Tết Quảng ở Đầm Sen

PHI KHANH 06/02/2014 08:52

Công viên Văn hóa Đầm Sen (TP.Hồ Chí Minh) tổ chức nhiều sự kiện phục vụ du khách từ mùng 1 đến mùng 10 Tết Nguyên đán. Đặc biệt, “chợ tết 3 miền” - trong đó có chợ xứ Quảng  như một điểm nhấn giữa mùa xuân rực rỡ sắc màu, làm ấm lòng người Quảng ở Sài Gòn trong những ngày tết đến xuân về.

Rộn ràng bài chòi

Không khó để người Quảng Nam tìm đến sân chơi “Bài chòi Hội An”. Rộng chừng 50m2, gian “Bài chòi Hội An” được Ban tổ chức sắp xếp ở vị trí khá thuận lợi. Những chiếc chòi lá nhỏ được dựng lên cùng đèn lồng Hội An trang trí quanh khu vực rất bắt mắt. Tiếng trống chầu khua vang, tiếng anh chị “hiệu” hô hát đối đáp vừa duyên, vừa gần gũi, thu hút người chơi, người xem, kể cả những người không phải con dân Quảng Nam. Những thành viên trong đội hô hát bài chòi Hội An có mặt ở Đầm Sen từ hôm 30 tết. Dù đón tết xa quê, nhưng các anh các chị vẫn thấy ấm lòng vì được giới thiệu làn điệu dân ca bài chòi xứ Quảng, một sản phẩm văn hóa phi vật thể rất đáng tự hào đến với du khách. Vui hơn nữa là được người chơi, người xem ủng hộ bằng những tràng pháo tay rộn rã. Anh Nhanh, chị Nga là hai thành viên trong đội hô hát bài chòi, thuộc Trung tâm VH-TT Hội An, với lối diễn xuất mộc mạc, tự nhiên, luôn tạo sự hứng thú cho khách bằng những câu hát dí dỏm, với tài đối đáp, cải biến nhanh, ngọt và khéo.

Nhiều người say sưa với trò chơi dân gian bài chòi.Ảnh: PHI KHANH
Nhiều người say sưa với trò chơi dân gian bài chòi.Ảnh: PHI KHANH

So với các trò chơi dân gian 3 miền, bài chòi Hội An được xem hoành tráng nhất, cả về cách bài trí, sự đầu tư, đến người xem, người chơi cũng đông hơn so với các gian hàng khác. Theo mẹ xem hát bài chòi, em Thái Nguyên cho biết, quê ngoại ở Quảng Nam nên thỉnh thoảng được nghe bà hát bài chòi. Ngoại vừa làm anh hiệu, vừa làm chị hiệu, tự đối đáp với lời hô hát dân dã, gần gũi, rất bùi tai. Bây giờ được tận mắt chứng kiến, có thêm dàn nhạc, em rất thích thú. Tại sân chơi bài chòi ở Đầm Sen, không ít người chơi, người xem biết hô hát bài chòi cũng lên tham gia hưởng ứng, tạo không khí vui tươi, sôi nổi.

Xôn xao chợ Quảng

Ở khu vực khác, “chợ tết 3 miền” diễn ra nhộn nhịp. Đặc sản ngày tết xứ Quảng gồm đèn lồng, mặt nạ Hội An, các gian hàng bánh nổ, bánh tổ, bánh in, bánh khô... Riêng hàng bánh tráng và bánh thuẩn được nướng và đổ tại chỗ, thu hút khách hiếu kỳ. Khách Quảng Nam đến với các gian hàng đặc sản quê hương đều lủng lẳng trên tay một bịch mang về, xem đó là chút quà xuân gợi nhắc cội nguồn quê kiểng. So với các gian hàng xứ Quảng nói riêng và các gian hàng miền Nam, miền Bắc nói chung, đèn lồng Hội An thu hút nhiều khách mua hàng và tham quan hơn. Tại gian hàng đèn lồng, còn có dịch vụ viết thư pháp. Ông đồ còn rất trẻ, vung những đường bút điêu luyện, khéo léo... làm no mắt du khách.
Ở “chợ tết 3 miền”, những người đón xuân tha hương sẽ cảm thấy không trọn vẹn nếu không thưởng thức món ăn quê hương. Có thể nói, với người Quảng, mỳ Quảng được xem là món ẩm thực hàng đầu, nên được ưu tiên quảng bá, giới thiệu. Cơm gà Hội An cũng “có tiếng” không chỉ với người Quảng mà với cả thực khách trong và ngoài nước. Giá cả ngày xuân hơi cao một chút so với giá bình dân, thực khách vẫn đến để thưởng thức, ủng hộ.

PHI KHANH

PHI KHANH