hóa đặc trưng xứ Quảng đã được lắng đọng qua hàng trăm năm lịch sử. Những chuyến trải nghiệm còn giúp du khách quay về với vẻ đẹp truyền thống của người Việt thể hiện qua  phong tục tập quán, tâm thức, tín ngưỡng được các thế hệ tiền nhân kết tinh từ quá trình lao động sáng tạo, thể hiện suy nghĩ, lối ứng xử của cộng đồng các dân tộc cùng chung sống trên mảnh đất này trong suốt tiến trình lịch sử hình thành phát triển.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC