Thưởng nem ngày tết

VÕ VĂN TRƯỜNG 02/02/2014 14:16

(QNO) - Theo sự phát triển của xã hội, tết ngày nay đã có nhiều thay đổi so với ngày trước. Chẳng thế mà ngày tết ngồi lại với nhau không ít người vẫn hồi cố tết xưa. Tết của những năm sau ngày đất nước giải phóng, tết những năm 80, tết thời kỳ còn hợp tác xã nông nghiệp… Một thời khó nghèo nhưng “câu chuyện” tết cứ sôi nổi từ chuyện mổ heo những ngày cận tết đến chuyện chợ búa, dọn nhà, gói nem, làm bánh…

Nay thì cái gì cũng mua nên nhanh gọn có thừa nhưng lại có cảm giác thiêu thiếu đi một cái gì đấy… chí ít trong 4 loại bánh cơ bản hồn cốt ngày tết là “bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in” nay may ra chỉ còn một đến hai loại bánh có thể bắt gặp dịp tết trong mỗi nhà dân ở quê tôi. Theo nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân bốn loại bánh trên cũng thể tuân theo nguyên lý căn cốt về ẩm thực của người Quảng Nam là: no, ngọt, béo. Ông Xuân xem đây là một trường phái hẳn hoi.

Về quê ăn tết, trong nhiều điều mất đi có lẽ làng tôi còn giữ một tập tục, nét văn hoá không thể thiếu và rất đặc thù của ngày tết đó là gói nem. Trước thì nhà nhà làm heo, nhà nào không làm heo thì chia heo hàng xóm (heo nhỏ thì nửa con, heo lớn thì một đùi, sẵn thì gửi tiền mặt, không có thì đợi mùa cấn lúa). Nay đa phần người dân đi mua thịt heo ở chợ song nhà nào cũng chọn một đôi cân thịt nạc thật ngon, thường là thịt đùi để dành gói nem.

Nói đến nem chắc không ai xa lạ gì. Nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc có nem chua Thanh Hoá, nem Bình Định… nhưng xem ra chỉ có nem tết thịt heo là “đặc sản” ngày tết và món nhắm đưa cay vui xuân, thưởng tết số một của mọi nhà. Mỗi chiếc nem gói chưa đầy nửa lạng thịt heo nạc thái lát mỏng, ướp gia vị có muối, tiêu, bột ngọt, dầu… một số chất gia dụng để lấy vị thơm, màu sắc. Mỗi gia đình và nói rộng hơn mỗi làng có cách gói nem riêng và qua nhiều cái tết người trong làng nhận ra như một kiểu đúc kết về thưởng thức vị nem của mỗi làng… Ví  như quê tôi làng Sông Trầu thường dùng lá liễu làm lá yếm để gói nên nen thường có màu hồng, vị thịt tươi thơm rất lạ, nem làng Phú Cốc hay gói vuông, sắc cạnh, hương vị ướp thịt thường có ít riềng nên nem có vị cay cay… nem làng An Sơn, thường gói lá chuối nhưng bao giờ cũng hơ quan lửa nên nhìn ngoài nem không tươi xanh nhưng giữ được rất lâu. (Nhớ tết năm đó, ra tận tháng hai dọn bàn thờ còn sót cặp nem đem nướng đưa cay hương vị vẫn cứ đậm đà, không thay đổi).

Và cũng xin được nói thêm để có thú thưởng nem ngày tết giữa các làng như đã nêu là do ngày tết bà con họ mạc thường đi mừng tuổi nhau. Lễ lạt thường là cặp nem, chai rượu hoặc cặp nem đòn bánh tét. Nay tập tục này ở quê tôi vẫn không thay đổi. Chính điều này đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên mỗi dịp tết khi về quê. Nhiều người dân quê tôi không biết từ bao giờ tôi đã quen đến “sỏi” hương vị nem từng gia đình, bà con nội ngoại các phái, chi nhánh, làng này làng kia đi mừng tuổi ngày tết. Phải chăng đây chính là thú ẩm thực, nét văn hoá của người quê trong dịp tết cần được gìn giữ, phát huy.

Nói đến tết Việt là nói đến gói nem, làm bánh. Để có những chiếc nem ngon là cả một nghệ thuật của người làm ra nó, đặc biệt là khâu ướp gia vị, cách gói… và cả cách “nhắm” của người thưởng thức. Vị nem cũng chính là hương vị quê nhà. Chẳng thế “xuân tha hương sầu thương về quê mẹ/tết xa nhà buồn bã nhớ… ui cha”.

VÕ VĂN TRƯỜNG

VÕ VĂN TRƯỜNG