Xuân yêu thương

NGUYỄN QUANG VIỆT 30/01/2014 13:00

(QNO) - Cuối năm, đến Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công và Trung tâm Xã hội của tỉnh, chúng tôi càng cảm nhận mùa xuân đang rất gần. Ở đây, Tết giản dị, gần gũi, sẻ chia và yêu thương…

Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Trinh được săn sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam.
Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Trinh được săn sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam.

Tết rất gần

Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam (khối 6, phường Thanh Hà, TP.Hội An) phụng dưỡng 34 thương binh, bệnh binh và người có công. Chiều 29, cuối năm, trung tâm chỉ còn lại 16 người bởi hơn nửa trong số họ đã về đoàn viên cùng gia đình. Những người ở lại là người không còn thân nhân hoặc đau ốm nặng, phải được chăm sóc và điều trị tại chỗ. “Ai có điều kiện là trở về sum họp, đoàn tụ với gia đình. Chúng tôi không phải đi đâu cả vì đây là gia đình duy nhất của chúng tôi. May mà chúng tôi còn có ngôi nhà chung, chứ không thì… không biết phải nương tựa vào đâu. May mà…” - cụ Trần Thị Thường (thôn Thanh Châu, xã Duy Châu, Duy Xuyên) nhắc lại từ “may mà” giữa tiếng nấc. Là thương binh nặng, cụ Thường được nuôi dưỡng tại trung tâm từ hơn 10 năm nay. Với cụ, mọi ngõ ngách, từng căn phòng, khuôn viên đều quá đỗi quen thuộc. Ấy vậy, khi chúng tôi đến thăm, cụ chia sẻ là hôm nay, cụ thấy rất… lạ. Hỏi ra, cụ chia sẻ: “Cuối năm, thưa thớt quá, thấy lạ lẫm như mới đến lần đầu. Chừ thấy quý hơn sự chia sẻ, trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người ở lại và sự quan tâm, động viên của các chị điều dưỡng, hộ lý ở đây”.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Trinh quê xã Quế An huyện Quế Sơn có chồng và con trai duy nhất là liệt sĩ. Bản thân mẹ Trinh từng là Trưởng toán phụ nữ xã Quế An tham gia đánh giặc. Bước qua tuổi 93, mẹ Trinh không thể đi được nữa vì bị liệt. Mọi sinh hoạt của mẹ đều diễn ra trong căn phòng nhỏ nhờ các nữ điều dưỡng và hộ lý ở đây. Thỉnh thoảng, mẹ nhớ về một thời oanh liệt chiến đấu, cống hiến. Nhiều khi, cô đơn, mẹ khóc thét lên. Nhiều lúc, được gần gũi, mẹ chia sẻ với các cán bộ tại trung tâm. Khi chúng tôi đến thăm, được bón cho từng thìa cháo nhỏ, mắt mẹ ngấn lên cảm động. Nghe hỏi về sự quan tâm của cô điều dưỡng tại đây, mẹ đưa đôi tay sần sùi dụi mắt, cảm động cho biết, hằng ngày, các chị tỉ mẫn chăm sóc cho mẹ từng ly từng tí.

Không khí rộn ràng gói bánh tét tại Trung tâm Xã hội Quảng Nam.
Không khí rộn ràng gói bánh tét tại Trung tâm Xã hội Quảng Nam.

Mẹ Hồ Thị Nuôi (thôn 9, Trà Tân, Bắc Trà Mi) cũng bước vào tuổi 93 vào mùa xuân này. Có khách đến nói chuyện, mẹ vui vẻ hẳn lên. Mẹ nói: “Tuổi già chúng tôi không còn mặn mà nhiều đến tết. Tuy nhiên, được quan tâm, chia sẻ, động viên, giúp đỡ vào thời điểm mọi người cần nhất sự sum vầy, đoàn tụ, chúng tôi rất vui, ai cũng ấm áp trong lòng. Tết của chúng tôi gần gũi là vậy đó”.

Xuân ấm áp

Rời Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam, chúng tôi đến Trung tâm Xã hội Quảng Nam nằm trên đường Phạm Hồng Thái, TP. Hội An. Xuân của người cơ nhỡ cũng ấm áp, nồng nàn. Quanh khuôn viên của trung tâm, từng tốp người lớn tuổi, trung niên và cả trẻ nhỏ xôm tụ lại gói bánh tét để tặng quà tết cho nhau. Nhóm xong nồi lửa lớn, cụ Huỳnh Thị Ước, 78 tuổi, quê ở thôn Tiên Cẩm (Tiên Phước) thổ lộ: “Tết này nữa là mùa xuân thứ 10 tôi ở đây. Nhờ có tình yêu thương, quan tâm, sẻ chia mà chúng tôi có tết. Đây chính là ngôi nhà chung của chúng tôi”.

Vừa gói bánh tét, em Nguyễn Tấn Cả (thôn 5, xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) xúc động kể: “Gia đình em không còn ai nên các cô chú bà con xa đã gửi em xuống đây và giờ đây trung tâm đã trở thành ngôi nhà thứ hai của em. Ở trung tâm, mọi người sống như một gia đình. Mọi thứ ở đây cũng đầy đủ như ở nhà, các cô, chú quan tâm, chăm lo cho em ăn uống đủ đầy và em cũng được học hành tử tế. Năm nào cũng vậy, trước tết là các cô, các chú tổ chức cho em và các thành viên trong ngôi nhà chung ăn tất niên, sinh hoạt chung và đi tham quan đón tết”.

Chăm sóc người khuyết tật tại Trung tâm Xã hội Quảng Nam.
Chăm sóc người khuyết tật tại Trung tâm Xã hội Quảng Nam.

Dạo quanh các dãy phòng, chúng tôi được các thành viên trong số 90 người cơ nhỡ của trung tâm bồi hồi kể chuyện. Các anh, các chị kể, năm nào cũng vậy, được ăn tết đầy đủ, ấm cúng. Ngoài ra, bằng tình cảm và sự chia sẻ, mỗi ngày, những cán bộ ở trung tâm, miệt mài chăm lo cho chúng tôi từ miếng ăn đến giấc ngủ, ai cũng thấy mình được tiếp sức.

Giám đốc Trung tâm Xã hội Quảng Nam - Trần Phước Tuấn cho biết: “Để làm vơi đi những mặc cảm và cô đơn của những em bé khuyết tật hay các cụ già neo đơn, những ngày cận tết và tết, cán bộ trung tâm càng phải gắn bó, gần gũi để động viên, chia sẻ và mang niềm vui đến cho các cụ, các em nhiều hơn nữa. Để chuẩn bị phục vụ tết cho người già và một số đối tượng bảo trợ xã hội khác, năm nay, trung tâm chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho các thành viên không may mắn trong ngôi nhà chung này. Ngoài ra, trung tâm cũng đã vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tặng quà tết cũng như mời các nhóm tình nguyện, thiện nguyện biểu diễn văn nghệ, động viên vật chất và tinh thần giúp mọi người hòa nhập cộng đồng, đón tết sum vầy, đầm ấm và vui vẻ”.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT