Châu Á rộn ràng khai xuân
(QNO) - Người dân nhiều nước tại Á châu như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… đang hân hoan chào đón xuân sang, nhiều tục lệ khai xuân truyền thống của dân tộc đang diễn ra thật rộn ràng trên từng nẻo đường, từng nhà…
Khi thời khắc giao thừa thiêng liêng của đất trời vừa đến, tiếng chuông đồng hồ báo hiệu 12 giờ xuân sang thì cũng là lúc phong tục “xông đất đầu năm” bắt đầu tại các một số nước như Việt Nam, Trung Quốc... Đây là tục lệ có từ rất lâu đời, được hầu hết mọi người quan tâm và là việc hệ trọng trong những ngày đầu năm. Mọi người quan niệm rằng, người xông đất đó có mang lại may mắn hay không sẽ phụ thuộc vào vận mệnh của người đó và gia chủ có hợp hay không, theo đó, vận mệnh sẽ đem lại may mắn, tiền tài cho gia chủ. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ trong ngày đầu năm thì gia chủ cũng được bình an, tốt lành, làm việc gì cũng thuận lợi. Cũng từ thời khắc đó, tất cả mọi người trong gia đình luôn giữ hòa khí ấm cúng.
Những đứa trẻ nhận bao lì xì với câu chúc hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn. (Nguồn: Afamuly) |
Năm mới đến, những bao bì nhỏ màu đỏ thường được in hoa văn rất đẹp để lì xì hay mừng tuổi người thân, họ hàng, nhất là cho ông bà hoặc trẻ em để cầu mong đem lại sức khỏe, may mắn, tài lộc cho từng người. Phong tục này bắt nguồn từ truyện dân gian Trung Quốc, rằng ngày xưa ở vùng Đông Hải có một cây đào rất to có rất nhiều yêu quái sinh sống nào là hồ ly tinh, chuột tinh, sói già… Hễ tới đêm giao thừa, tất cả thần tiên đều phải về trời để phân công lại nhiệm vụ thì lũ yêu tinh có cơ hội xuất hiện để dọa nạt làm trẻ con khiếp sợ, khóc thét... Thế là 8 vị tiên biết chuyện liền hóa thành 8 đồng tiền vàng, bay xuống hạ giới để xua đuổi con quỷ đó. Tám đồng tiền vàng bay vào phong bao đỏ đặt dưới gối của đứa trẻ để bảo vệ và đem lại may mắn cho chúng. Từ đó phong tục lì xì bắt đầu xuất hiện, được lan truyền và duy trì đến ngày nay.
Ngày khai xuân hay mồng một tết được xem là ngày rất quan trọng đối với người dân các nước đón Tết Âm lịch cổ truyền. Những nén hương ngun ngún bên mâm thờ cúng để bái lạy tổ tiên, mời ông bà về chung vui, sum họp gia đình. Từ ngày khai xuân, mọi người cùng nhau đi thăm mộ tổ tiên, ông bà, người đã khuất. Những nén hương thơm nghi ngút trên từng ngôi mộ như để tưởng nhớ những người đã ra đi, để thành kính với tổ tiên. Đặc biệt, những đứa trẻ được đưa đến lạy từng ngôi mộ người thân để thêm một lần nhắc nhở chúng về cội nguồn của mình. Rồi cùng nhau thăm ông bà, cha mẹ…
Có thể nói, tùy theo mỗi quốc gia, dân tộc mà có những nét tương đồng hay những đặc sắc riêng trong văn hóa Tết, song nét đẹp chung bao trùm tất cả vẫn là tính chân, thiện, mỹ - một nét đẹp đậm tính nhân văn.
Năm nay (Giáp Ngọ), hình tượng những chú ngựa được xuất hiện khắp mọi nơi, được xem là một con vật đặc biệt thông minh, khôn ngoan, được con người yêu quý - lại gõ cửa từng nhà. Ngựa mang một ý nghĩa tinh thần phong phú, tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ, đa dạng và tích cực trong đời sống văn hóa. Ngựa còn là biểu tượng của sự kiên nhẫn, bền bỉ, trung thành, là con vật mang lại may mắn, tài lộc… “Mã đáo thành công” là lời chúc thường được mọi người trao nhau mỗi dịp đầu năm “con ngựa”, cầu chúc mọi người năm mới sang với thật nhiều may mắn, sức khỏe và hạnh phúc.
KIM OANH