Vỡ mộng du học Nhật Bản
Nhiều gia đình vùng biển Bình Minh (huyện Thăng Bình) sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng thông qua các công ty môi giới để cho con cái mình đi du học tự túc tại Nhật Bản. Song, khi đã đặt chân đến mảnh đất “mặt trời mọc” thì không thấy “tương lai màu hồng” như nhiều bậc phụ huynh cũng như các em học sinh ảo tưởng.
Cả tin
Vỡ mộng du học trở về nước giữa cuối năm 2013, em Võ Thanh Trung (SN 1991) và Trần Văn Thiên (SN 1992) cùng trú tại thôn Bình Tân, xã Bình Minh vẫn chưa khỏi bàng hoàng khi gia đình vừa tốn một khoản tiền rất lớn chỉ vì cả tin. Em Trung cho biết, giữa năm 2012, một người quen tên Trần Nhân Vũ (quê thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh) xưng là Giám đốc Công ty Tư vấn du học quốc tế P.S. chi nhánh miền Trung đến nhà để tư vấn chuyện đi du học. Người này bảo khi sang “miền đất hứa”, công ty sẽ kiếm công việc làm thêm cho các em với thu nhập hàng tháng từ 30 - 40 triệu đồng. Vì Trung là con duy nhất nên số tiền tích cóp được sau mỗi chuyến đi câu mực khơi cộng với khoản tiền vay, ba mẹ Trung quyết định đầu tư cho con sang Nhật. Hơn nữa Trần Nhân Vũ là người quen bên họ nhà ngoại nên gia đình cũng yên tâm “gửi vàng”. Trung nói: “Anh Vũ bảo gia đình em đóng 190 triệu đồng, đó là số tiền để lo học phí 6 tháng đầu khi qua Nhật, 3 tháng trọ và chi phí máy bay. Trước đó, em đóng 7 triệu để làm hồ sơ và nhiều khoản khác để đi học và thi tiếng Nhật sơ cấp. Nói đi học tiếng Nhật nhưng thực chất chỉ là hình thức đi mua bằng vì tụi em chỉ biết nói có vài ba câu xã giao nhưng vẫn được cấp bằng để làm cơ sở sang Nhật”.
Vỡ mộng du học về nước tháng 8.2013, em Võ Văn Trung (trái) và Trần Văn Thiên chưa định hướng được tương lai sắp tới.Ảnh: VĂN HÀO |
Ông Trần Minh Hùng - Trưởng thôn Bình Tân, đồng thời là ba của em Trần Văn Thiên cho biết, thôn hiện có gần 10 em đi du học tự túc tại Nhật Bản thông qua công ty môi giới P.S. và một công ty khác. Cũng giống như gia đình em Trung, vì chỗ quen biết với Vũ nên khi người này “tư vấn”, cha mẹ Thiên quyết chạy vạy cho con được sang Nhật. “Gia đình tôi đi đánh bắt sáng đi trưa về, thu nhập hàng tháng bấp bênh. Khi nghe chú Vũ “tư vấn” rất mát dạ nên quyết mượn tiền gần xa để con được đi Nhật đặng sau này về giúp đỡ gia đình. Nhưng ai ngờ, qua bên đó chưa được một năm thì nó quay về vì không có tiền phải sống vật vờ. Công ty môi giới không tìm giúp việc làm cho con tôi như đã hứa trước đây” - ông Hùng kể. Cũng vì tin tưởng người quen nên việc đi du học của Trung và Thiên diễn ra mà không có hợp đồng hay giấy tờ có giá trị pháp lý nào. Khi qua Nhật thì các em mới biết mình bị... “đem con bỏ chợ”.
Đến Nhật rồi… bỏ học
Em Trần Văn Thiên cho biết sau khi đã hoàn thành mọi thủ tục cần thiết, cuối tháng 12.2012, đoàn gồm 25 người khắp các miền được công ty này đưa lên máy bay để sang Nhật, trong đó Quảng Nam có trên 10 người, riêng xã Bình Minh có 7 người. “Đặt chân tới Nhật Bản, chúng em được một người phụ nữ tên Bình, nói giọng Bắc dẫn đến phòng trọ tại thành phố Saitama. Chỗ ở thì có đến 9 người, nam nữ ở chung thông qua một cái vách ngăn. Tiền phòng là 18 ngàn yên/tháng (gần 4 triệu VNĐ), tiền mua chăn mền là 10 ngàn yên chứ không phải ở miễn phí 3 tháng đầu như thỏa thuận” - Thiên nói. Điều mà các học sinh quan tâm khi du học tự túc ở Nhật với thời gian hơn 6 năm là công việc làm thêm để trang trải tiền học phí, tiền ăn ở vì tất cả mọi chí phí ở đất nước này rất cao. Thế nhưng công việc làm này thì các em phải tự túc đi tìm chứ không được phía công ty môi giới giúp đỡ như đã hứa. “Ở đất khách quê người chúng em không biết nhờ cậy ai cả, vốn tiếng Nhật thì hạn chế nên không thể tự mình đi xin việc. Gọi điện về quê cho anh Vũ thì không liên lạc được, gọi thẳng cho công ty thì họ bảo chúng em tự lo” - Thiên tiếp lời.
Vài tháng đầu không tìm được việc, tiền túi mang theo cạn dần, nhiều du học sinh còn bị đuổi học và bỏ học. Trung nói: “Phía trường ISI Language College của Nhật bảo chúng em không đủ điều kiện tài chính để tiếp tục học và nhà trường luôn phàn nàn vì vốn tiếng Nhật của chúng em quá yếu, học phí đóng sau 6 tháng đầu là 55 ngàn yên/tháng (khoảng 10,4 triệu VNĐ). Để làm hồ sơ đủ điều kiện học bên Nhật, trước đó phía công ty môi giới tạo một tài khoản cho mỗi gia đình có con đi du học với hàng trăm triệu đồng trong tài khoản, qua bên đó thì họ rút lại hết số tiền này”. Trung nói thêm, trong số 9 người ở chung phòng với mình thì hầu hết đã bỏ học vì không đủ tiền đóng học phí các tháng tiếp theo, một số người đã về nước và một số ra ngoài tìm kiếm việc làm chui.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Tám - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, địa phương có gần 20 người đang đi du học tự túc tại Nhật Bản thông qua nhiều công ty môi giới; riêng công ty P.S. đưa các em sang Nhật dựa vào sự quen biết và công ty này không thông qua chính quyền địa phương. “Đa số gia đình có con đi du học tự túc có kinh tế trung bình. Vì tin tưởng với viễn cảnh mà người môi giới vẽ ra tốt đẹp khi con cái được sang Nhật nên nhiều gia đình đánh đổi để con được đi du học. Riêng đối tượng Trần Nhân Vũ, chúng tôi xác nhận là người thuộc xã này và người này vắng mặt tại địa phương từ tháng 8.2013 không lý do, điện thoại thì không liên lạc được” - ông Tám nói.
Lao động chui
Ông Trần Văn Tám - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết địa phương đã nhận được tin nhiều em sang Nhật không có việc làm, tình thế không ổn đành vỡ mộng du học để trở về nước. Ông Tám nói: “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền trong các buổi họp đầu tuần; rồi khi các gia đình này đến chứng giấy, làm hồ sơ để cho con sang Nhật, chúng tôi cũng bố trí người trực tiếp khuyến cáo để người dân tránh mất một khoản tiền rất lớn. Đến khi mọi chuyện vỡ lẽ thì rơi vào khó khăn, nợ nần vì đa số gia đình này đâu có khá giả gì. Nếu có xảy ra tình trạng con em địa phương sang Nhật đi làm chui thì sắp tới sẽ động viên gia đình khuyên bảo các em về nước càng sớm càng tốt”. |
Theo quy định của luật pháp Nhật Bản, mỗi du học sinh chỉ được đi làm thêm 28 giờ/tuần. Thế nhưng, nhiều em dành thời gian để đi làm chui kiếm tiền. Môi trường làm việc kỷ luật bên Nhật khiến không phải em nào cũng tìm được một việc làm phù hợp, ưng ý. Võ Thanh Trung cho biết, nhờ người quen nên sau 3 tháng thất nghiệp, ngoài giờ học, em xin làm ở một quán cơm hộp với một ngày 6 giờ đồng hồ, lương 9,5 ngàn yên/giờ (gần 2 triệu VNĐ). Nhưng môi trường làm việc không phù hợp, sau đó em xin vào làm ở một khách sạn với thu nhập hàng tháng 80 ngàn yên. “Sau vài tháng, vốn tiếng Nhật của em cũng khá dần nên có thể tự đi xin việc làm, nhưng chi phí ăn ở tại đây quá cao khiến tụi em không đủ để trang trải cuộc sống và không trụ nổi được. Em điện về gia đình thì ba mẹ kêu em về nước rồi tính con đường khác nên đến tháng 8.2013 em quyết trở về” - Trung tâm sự.
Còn đối với Trần Văn Thiên, thời gian đầu không có việc làm, không có tiền đóng học phí nên sau khi học được 4 tháng, em trốn học ra ngoài để đi làm chui. “Công việc ở đây rất khó tìm, mà có tìm được chỉ là những việc tạm thời như đi chuyển nhà hộ, vận chuyển máy móc, bán cơm… Nếu học tiếp thì tụi em phải đóng trên 10 triệu đồng/tháng, cũng không dám điện về xin tiền gia đình vì nhà em cũng không khấm khá chi. Khó khăn là vậy nhưng tụi em lại hay bị mắc lừa bởi chính du học sinh ở mình sang Nhật học, họ bảo đưa tiền để kiếm giùm việc làm cho nhưng sau đó thì cao chạy xa bay” - Thiên cho biết. Trung và Thiên còn cho biết phòng trọ 9 người ở trước đây giờ chỉ còn một, hai người còn theo học tại trường. Số còn lại tản ra đi làm chui và chủ yếu là làm nông nghiệp theo thời vụ. Và nếu bị cảnh sát bên Nhật phát hiện, các em lập tức bị trục xuất khỏi đất nước này.
PHẠM VĂN HÀO