Căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Ấn
Quan hệ thương mại Mỹ - Ấn Độ lại nóng lên khi Mỹ chính thức đề nghị Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) can thiệp, buộc Ấn Độ phải mở cửa lĩnh vực khai thác năng lượng mặt trời của nước này.
Ủy ban Thương mại Quốc tế vừa bắt đầu phiên điều trần để giải quyết căng thẳng trong chính sách thương mại Mỹ - Ấn. Tham dự phiên điều trần bao gồm đại diện các ngành công nghiệp, từ năng lượng, viễn thông và dược phẩm đến từ hai bên Mỹ, Ấn Độ. Trước đó, phát biểu với báo giới, đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman cho biết, nước này đã đề xuất các cuộc thương lượng với Ấn Độ trong khuôn khổ WTO về việc Ấn Độ phải xóa bỏ yêu cầu bắt buộc sử dụng thiết bị và công nghệ nội địa trong lĩnh vực năng lượng mặt trời. Theo quan chức thương mại Mỹ, những quy định hiện hành của Ấn Độ là sự phân biệt đối xử với hàng nhập khẩu và đầu tư của Mỹ, đi ngược lại quy định của WTO. Như vậy, đây là lần thứ hai Mỹ tham vấn WTO để giải quyết những bất đồng liên quan tới chương trình phát triển năng lượng mặt trời của Ấn Độ.
Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman phát biểu trong phiên điều trần. |
Hồi tháng 8.2013, nhiều Thượng nghị sĩ Mỹ cũng kêu gọi điều tra tác động của chính sách thương mại Ấn Độ đối với việc làm và nền kinh tế Mỹ. Ấn Độ hiện nay là thị trường lớn thứ hai, chỉ sau Nhật Bản, về các thiết bị và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng mặt trời của Mỹ, ước tính tạo ra khoảng 12.000 việc làm. Trước đó, Mỹ cũng đã đưa Trung Quốc vào “tầm ngắm” với cáo buộc nước này trợ giá các hoạt động lĩnh vực công nghệ xanh và bán phá giá một số loại tấm năng lượng mặt trời vào thị trường Mỹ.
Cũng vào giữa tháng 1 vừa qua, trong bối cảnh căng thẳng quan hệ ngoại giao, Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu Mỹ ngừng các hoạt động thương mại tại khu nhà của Đại sứ quán Mỹ ở New Delhi. Theo đó, ngừng các hoạt động thương mại được tiến hành dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Hỗ trợ cộng đồng Mỹ (ACSA), kể cả hàng phục vụ ăn uống, quầy rượu, câu lạc bộ thu hình, địa điểm chơi bowling, hồ bơi, sân thể thao, cơ sở làm đẹp và thể dục thẩm mỹ.
Theo quy định, khi xảy ra tranh chấp hay tranh cãi thương mại giữa các nước thành viên, WTO sẽ tổ chức các cuộc đàm phán song phương để tìm giải pháp cùng chấp nhận được cho mỗi bên, cụ thể trong trường hợp này giữa Mỹ và Ấn Độ. Nếu trong vòng 30 ngày tiến trình này không đạt kết quả, Mỹ có thể đề nghị WTO thành lập một hội đồng phân xử.
Theo các chuyên gia kinh tế, những vụ kiện thế này có thể ảnh hưởng quan hệ thương mại vốn rất tích cực của hai nền kinh tế lớn này. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh bậc nhất ở châu Á, Ấn Độ với dân số đông và nền kinh tế tự do ngày càng có sức hút lớn hơn với các nhà đầu tư Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Kể từ năm 2006, thương mại hai chiều Mỹ - Ấn đã tăng gấp 4 lần, đạt gần 100 tỷ USD năm 2013. Và trong thập kỷ qua, xuất khẩu quốc phòng của Mỹ sang Ấn Độ đã tăng kỷ lục, từ khoảng 100 triệu USD lên hàng tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, hằng năm Ấn Độ xuất khẩu khoảng 80% công nghệ phần mềm sang thị trường Mỹ. Do vậy, nhiều nhà kinh tế Mỹ - Ấn xem đây là mối quan hệ đối tác chiến lược và thương mại quan trọng không thể để bị chệch hướng; các hoạt động hợp tác của các doanh nghiệp phải được tiếp diễn và phát triển như thường lệ.
QUỐC HƯNG