Ký ức một miền quê

PHẠM THANH NGHỊ 02/02/2014 22:44

An Mỹ - Quán Rường (Tam An, Phú Ninh) là miền quê thuần nông, có truyền thống đánh giặc giữ làng. Tuổi thơ tôi đi qua nơi này với biết bao ký ức...

Niềm vui… giải phóng về

Tôi nhớ như in cái ngày 24.3.1975. Buổi sáng, hàng đoàn lính ngụy tất tưởi kéo nhau từ hướng Cẩm Khê xuống theo tỉnh lộ 615. Gương mặt người lính nào cũng thất thần lo sợ, mất hết nhuệ khí chiến binh. Rồi khoảng quá trưa, khi ánh chiều nghiêng bóng, từng đoàn bộ đội cũng từ hướng ấy rầm rập đổ về trong tiếng hát rộn vui: Giải phóng Miền Nam bộ đội ta tiến quân trở về… giữa mùa hoa nở… Bà con đứng dọc hai bên đường vẫy cờ hoa chúc mừng bộ đội. Bao ánh mắt đổ dồn vào từng đoàn quân đi qua như để dò xem có con em mình trong đó không. Thỉnh thoảng nghe những tiếng sụt sùi, thút thít. Những người mẹ, người chị chậm khăn lau nước mắt, nắm tay các anh bộ đội dặn dò: “Ráng vào giải phóng Sài Gòn nghe con”.

Chiều tối đó, trùng trùng điệp điệp đoàn quân kéo về An Mỹ - Quán Rường. Số ở lại đào công sự nghỉ qua đêm, số đi luôn xuống Tam Kỳ, số rẽ ra hướng Đà Nẵng theo đường xe lửa. Cả đêm hôm đó, rồi tiếp những ngày sau, người dân An Mỹ - Quán Rường lòng rộn vui như tết bởi đây là niềm vui của năm tháng đợi chờ, niềm vui hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Ga An Mỹ hôm nay. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Ga An Mỹ hôm nay. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đoàn tàu Thống Nhất

Đoàn tàu Thống Nhất Bắc - Nam đầu tiên xuất phát từ Hà Nội vào Sài Gòn vào cuối năm 1976, đầu năm 1977.

Tôi nhớ hôm ấy, đoàn tàu vào đến ga An Mỹ khoảng 10 giờ sáng. Đoàn tàu được kết cờ hoa tưng bừng lộng lẫy. Trên tàu, rất nhiều đội viên thiếu niên Tiền phong với mũ ca-lô, khăn quàng đỏ cùng rất đông hành khách vẫy tay chào những người dân quê đang cầm cờ hoa vẫy chào hai bên đường. “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng…”, những tiếng hát rộn vang của các đội viên thiếu niên cùng hành khách trên tàu sao mà nghe rộn vui, thiêng liêng đến lạ. Đoàn tàu chậm rãi tiến về phương Nam khuất dần trong niềm vui của người dân Quán Rường - An Mỹ.
Bây giờ cứ mỗi lần thấy một đoàn tàu dừng tránh ở ga An Mỹ, lòng người nơi đây lại nhớ về hình ảnh đoàn tàu Thống Nhất Bắc - Nam thuở nào.

Niềm vui… nước về

Chiều tháng 4.1979, làng quê bỗng rộn vang tiếng gọi nhau: “Nước về, nước về bà con ơi!”.

Những tiếng reo hò ngoài đường 615, vang vọng từ gò Bà Lăng xuống đến ga An Mỹ, chợ Quán Rường. Tiếng reo kèm theo tiếng gõ mõ, đánh xập xèng inh tai bởi những thứ vật dụng có trong nhà, ngoài đường. Dọc bờ kênh từ Tam Phước xuống, trẻ em, người lớn bẻ lá cắm cờ đuổi theo dòng nước chảy vui thật là vui. Mọi người thi nhau dùng cuốc tháo nước vô những thửa ruộng, mảnh vườn khô hạn (sau khi nước chảy qua các cống nhỏ). Những đám ruộng thèm khát bao năm bỗng chốc uống nước ngập bờ.

“Chú Ba ơi, nước Phú Ninh về rồi” - anh Bảy chạy ngang nói với ông Ba đang ngồi vót nan đan trạc. Ông Ba không tin liền nói với ra: “Nước Phú Ninh mà về là tao nghiêng ảng lấy uống luôn, khỏi cần lọng” (lọc). “Vậy chú nghiêng ảng đi là vừa, nước xuống tới chợ Quán Rường rồi đó”. Bán tín bán nghi, ông Ba đứng dậy thì thấy rất đông bọn trẻ nít kéo nhau chạy đi tắm kênh vui quá sá.

Suốt mấy đêm liền, làng quê An Mỹ - Quán Rường được nghe bản nhạc đồng quê do “dàn hợp xướng” của ếch, nhái, ễnh ương cùng các loài côn trùng hòa tấu.

Lúc ấy tôi cảm thấy niềm vui nước Phú Ninh về cũng giống như niềm vui ngày giải phóng. Trẻ em, người lớn, gương mặt ai cũng rạng rỡ nụ cười thân thiện, những nụ cười của hạnh phúc ước mơ. Nước Phú Ninh về tưới mát bao cánh đồng khô hạn, tưới mát bao tâm hồn chân chất sáng trong của người dân quê suốt đời thủy chung với ruộng đồng vườn tược.

Quê nghèo có điện thay sao

Sau khi nước Phú Ninh về chưa đầy một tháng thì tôi ra công tác ở Đà Nẵng. Thỉnh thoảng về thăm nhà, và trước dịp 2.9.1991 tôi lại chứng kiến một niềm vui chưa từng có của người dân quê mình, đó là niềm vui... điện về.

Khi kim đồng hồ chỉ đúng 19 giờ, cả xóm làng An Mỹ - Quán Rường bừng sáng. Cả xóm inh ỏi tiếng reo hò, í ới gọi nhau của trẻ em, người lớn. Đường làng tối mịt bấy lâu bỗng sáng lên từ ánh điện trong nhà hắt ra.

Lạ quá, vui quá, sướng quá!

Đêm hôm ấy, nhà này chạy sang nhà kia, nhà kia chạy sang nhà nọ hỏi thăm điện đóm. Những lời hỏi han nghe sao mà nặng nghĩa xóm giềng. Suốt mấy ngày liền chuyện điện về cứ luôn là đề tài bàn tán sôi nổi như chuyện nước về dạo trước. Niềm vui tràn ngập lòng người.

“Bây giờ An Mỹ - Quán Rường đã “đổi” lắm” - lời cậu Năm Nhơn nói qua điện thoại. Cậu có ý trách tôi nhiều năm rồi không về quê ăn tết. Tôi hiểu cái từ “đổi” cậu tôi muốn nói là đổi thay, là dáng dấp của một miền quê nông thôn mới với nhà cửa khang trang, đường nhựa, đường làng thoáng rộng, bê tông hóa tận cổng nhà. Ti vi, xe máy hầu như nhà nào cũng có... Và tin rằng mai đây miền quê An Mỹ - Quán Rường còn nhiều đổi thay hơn nữa, người dân lại được đón nhận nhiều niềm vui bởi cái mới, cái tốt đẹp luôn được xây lên từ sự chịu thương chịu khó, từ sự cần cù lao động và đoàn kết chung tay của muôn vạn tấm lòng…

PHẠM THANH NGHỊ

PHẠM THANH NGHỊ