Bức xúc với… "ma sống"

NGUYỄN THÀNH GIANG 03/02/2014 13:01

(QNO) - Tảo mộ, sửa sang lại mồ mả ông bà tổ tiên khi xuân đến Tết về là một tập tục đẹp của người dân Quảng Nam và người Việt nói chung. Tập tục ấy là tấm lòng của con cháu đời sau hướng về công đức sinh thành, lập đất lập làng của tiên tổ ông cha các đời trước. Thế nhưng, càng ngày, tập tục đẹp ấy đã bị không ít kẻ xấu lợi dụng để kiếm chác, gây hoang mang cho nhiều người khi đi tảo mộ. Đầu xuân Giáp Ngọ, đến nghĩa trang nhân dân Hội An (thuộc xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, và nghĩa địa Gò Trời, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến và nghe thấy những câu chuyện bức xúc về "ma sống"...

Nghĩa địa Gò Trời, một trong những nơi những con
Nghĩa địa Gò Trời, một trong những nơi những con "ma sống" đang quấy rối thân chủ người mất.

Từ việc hù dọa, trấn lột trá hình...

Cận Tết âm lịch 2014, theo đoàn người viếng hương ở nghĩa trang nhân dân Hội An, chúng tôi rất bất ngờ khi thấy ở đây luôn có sẵn một "đội quân" gồm khoảng 20 thanh niên mặt mày bặm trợn túc trực. Thủ đoạn của chúng rất đơn giản nhưng trắng trợn. Chúng chia nhỏ ra từng cặp hoặc một người, bám ngay theo sát bất cứ ai vào đây thắp hương, sửa sang mồ mả.

Đặc biệt, đối tượng mà "đội quân" này chú ý nhất là những người già, phụ nữ có con nhỏ và thanh niên nhưng đi một mình. Đây là những đối tượng dễ bị dọa nạt, tâm lý dễ dao động nên rất dễ dàng bị lợi dụng. Sau khi chào hỏi qua loa, những thanh niên này tiến lại ngôi mộ mà có người thân đang thắp hương, lấy tay xoa lên bia mộ, gỡ bỏ lớp chữ trên bia mộ ra, trắng trợn hơn là cầm rung những bia mộ có độ vững không cao. Sau đó, chúng đề nghị được "kẻ chữ", "quét vôi" giúp gia chủ. Giá thỏa thuận từ 50 nghìn trở lên cho đến 200 nghìn đồng.

Một phần vì sợ nếu không nhận lời, những thanh niên này sẽ thù vặt, phá hoại mộ ông bà, người thân mình, mặt khác lại sợ chúng uy hiếp đến mình nên đa số người vào viếng hương ở nghĩa trang nhân dân Hội An đều chấp nhận đề nghị của những người này với mong muốn được yên bình.

Chúng lấy sơn đỏ quét lên ngang theo những dòng chữ từ trên xuống dưới, sau đó lấy vôi trắng hòa sẵn với nước cống quét lên trên bia mộ thêm nữa. Thành ra, sau khi được "sửa sang" theo lối ấy, mộ thành ra xấu hơn, bẩn hơn rất nhiều so với trước. Người viếng hương chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Bà Trương Thị Xuân (59 tuổi) cùng con gái đi viếng hương mẹ của bà, bức xúc cho biết: "Tui và con gái vừa vào là cái 2 thằng bám theo ngay, đòi quét vôi, kẻ bia. Khu nghĩa trang ấy chỉ có 2 mẹ con nên sợ quá, tui gật đầu đại. Chúng đòi 50 nghìn, nhưng quét xong lại xin thêm 20 nghìn nữa. Nhưng coi cái mộ của mẹ tui quét xong không giống cái chi chi hết. Thiệt tình tức tới ứa gan nhưng không biết làm răng..."

Đến chuyện trả thù...

Chuyện "ma sống" càng bức xúc hơn với gia chủ khi chúng tôi đến và nghe ở khu vực nghĩa địa Gò Trời (thuộc khối phố 5, phường Trường Xuân, thành phố Tam Kỳ) vào những ngày đầu năm âm lịch 2014, khi Tết đã về. Tại đây hằng ngày vẫn luôn túc trực một số người tự xưng là làm bao trọn gói mộ phần, bia mộ và cả việc chạy mua giúp đất cho người mất có nơi chôn. Những ngày Xuân, khi lượng người sửa sang mồ mả ông bà tổ tiên càng nhiều thì những người "thợ" này càng lộ diện bản chất côn đồ, ép giá, thậm chí là trả thù khi gia chủ không chịu giao khoán cho họ làm hoặc sửa mộ người thân mình.

Nhiều người không dám nêu tên cho biết khi gia đình vừa có người mất, đến đây xem đất, chuẩn bị chở vật liệu lên để đào huyệt, xây mộ phần thì những "thợ xây mộ" đã nhanh như điện chạy lại, yêu cầu bao trọn gói việc làm mộ, với giá cắt cổ. Nếu người "biết điều", đồng ý thì bọn kia sẽ rất vui vẻ, bắt tay ngay vào việc và yêu cầu nhận tiền ngay sau đó. Nhưng nếu vẫn kiên quyết không hợp tác, dùng thợ ngoài và tự chở vật liệu lên để xây thì ngay lập tức bị những câu nói khiếm nhã, thậm chí là dọa nạt của bọn kia.

Tết đến, những kẻ này càng lộng hành hơn. Khi người đến viếng, nhiều kẻ trong nhóm "thợ xây mộ" này thậm chí nói rằng mọi việc từ xây và tu sửa ở đây là do chúng quản lý, không ai ở ngoài dám vào làm. Và nếu ai không thuê chúng thì hậu quả sẽ khó lường. Thái độ ngang ngược ấy làm rất nhiều người vào đây bất bình nhưng không dám đấu tranh, tố cáo vì sợ chúng theo dõi đến mộ phần người thân mình rồi đập phá, làm bậy. Ai cũng muốn bình yên, nhất là cho những người đã nằm dưới ba thước đất, nên đành bấm bụng mà chịu...

Ông N.P.H, một khổ chủ là nạn nhân của bọn "ma sống" này cho chúng tôi biết mấy năm trước con trai ông qua đời vì tai nạn giao thông, gia đình quyết định an táng tại nghĩa địa Gò Trời. Khi bọn "ma sống" ở đây ra mặt, ngả giá, ông thẳng thắn từ chối vì gia đình họ hàng có nhiều người làm thợ xây và cũng muốn góp sức để con ông có sớm một ngôi mộ đẹp. Tưởng chuyện bình yên, nhưng mộ xây xong, khoảng một tuần sau ông lên đã thấy bia bị đập vỡ, ngã xuống đất. Gạch men lát mộ cũng bị phá vài chỗ. Cứ nghĩ là trâu bò người ta thả vào hay trẻ con nghịch dại, ông bắt tay vào làm lại. Nhưng khoảng 10 ngày sau, tình trạng ấy vẫn lặp lại. Dò la từ những đứa trẻ chăn bò tại khu nghĩa địa, ông mới choáng váng khi biết những kẻ phá hoại chính là bọn "ma sống" gặp ông trước kia. Đành phải tìm gặp chúng, mời đi nhậu và hứa lần sau nếu có người thân qua đời thì sẽ giao cho chúng, vậy là mộ con trai ông mới được yên từ đó...

Thực trạng "ma sống" tại các nghĩa trang, nghĩa địa đã có từ lâu và càng ngày càng diễn biến phức tạp, gây hoang mang và bức xúc cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là khi tết đến. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, những "ma sống" này vẫn đang ung dung gây mất trật tự, phiền lòng cả người sống lẫn người đã mất. Rất mong các cấp quản lý địa phương ở các nghĩa trang, nghĩa địa có những biện pháp hợp lý để chấm dứt tình trạng này, đem lại yên bình cho người dân.

NGUYỄN THÀNH GIANG

NGUYỄN THÀNH GIANG