Xuân chiến khu
(Xuân Giáp Ngọ) - Cuối tháng chạp năm 1965, tôi theo thầy hiệu trưởng trường Sư phạm Trung Trung Bộ vào Ba Tơ, Quảng Ngãi. Đến nơi đã trưa 28 tết mà cơ quan chẳng sắm sửa được thứ chi. Buồn tênh.
Vừa đặt ba lô xuống, thầy Tô Uyên Minh giục anh Song Thanh “quản lý”:
- Tôi đã biết trước tình hình này rồi, cậu bố trí xuống Phổ Cường mua thứ chi về anh em cơ quan ăn tết. Chiến tranh thì cũng có tết chứ. Ở đây toàn các thầy cả. Nếu đất nước yên bình, tết đến nhà các thầy đông vui lắm còn trong thời buổi này mình tự chúc tụng với nhau thôi. Nhưng cũng phải có lát bánh, miếng thịt mới ra ngày tết. Câu đối thì quá dễ, các thầy chữ nghĩa đầy mình mà... Ông nhìn mọi người, cười đôn hậu.
Tôi mới vừa qua một chuyến đi bộ từ Trà My vào tới đây cả tuần lễ. Chân mỏi rã rời. Thật ra, chân của tôi đâu phải chân của bộ đội. Chân của một thằng trẻ con thôi! Tôi bấm bụng: Phải cố!
Tôi với Đoàn Thịnh - người cùng làng Tỉnh Thủy, cùng thoát ly, cùng đi với thầy Minh vào trường. Hai thằng mang gùi, hăng hái theo anh Song Thanh xuống đồng bằng.
Lần đầu đến xứ lạ, nhưng ở đâu trên đất nước mình cũng vậy, ngày cận tết rất rộn ràng. Chiến tranh súng nổ đùng đoàng, tết thì vẫn cứ tươi mới. Và tết, cũng sẽ có vài ngày ngừng bắn. Đài Tiếng nói Việt Nam đã nói vậy rồi. Các gia đình đều sắm sửa để có lễ cúng ông bà và tận hưởng những giờ phút yên bình hiếm hoi ấy. Tôi bỗng nhớ mẹ, nhớ ông bà quá đỗi. Nhớ thì cũng để đó, bây giờ phải nghĩ cách cõng cho được con heo 30kg về cơ quan.
Anh Thanh bảo Thịnh mang một cái gùi đan bằng nứa, mỏng tang. Anh bảo Thịnh buộc bốn chân con heo rồi bỏ vào giỏ, mang đi như một gùi hàng bình thường. Tôi yếu hơn, anh Thanh chỉ phân mang 10 ký nếp và ít bánh mứt, đường cát Đức Phổ. Còn anh Thanh, lúc ấy gần 30 tuổi, cõng một gùi to đùng, nào là dầu ăn, xì dầu khô đóng bánh, canh mắm và chục cân gạo trắng. Chị Dũng là cơ sở ruột, chuyên bán hàng cho trường Sư phạm. Chị đã có một con, chồng đi lính ngụy chết. Hình như chị Dũng có cảm tình với anh Thanh. Tôi lúc ấy còn nhỏ nhưng cũng có chút nhạy cảm, nhìn thái độ hai người là biết.
Trời đã về chiều, mặt trời đã khuất sau rặng núi Đèo Ải. Chúng tôi vội lên đường. Đi được 30 phút, con heo bắt đầu vùng vẫy. Cái giỏ yếu ợt, con heo nằm lỏng queo, nó vùng toạt luôn, rơi xuống đất, kêu vang rừng. Anh Thanh bỏ gùi, lấy dao găm chặt cây làm đòn, bắt Thịnh và tôi khiêng. Tôi và Đoàn Thịnh nghe nói cọp hay lần theo tiếng heo kêu, đi mà sợ xanh da.
Rồi ba người cũng về đến cơ quan khi trời tối mịt. Đêm ấy, vừa cảnh giới máy bay vừa nhóm lửa nấu nước sôi, đốt đèn ra suối mổ thịt. Anh Sáu “tiếp liệu” - người chợ Chiểu - Phổ Thuận. Không biết trước khi thoát ly, anh có làm nghề bảy đáp không mà mổ con heo gọn bưng. Anh xẻ từng miếng thịt vuông vức, sắp lên tảng đá ven suối đã rửa sạch.
Anh Thanh lệnh:
- Xương đầu lòng luộc tất, ăn một bữa. Xin phép thầy Minh cho ăn tết trước, các thứ đó để lâu không được. Thịt, lấy ít để làm nhưn bánh tét còn bao nhiêu kho tàu hết, để mùng một ăn.
Sẵn củi, mấy anh nấu bánh cả đêm. Mấy ảnh cũng đun cho nhừ thịt kho tàu. Mở vung ra. Chao ôi! Thịt đi đâu hết, chỉ còn lại nước mỡ và một mớ da có bám ít thịt nạc cháy. Hóa ra anh Thanh “quản lý” đã lớn đùng rồi mà chẳng biết nấu nướng. Anh ra khu ở Trà My, thấy mấy người miền Bắc kho tàu ngon quá rồi về làm oai. Anh đã bảo anh Thịnh bỏ thịt ướp gia vị vào cái soong bự, chụm lửa mà không đổ nước. Thịt chảy mỡ hết trọi, chỉ còn da khô khốc. Bỏ vào miệng nhai nghe lục cục. Thầy Minh thấy thế vừa nhằn vừa ôm bụng cười.
Cái tết ăn quấy quá rồi cũng qua. Mùng 2, anh Thanh chuộc lỗi, kéo hết tụi tôi, mời cả thầy Uyên Minh xuống nhà chị Dũng ở thôn Xuân Thành, Phổ Cường. Hình như họ đã hẹn trước rồi, bánh thịt ăn hả hê. Anh Thanh chắc có ý lấy lòng thầy Minh, sợ thầy không đồng ý cho anh gần chị Dũng. Vì chị đã có một mặt con với một người lính ngụy tử trận. Dịp gặp mặt trong tết là để anh chị dễ hé lộ một cách tế nhị cái tình duyên vượt qua sự cấm kỵ. Nhưng không sao. Chiến tranh mà... Dường như thầy Minh đã có ý vậy.
Cái tết năm ấy - một cái tết đầu tiên của thằng bé 14 tuổi thoát ly theo cách mạng. Tôi không có áo mới như lúc còn ở quê nhà với mẹ, nhưng vẫn tràn đầy niềm vui với các chú, các anh, với chị Dũng có chồng là “tử sĩ ngụy” và bà con nhân dân vùng giải phóng cực nam Quảng Ngãi này. Và tôi còn nhớ chị Dũng có bé gái cũng tên là Dũng, nhỏ hơn tôi 2 tuổi, trông rất dễ thương. “Bé” ấy bây giờ chắc đã 60 tuổi rồi.
Thời gian hun hút trôi, nhưng chuyện con heo lọt giỏ rơi xuống đất, chuyện kho tàu thịt heo năm xưa, tôi vẫn nhớ như in. Trong những cái tết thanh bình, đầy đủ này, tôi không khỏi rung rưng tưởng về một thời ngây ngô mà rất đẹp, rất dễ thương đó. May mắn là trong 7 người có mặt trong cái tết xưa, bây giờ vẫn còn được thầy Uyên Minh đã 85 tuổi, tôi và Đoàn Thịnh đã quá lục tuần.
PHẠM THÔNG