Tình quê ở biển Hồ Tràm

MINH KIỆT 29/01/2014 17:23

(Xuân Giáp Ngọ) - Bên bờ biển Hồ Tràm còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ, có một xóm chài người Quảng Nam, gọi tên xóm Rẫy (thuộc thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Khu phố phỏ nằm giữa một thị trấn bắt đầu sầm uất bởi sự phát triển của du lịch vẫn ẩn chứa tình người, tình quê chân chất.

Một đời bám biển

Chiều nhuộm bãi biển Hồ Tràm vàng rực rỡ. Anh Lê Chí Minh vừa trông xe cho khách du lịch vừa tranh thủ kiểm tra lại mớ lưới cho chuyến biển ngày mai. Hướng biển, hơn 50 chiếc ghe bầu nằm gác bãi chờ đêm xuống ra khơi. Anh Minh chia sẻ: “Mình xa quê đã hơn 20 năm! Nhớ hồi mới vô đây, vợ con nằm khóc suốt đêm vì phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, giờ thì tôi đã thông thuộc từng con sóng nơi này, hai đứa con cũng đã vào đại học”. Rồi anh Minh tự hào kể: “Ngó lam lũ ri đây, chớ tại thị trấn ni, người Quảng Nam mình, con cháu ai cũng học hành nên người, đỗ đạt nhiều trường có tiếng. Nghĩ lại, đời mình hy sinh cũng đáng. cái được nữa là được sống bằng nghề biển của cha ông”.

Những chiếc ghe bầu của bà con
Những chiếc ghe bầu của bà con "quây quần" trên bãi biển Hồ Tràm như một mình chứng suốt đời bám biển và yêu thương nhau của người Quảng nơi này.

Theo anh Minh, muốn biết được người Quảng Nam đến Hồ Tràm bằng cách nào thì nên tìm gặp các lão ngư ở Xóm Rẫy. Đó là xóm nằm lọt giữa những con đường xe cộ đông đúc và nhiều cửa tiệm. Phần lớn dân gốc Quảng ở đây là người vùng biển Bình Hải - Thăng Bình di cư vào từ năm 1980. Năm nay đã 84 tuổi, cụ Vũ Tấn Viên chậm rãi kể: “Tôi còn nhớ, 9 giờ sáng mùng 10 tết năm 1980, chiếc xe ca 54 chỗ xuất phát từ chợ Hưng Mỹ, xã Bình Triều chở theo gần 100 người đi về phía nam. Điểm dừng chân cuối cùng là khu vực Phòng Hờ, địa phận Bà Tô, nay là phố Xóm Rẫy, thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc. Phần lớn bà con trên chuyến xe năm đó đều ở xã Bình Hải, sống bằng nghề biển. Biển Hồ Tràm đã nuôi nấng bao nhiêu con người Quảng Nam đến đây. Thôi thì nơi đâu cũng được biển nuôi, vậy thì cứ bám biển mà sống”.

Trời biển thương người Quảng Nam nơi Hồ Tràm hoang sơ này. Hơn 30 năm qua, hằng ngày bà con Quảng quây quần mấy chục chiếc ghe bầu trên bãi biển thuộc xã Phước Thuận sau mỗi đêm đánh bắt. Cứ khoảng 1 - 2 giờ sáng họ lại mang ngư cụ chạy xe máy từ Xóm Rẫy ra bờ biển rồi lên ghe bầu ra khơi. “Hôm nào mà trúng mánh có thể bỏ túi vài triệu đồng. Còn bình thường, mỗi lần ra khơi kiếm cũng được hơn 1 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Cũng nhờ rứa mà có tiền cho con cái học hành đến nơi đến chốn” - anh Nguyễn Văn Sáng, một ngư dân gốc Quảng hào hứng nói.

Anh Lê Chí Minh đang kiểm tra lại lưới để sáng mai ra khơi!                                                         ảnh: M.Kiệt
Anh Lê Chí Minh đang kiểm tra lại lưới để sáng mai ra khơi! ảnh: M.Kiệt

Ấm tình người xa xứ

Khu phố phỏ nằm giữa một thị trấn bắt đầu sầm uất bởi sự phát triển của du lịch vẫn ẩn chứa tình người, tình quê chân chất. Khi được hỏi về bà con đồng hương tại Bà Rịa, ông Phùng Chí Vinh - Phó trưởng ban Liên lạc Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Xuyên Mộc cho biết hằng năm bà con ở đây đều tụ họp lại, gặp mặt kể nhau nghe đủ thứ chuyện. Con cháu đứa nào học giỏi thì được nhận học bổng mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng. Số tiền tuy không lớn nhưng đã động viên rất nhiều tinh thần hiếu học của những con em mang trong mình dòng máu Quảng ngay trên vùng biển Hồ Tràm này. Hàng chục năm qua, nhiều người Quảng đã nằm lại nơi đất khách. Dù không có điều kiện để trở về đất mẹ quê nhà thì  người nằm xuống vẫn được ấm lòng bởi tình đồng hương, thông qua Hội trợ tang Bình Hải do ông Trần Hồng Sơn làm hội trưởng. “Người Việt mình khi qua đời ai cũng thích quay về quê cha đất tổ. Nhưng trong hoàn cảnh xa quê hương, rất khó để thực hiện ước nguyện ấy. Chính vì vậy, tôi đã vận động thành lập Hội trợ tang Bình Hải để ít nhiều sẻ chia nỗi đau mất mát và quan trọng nhất là để cho bà con đồng hương cảm thấy ấm lòng lúc về với đất trời!” - ông Sơn chia sẻ.

Một trong những điều làm người Quảng Nam sống ở Bà Rịa - Vũng Tàu  tự hào chính là truyền thống hiếu học, học giỏi được tiếp nối. Ngoài nghề biển, bà con ở đây sống bằng nghề nông, nhưng dù có cực khổ đến mấy họ cũng gắng lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Như gia đình ông Nguyễn Tấn Huy có 7 người con đều học xong đại học, trong đó có 4 người học lên thạc sĩ, 1 tiến sĩ. Ông Huy kể: “Đã có lúc tôi tưởng sẽ gục ngã bởi cuộc sống quá khắc nghiệt, nhưng chính nhờ sự giúp đỡ của bà con đồng hương nơi đây nên vợ chồng tôi đã vượt qua khó khăn và nuôi nấng các con nên người. Ở nơi xa quê, ai cũng mong ước bà con mình đầm ấm và sung túc để sống đàng hoàng với đời”.

MINH KIỆT

MINH KIỆT