Kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa
(QNO) - Sáng 4.2, tức mùng 5 Tết Giáp Ngọ 2014, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ hội kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đánh tan 29 vạn quân Thanh, cũng là ngày người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế. Đây là một trong những chiến thắng ngoại xâm hào hùng nhất trong lịch dân tộc, được tái hiện tưng bừng trong suốt 225 năm qua.v
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo trung ương dâng hoa tượng đài Hoàng đế Quang Trung (làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: Văn Lưu |
Cách đây vừa tròn 225 năm, vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 nghĩa quân Tây Sơn, dưới sự chỉ huy tài tình của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ (hoàng đế Quang Trung) đã tiến công thần tốc, bất ngờ vào Thành Thăng Long (mà đỉnh cao là chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, đúng vào mùng 5 Tết). Đêm 4 rạng ngày 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789) trận đánh thần tốc của quân Tây Sơn diễn ra với sự tham gia của nhân dân vùng Khương Thượng, Đống Đa do Đô đốc Long (còn có tên là Đặng Tiến Đông) chỉ huy. Trận này diệt tan đồn Khương Thượng của quân nhà Thanh. Tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử ở núi Ốc (Loa Sơn) gần chùa Bộc bây giờ. Trận đánh đã mở đường cho đại quân Tây Sơn từ Ngọc Hồi thừa thắng tiến vào giải phóng hoàn toàn Thành Thăng Long. Đây là đòn quyết định, đánh bại 29 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị, giải phóng thành Thăng Long, đem lại yên bình cho đất nước… Kể từ sau chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, cứ đến ngày mùng 5 Tết là người dân Thắng Long- Hà Nội lại từng bừng tổ chức Lễ hội Gò Đống Đa để kỷ niệm sự kiện trọng đại này và cũng là để tưởng nhớ công ơn của Hoàng đế Quang Trung. Năm Giáp Ngọ vừa tròn 225 năm chiến thắng của người anh hùng áo vải cờ đào đất Tây Sơn (Bình Định) nên du khách dự Lễ hội cũng đông hơn. Đã trở thành thông lệ, Lễ hội mở đầu bằng nghi thức dâng hương dưới chân tượng đài Quang Trung, tiếp đó là màn múa rồng đặc sắc. Cũng trong sáng mùng 5 Tết , tại Bảo tàng Quang Trung (làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định) - quê hương người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Bình Định long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Lễ hội kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mở đầu bằng Lễ thượng cờ Quang Trung và cờ Tổ quốc trong âm thanh hào hùng ngân vang của tiếng trống. Hơn 2 thế kỷ đã trôi qua, mảnh đất Bình Định và khắp đất nước hiện còn lưu dấu nhiều di tích quý báu về phong trào Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung. Nhiều năm qua, nhân dân Bình Định đã đầu tư công sức giữ gìn, phát huy và tôn vinh các di sản văn hóa, các giá trị dân tộc tốt đẹp mà triều đại Tây Sơn cũng như anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ để lại. Lễ hội kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa với chương trình nghệ thuật có chủ đề: “Chiến thắng Đống Đa - bản hùng ca bất diệt" khái quát cuộc đời và sự nghiệp của người Anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ, sự hiện diện của công chúa Ngọc Hân và bối cảnh cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Thanh và chiến thắng vang dội Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân Kỷ Dậu 1789. Dịp này, tại Bảo tàng Quang Trung còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ độc đáo như: biểu diễn nhạc võ cổ truyền Tây Sơn, cồng chiêng Tây Nguyên, các trò chơi dân gian: múa lân, kéo co, đẩy gậy, ném vòng, chọi gà, giựt cờ... Trước đó, chiều ngày 3.2 các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Công - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; lãnh đạo tỉnh Bình Định… và các đại biểu trong và ngoài tỉnh đã dâng hoa tại tượng đài Hoàng Đế Quang Trung, dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn tam kiệt. Sau đó, đến dâng hương và tham gia lễ tế tại khu tâm linh Đàn tế trời đất trên núi Ấn (xã Bình Tường, huyện Tây Sơn). Tại Nhà bảo tàng Quang Trung, có nhiều hoạt động như diễn tấu cồng chiêng, biểu diễn võ thuật, hội đánh bài chòi cổ dân gian… được tổ chức để phục vụ người dân và du khách về tham quan Bảo tàng. VĂN LƯU - XUÂN NGUYÊN - HOÀI THUDâng lễ vật lên Hoàng đế Quang Trung và các văn thần võ tướng trong điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt. Ảnh: Văn Lưu Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt. Ảnh: Văn Lưu Tái hiện hình ảnh Quang Trung lên ngôi và phát lệnh tấn công Thăng Long - Ảnh: Xuân Nguyên Tái hiện hình ảnh Tây Sơn tụ nghĩa - Ảnh: Xuân Nguyên Tái hiện hình ảnh canh tân đất nước của vua Quang Trung - Ảnh: Xuân Nguyên Tái hiện hình ảnh người dân Thăng Long vui mừng vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 - Ảnh: Xuân Nguyên Đông đảo người dân tỉnh Bình Định tham dự lễ hội - Ảnh: Xuân Nguyên Lễ hội được tổ chức tại Gò Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: Hoài Thu Màn múa rồng thể hiện truyền thuyết người dân quanh vùng giặc chiếm làm rồng lửa thiêu quân giặc. Ảnh: Hoài Thu Người dân Thủ đô dâng hương trước tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ảnh: Hoài Thu