Quà xuân của mẹ

PHI KHANH 03/02/2014 12:45

(QNO) - Chiều 29 tết, tôi đến nhà xe Trần Hòa để nhận quà Xuân của mẹ gửi vào. Quà được đóng cẩn thận vào 2 thùng cạc tông lớn. Biết các con đón xuân tha hương, mẹ mua sắm toàn những món ăn gợi nhớ, những món đặc sản ngày tết, mong các con ấm áp và hạnh phúc nơi xứ người.

Mẹ gửi chút hương vị quê nhà.
Mẹ gửi chút hương vị quê nhà.

Quà của mẹ gồm bánh tét, bánh tổ, bánh tráng, rồi bánh khô, bánh in, bánh nổ, hủ thịt heo muối, hủ dưa món, 5 bắp chuối chát và mấy chục gói trưởi. Anh trai tôi nửa đùa nửa thật “Ai bảo Sài Gòn không có tết Quảng Nam!”.

Mùng 2 tết là ngày họp mặt truyền thống của gia đình tôi, ngay tại nhà anh trai ở quận Tân Phú. 9 giờ sáng, giọng Quảng đầy nhà. Dâu rể, cháu con đủ đầy. Ai cũng lòng thành nhang khói cho ba. Trên bàn thờ, từ chai rượu ngoại, bánh trái đắt tiền, đến bó hoa tươi rực sắc xuân, nhưng tôi biết ba luôn thích những món quê dân dã từ tay mẹ chế biến. Ngày ba còn sống, đi đâu cũng mong được về nhà quây quần bên vợ con, bên mâm cơm đậm đà tình nghĩa. Mọi người bắt đầu bày biện các món ăn mẹ gửi. Chúng tôi chọn mỗi món mỗi ít, đặt lên bàn thờ ba. Vị quê lan tỏa trong không gian có phần chật chội hơn ngày thường, cho cảm giác ấm áp, chan hòa. Cánh đàn ông trung thành với mấy gói trưởi và món dưa món của mẹ. Anh trai tôi xứ xuýt xoa “mồi bén”, rồi giục mọi người nâng ly mừng sum vầy. Ngày thường anh ít nói, có chút men vào, anh linh hoạt hẳn, kể về tuổi thơ nơi bãi mía, cánh đồng, của những cái tết đầm ấm bên ba mẹ, chị em. Phụ nữ và đám con nít thì xoay quanh món bánh tráng cuốn thịt heo muối. Những món mẹ gửi, món nào cũng ngon. Có thể vì chúng tôi đã “mặc định” với cách chế biến của mẹ, cũng có thể vì nguyên liệu chế biến ở quê rất “thật”, hay vì tuổi thơ một thời gắn bó với những món ăn dân dã mà gợi nhớ ấy… Chúng tôi cảm nhận vị quê ngọt ngào, thân thương trong từng món ăn, qua từng câu chuyện kể. Tôi nghĩ, với những người đón xuân tha hương, có lẽ ngày họp mặt gia đình mới cho cảm giác ấm áp, chan hòa như thế.

Chiều mùng 2 anh trai tôi “bay” về thăm mẹ. Biết trước lịch, đứa nào cũng có chút quà muộn biếu mẹ già. Tôi được giao nhiệm vụ cho quà vào túi xách. Trong số quà, tôi ấn tượng bộ gương lược, trâm cài tóc được chị cả cất công tuyển chọn. Chị bảo, mình phải giúp mẹ điệu đà mới được. Ngày trước mẹ bận bịu với đàn con, chẳng mấy khi thấy khi làm bạn bè với gương lược. Bây giờ, thỉnh thoảng về thăm nhà, chị thấy mẹ hay soi gương. Mẹ xoa đôi bàn tay chai sần lên gương mặt đầy nếp nhăn, chừng như sợ phải đối diện với tuổi già. Chị tinh tế, chứ không trợt lớt như tôi. Quà của chị còn có 2 bộ đồ tết và quyển sách “Già ơi… chào bạn!” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

Khi chị dâu tôi bày bánh in, bánh khô, vài lát bánh tổ chiên lên, đứa cháu của tôi bảo “bà ngoại đưa củi về rừng”. Các cháu tôi đều sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, thỉnh thoảng mới về quê thăm bà. Những cái bánh quê mùa, dân dã ấy với các cháu là không thể sánh kịp những món bánh đắt tiền và chất lượng như ở thành phố. Nhưng với các cậu các dì đang tụ họp ở đây, bánh của bà của mẹ mình mới là những chiếc bánh ngon nhất, ý nghĩa nhất trong suốt những tháng năm tuổi thơ và đến cả cuộc đời.

Ngày mùng 2 trôi qua thật ấm áp. Dù ba không còn, mẹ thì ở xa, dù đón xuân tha hương, nhưng chúng tôi vẫn thấy lòng mình ấm lạ. Cảm ơn món quà xuân gợi nhớ quê hương của mẹ. Cảm ơn những kỷ niệm tuổi thơ ngọt ngào, để mỗi khi tết đến xuân về, lòng lại nhắc nhớ, xuyến xao.

PHI KHANH

PHI KHANH