Chân dung "gia đình" ngôn ngữ Việt

KIM OANH (Theo voice of Russia) 30/01/2014 13:03

(QNO) - Nhờ hệ thống thanh điệu độc đáo, tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ giàu nhạc tính và đặc biệt nhất của nhân loại. Những thanh điệu này đã xuất hiện trong giao lưu ngôn ngữ cũng như đã trải qua hành trình ra sao trong lịch sử phát triển dài lâu? Chân dung đầy đủ của “gia đình” ngôn ngữ Việt Nam sẽ xuất hiện trong cuốn “Bách khoa toàn thư các ngôn ngữ Việt cổ” do các nhà khoa học Nga và Việt Nam hợp tác nghiên cứu và xuất bản.

(QNO) - Nhờ hệ thống thanh điệu độc đáo, tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ giàu nhạc tính và đặc biệt nhất của nhân loại. Những thanh điệu này đã xuất hiện trong giao lưu ngôn ngữ cũng như đã trải qua hành trình ra sao trong lịch sử phát triển dài lâu? Chân dung đầy đủ của “gia đình” ngôn ngữ Việt Nam sẽ xuất hiện trong cuốn “Bách khoa toàn thư các ngôn ngữ Việt cổ” do các nhà khoa học Nga và Việt Nam hợp tác nghiên cứu và xuất bản.
Bà Irina Samarina (thứ hai từ phải sang) trong một lần điền dã.

Bà Irina Samarinac (Viện Hàn lâm khoa học Nga) cho biết, bách khoa thư này sẽ mô tả 7 ngôn ngữ. Đó là các thứ tiếng Mày, Sách, Rục, Mã Liềng, Kri, A Rem và Poọng. Trong hệ thống của các thứ tiếng này, thanh điệu đang ở giai đoạn tạo lập, như là thành tố mang sắc thái ngữ nghĩa riêng biệt. Tất cả các ngôn ngữ này được mô tả theo sơ đồ thống nhất, gồm cả mô tả người các dân tộc nói thứ tiếng này, ngữ âm, ngữ pháp và phụ lục từ vựng không dưới 4.000 từ và ngữ. Đặc biệt, cuốn sách sẽ kèm theo cả đĩa DVD, ghi lại âm thanh các thứ tiếng cũng như giới thiệu toàn bộ tài liệu điền dã ngôn ngữ học mà các nhà ngôn ngữ thực hiện đề án đã thu thập để tìm hiểu các thứ tiếng Việt cổ, gồm lượng lớn ảnh tư liệu.

Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc ít người ở Việt Nam là đề án hợp tác rất quan trọng của các nhà ngôn ngữ học Nga và Việt Nam, mang ý nghĩa sâu sắc trong quan hệ hợp tác khoa học giữa hai nước. Đề án này được bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ 20. Tính đến năm 2002, dưới sự hướng dẫn của nhà ngôn ngữ học Xô-viết nổi tiếng là Viện sĩ Vadim Solntsev, Đề án đã tổ chức được 10 cuộc điền dã chung, mô tả 22 thứ tiếng thuộc các “gia đình” và nhóm ngôn ngữ khác nhau, phát hành 4 tập chuyên khảo lớn. Sau 6 năm ngắt quãng, bà Irina Samarina nhận tiếp nối công việc chuyên môn như cuộc chạy tiếp sức rước đuốc khoa học này.

Những năm qua, với sự cộng tác mật thiết với Viện Từ điển học và Bách khoa thư thuộc Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam, bà Irina Samarina và các đồng nghiệp của mình đã thực hiện 7 chuyến điền dã, mô tả 10 ngôn ngữ và xuất bản tập chuyên khảo bề thế về ngôn ngữ nhóm Cờ Lao Kaday. “Việt Nam dành nhiều quan tâm cho công cuộc phát triển của các dân tộc ít người, việc mô tả ngôn ngữ rõ ràng không chỉ có giá trị về mặt khoa học mà góp phần giúp các dân tộc ít người hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng xã hội Việt Nam hiện đại. Hơn nữa, việc bảo tồn các ngôn ngữ đang có nguy cơ biến mất là đóng góp quan trọng vào ngành ngôn ngữ học nói chung” - bà Irina Samarina nhận xét.

Hiện tại, bà Irina Samarina đang cùng các sinh viên Đại học Tổng hợp Nhân văn Quốc gia Moscow tiến hành xử lý các tư liệu thu thập từ cuộc điền dã trước để tiếp tục ra mắt công trình mới. Irina Samarina mong muốn thâm nhập đời sống của đồng bào dân tộc Rục và A Rem với thứ ngôn ngữ đã được mô tả hồi những năm 1980, để kiểm chứng xem những thứ tiếng này đã có thay đổi gì qua hành trình sống 30 năm trên đất Việt Nam.

KIM OANH (Theo voice of Russia)

KIM OANH (Theo voice of Russia)