Hiệu quả Chương trình "Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học" ở bậc tiểu học: Nhìn từ Phước Sơn

DUY THÁI 13/02/2014 10:36

Qua 3 năm thực hiện chương trình “Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học” (SEQAP) ở bậc tiểu học, ngành giáo dục huyện Phước Sơn có nhiều bước chuyển rõ rệt, đem lại hiệu quả thiết thực cho học sinh.

Học sinh khó khăn cấp tiểu học ở Phước Sơn được hỗ trợ bữa ăn trưa từ chương trình SEQAP.Ảnh: Duy Thái
Học sinh khó khăn cấp tiểu học ở Phước Sơn được hỗ trợ bữa ăn trưa từ chương trình SEQAP.Ảnh: Duy Thái

Hỗ trợ nhiều mặt

Chương trình SEQAP được triển khai tại Phước Sơn trong giai đoạn 2010 - 2015. Sau hiệu quả thực hiện thí điểm ở trường Tiểu học Phước Hiệp (xã Phước Hiệp), đến nay toàn huyện đã có 6 trường tiểu học được hưởng lợi từ chương trình này. Ông Lê Văn Hà - Trưởng phòng GDĐT huyện Phước Sơn cho biết, để chương trình thực hiện hiệu quả, hàng tỷ đồng phân bổ từ chương trình được phân chia chi tiết để xây dựng quỹ phúc lợi nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn, trao phần thưởng cho học sinh giỏi; hỗ trợ thêm quỹ giáo dục nhà trường để sửa chữa các hạng mục nhỏ, mua sách cho học sinh và xây dựng cơ sở vật chất trường học. “Để minh bạch hơn về nguồn vốn hỗ trợ, kinh phí dành để xây dựng cơ sở vật chất trường học do lãnh đạo huyện trực tiếp điều hành. Bên cạnh đó Phòng GDĐT kết hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng sử dụng hợp lý nguồn vốn đối ứng của huyện để thực hiện chương trình một cách hiệu quả, tránh lãng phí” - ông Hà nói.

Ngoài chăm lo bữa ăn cho học sinh, để nâng cao chất lượng giáo dục, các trường nằm trong chương trình SEQAP tăng số tiết học mỗi tuần lên từ 30 tiết, trong đó trường Tiểu học Lê Văn Tám (Khâm Đức) dẫn đầu với 35 tiết học/tuần. Để thực hiện điều này, mỗi trường được phân bổ 2 giáo viên trợ giảng người Mơ Nông, hai môn chính là Toán và Tiếng Việt được chú trọng nhất để các em nắm vững kiến thức cơ bản từ ban đầu. Tại trường Tiểu học Lê Văn Tám, chương trình SEQAP mới được triển khai hơn một năm nay nhưng hiệu quả mang lại rất lớn. Toàn trường có 356 học sinh, trong đó 150 em có hoàn cảnh khó khăn, xa nhà được hỗ trợ 2 bữa ăn trưa/tuần vào ngày thứ Hai và thứ Sáu, mỗi suất ăn 14 nghìn đồng. Em Hồ Ngọc Duy (lớp 4/1) nói: “Chúng em rất mừng vì có bữa cơm trưa, không những ăn no mà còn được ăn ngon. Sau bữa ăn em và các bạn được nghỉ lại tại trường để tiếp tục học buổi chiều chứ không phải đi bộ rất xa mới về đến nhà”.

186,1 triệu USD cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học

SEQAP là chương trình do Ngân hàng Thế giới, Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID), Cơ quan Phát triển Vương quốc Bỉ tài trợ theo mô hình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu. Theo đó, một phần lớn vốn ODA được chuyển vào ngân sách nhà nước để phân bổ cho các địa phương tham gia SEQAP và được triển khai trong giai đoạn 3.2010 - 12.2015.

Tại Việt Nam, SEQAP được triển khai tại 36 tỉnh, thành trong cả nước với mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học, góp phần nâng cao kết quả học tập của học sinh, tạo cơ hội bình đẳng trong các nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; tăng tỷ lệ hoàn thành cấp học. Chương trình có tổng nguồn vốn khoảng 186,1 triệu USD, bao gồm: Vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới: 127 triệu USD; vốn viện trợ không hoàn lại từ Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh: 17 triệu bảng; vốn viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Bỉ: 6 triệu euro; vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước: 27,9 triệu USD (trung ương: 12,1 triệu USD, địa phương: 15,8 triệu USD). (L.V)

Bà Võ Thị Lệ - Phó Trưởng phòng GDĐT, phụ trách chương trình SEQAP ở Phước Sơn cho biết, cái được lớn nhất của SEQAP là hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh khó khăn, đây là món quà thiết thực với các em nơi đây. Chất lượng bữa ăn ngày càng được cải thiện từ 7 nghìn đồng tăng lên đến 14 nghìn đồng/suất, đảm bảo các em có bữa ăn đầy đủ chất. Cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện với tổng vốn đầu tư cho các trường đến nay hơn 3 tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học tại địa phương.

Tăng học sinh khá, giỏi

Bà Dương Thị Huệ - Hiệu trưởng trường Lê Văn Tám cho biết, việc có thêm giáo viên trợ giảng là người bản địa giúp các em học sinh mới vào trường bớt bỡ ngỡ và dễ tiếp thu bài hơn. Đồng thời trong năm học 2013 - 2014, hai môn Toán và Tiếng Việt được tăng lên 8 tiết/tuần. “Từ khi có sự hỗ trợ của chương trình SEQAP đến nay, số lượng học sinh giỏi của trường đạt 65%, trong đó số lượng học sinh đạt chuẩn từ 87% tăng lên 91%. Thành quả này làm nhà trường và học sinh, phụ huynh rất phấn khởi” - bà Huệ nói. Tại trường THCS Kim Đồng (Phước Đức, gồm 2 cấp học THCS và tiểu học), hơn 2 năm nay, 142 học sinh cấp tiểu học và 8 học sinh cấp THCS được hỗ trợ bữa ăn trưa miễn phí. Cùng với sự hỗ trợ của chương trình SEQAP, Phòng GDĐT huyện đã vận động tổ chức Tầm nhìn thế giới và người dân quyên góp thêm gạo nên các em học sinh được ăn 3 bữa/tuần. Hơn nữa trường được xây mới thêm 4 phòng học, 1 nhà vệ sinh với tổng trị giá gần 1,1 tỷ đồng, đáp ứng tốt yêu cầu học tập tại trường. Bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chương trình SEQAP thực sự hiệu quả với học sinh vùng cao, cơ sở vật chất trường học được khang trang, bữa ăn trưa miễn phí góp phần không nhỏ giúp học sinh tích cực đi học, không bỏ lớp, tỷ lệ học sinh khá giỏi của nhà trường đạt 39,1%”.

Theo thống kê của Phòng GDĐT huyện Phước Sơn, các trường tiểu học nằm trong chương trình SEQAP có tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng chiếm 99,3% và sĩ số học sinh lên lớp đạt 100%. Từ sự hỗ trợ của chương trình, tỷ lệ học sinh khá giỏi bậc tiểu học của toàn huyện năm học qua đạt 52,8% và con số này hy vọng sẽ không ngừng tăng lên. “Số lượng học sinh khá giỏi ở bậc tiểu học không ngừng tăng lên đã phản ánh được hiệu quả của chương trình SEQAP tại Phước Sơn. Chúng tôi đã tham mưu, phối hợp với các ngành chức năng ở địa phương và huy động thêm được nhiều nguồn lực để cùng với chương trình SEQAP ngày càng đem lại lợi ích thiết thực cho học sinh” - bà Võ Thị Lệ nói.

DUY THÁI

DUY THÁI