Người Quảng với Hoàng Sa mùa xuân ấy
(Xuân Giáp Ngọ) - Tại một công văn của tỉnh Quảng Nam vào năm 1954, có những chi tiết đắt giá này: “Từ trước đến nay chưa thiết lập thôn xã trên quần đảo Hoàng Sa, lý do vì không có thổ dân (hiện nay chỉ có 110 người trong đó phân nửa là quân dân), địa thế xa cách đất liền gần 450km, giao thông không thuận tiện. Về phương diện kinh tế, tuy quần đảo Hoàng Sa không có triển vọng gì khả quan, nhưng về phương diện quân sự thì địa điểm này rất xung yếu, hơn nữa đã thuộc về lãnh thổ quốc gia, có dân cư thì dầu dân số ít hay nhiều cũng phải tổ chức tại đó một cơ quan hành chánh để lo việc an ninh trật tự cho dân chúng, nhất là, để tượng trưng chủ quyền quốc gia cho đúng với Quốc tế công pháp. Tuy vậy, theo hiện tình của quần đảo, thì tòa tôi thiển nghĩ chỉ nên tổ chức tại đó một đơn vị xã trực thuộc quận hành chánh Hòa Vang (Quảng Nam) hay trực thuộc thành phố Đà Nẵng, ranh giới của xã gồm cả 5 đảo của nhóm Croissant và 6 đảo của nhóm Amphitrite, như thế đỡ tốn kém hơn. Nếu thành lập 1 xã thì thành phần Hội đồng xã sẽ chọn trong số công nhân của Hãng Khai thác phân chim, trụ sở có thể đặt tại đảo Pattle, vì tại đây đã có sẵn một lực lượng quân sự yểm hộ. Nếu quý tòa xét cần để đơn vị hành chánh mới ấy thuộc tỉnh Quảng Nam, thì tòa tôi xin đề nghị cho sáp nhập vào quận hành chánh Hòa Vang, lấy danh hiệu xã Hòa Đức”.
Đã 40 năm qua, ký ức về Hoàng Sa vẫn in đậm trong tâm trí ông Phạm Khôi. |
Từ các báo cáo của các tỉnh và đề xuất của Văn phòng phủ Tổng thống, ông Ngô Đình Diệm thống nhất chủ trương thành lập một đơn vị hành chính cho Hoàng Sa và đặt xã này trực thuộc vào huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Tờ trình của Bộ Nội vụ, tại góc trái có bút phê bằng mực đỏ: “Tổng thống dạy rằng, nên đặt tên xã là xã Hoàng Sa cho tiện!”. Trên thực tế, sau đó Ngô Đình Diệm đặt tên xã Định Hải, thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Và, từ đó về sau, qua các tài liệu lưu trữ người viết bài này nhận thấy rằng, lực lượng khai thác và bảo vệ Hoàng Sa đa số là người Quảng.
Tôi có dịp gặp gỡ những người Quảng từng sinh sống và làm việc tại Hoàng Sa từ năm 1974 về trước như: ông Nguyễn Đức Lễ, người làng Hạ Nông Đông, xã Điện Phước (Điện Bàn), ông Phan Ngọc Chung ở phường Minh An, ông Lê Châu và Lê Lan, phường Sơn Phong (Hội An), ông Nguyễn Văn Thưởng ở xã Quế Phú (Quế Sơn), ông Nguyễn Xuân Vân, xã Đại Nghĩa (Đại Lộc, ông bị lính Trung Quốc bắt và trao trả vào ngày mùng 1 Tết năm 1974)…
Chào cờ trên đảo Hoàng Sa. |
Về vụ Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, một hồ sơ mật lúc đó cho biết: “Như thường lệ, vào ngày 18.1.1974, gần tới Tết Âm lịch (Nhâm Dần), tuần dương hạm HQ.16 Lý Thường Kiệt khởi hành từ Đà Nẵng, ra Hoàng Sa để thực hiện hoán đổi định kỳ. Chính tuần dương hạm này đã phát hiện sự tập trung dày đặc của các chiến hạm Trung Quốc quanh đảo Hoàng Sa, ngay lập tức họ báo động và đề nghị chi viện”. Ông Nguyễn Văn Cúc, một người Quảng được đưa ra sửa chữa bể nước và khảo sát làm sân bay cho đảo Hoàng Sa vào năm 1973, có mặt tại thời điểm đó, cho biết thời khắc chúng ta mất Hoàng Sa như sau: “Còn vài ngày nữa là chúng tôi đón tết tại Hoàng Sa như thường lệ thì sáng ngày 17.1.1974, quân Trung Quốc nổ súng tấn công các chiến hạm của Việt Nam Cộng hòa và tràn lên đánh chiếm đảo. Chúng bắt giữ chúng tôi đưa đến tỉnh Quảng Đông để giam giữ. Đúng mùng 1 Tết, chúng ép buộc chúng tôi phải viết giấy nói Hoàng Sa là của Trung Quốc nhưng anh em cương quyết không viết. Sau đó, thì Trung Quốc thả 5 người đầu tiên, trong đó có tôi!”. Một tờ báo tại Sài Gòn đưa tin trực tiếp về vụ việc 42 người Việt Nam, bị Trung Quốc bắt tại Hoàng Sa và trao trả đợt đầu tiên cho biết: “Lúc đó, đúng 8 giờ sáng ngày mùng một Tết nguyên đán, 42 người bị bắt tại Hoàng Sa bị Trung Quốc bắt buộc “phải nhận tội là đã chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa của Trung Quốc” nhưng họ đã không chấp nhận”.
Đào giếng nước ngọt trên đảo Hoàng Sa (ảnh chụp năm 1940). |
Sau khi Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa, nhân dân Quảng Nam sục sôi phản đối hành động xâm chiếm này, bà con đồng loạt tự nguyện tổ chức những cuộc xuống đường rầm rộ hoặc đưa thư, kiến nghị lên Liên hiệp quốc. Một văn bản lưu tại phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cho biết: “Ngày 8.2.1974, tập thể người Việt gốc Hoa tại Hội An, đại diện là các ông Hứa Đức Truyền - bang Triều Châu, ông Lê Bính Tùng - bang Quảng Đông, ông Trần Văn Chương - bang Hải Nam, ông Thái Đạo Trinh - bang Phúc Kiến, ông Trần Cảnh Hoa - bang Gia Ứng có bản kiến nghị gửi chính quyền và nhiều hãng thông tấn, báo chí trong và ngoài nước phản đối hành động Trung Quốc dùng vũ lực “cưỡng đoạt Hoàng Sa của Việt Nam”. Tại Tam Kỳ, một bản tin nội bộ cho hay: “Hôm nay, từ 4 giờ sáng ngày 10.2.1974, các đình chùa, nhà thờ trên toàn quận đồng loạt gióng lên tiếng trống, tiếng chuông liên hồi đánh thức người người sẵn sàng khí thế tham gia cuộc xuống đường. Lúc 9 giờ, chúng tôi, toàn thể đại diện cơ quan dân cử, các đoàn thể, chính đảng, tôn giáo, hiệp hội, thân hào nhân sĩ, sinh viên, học sinh, công tư chức, đại diện nhân dân trong toàn tỉnh, cùng đồng bào Việt gốc Hoa và đồng bào các xã thuộc quận Tam Kỳ, gồm trên 30 ngàn người họp mít tinh tại sân vận động Tam Kỳ, để bày tỏ thái độ công phẫn trước hành động xâm lăng thô bạo của Trung Quốc đem quân chiếm cứ quần đảo Hoàng Sa. Chúng tôi khẩn khiết kêu gọi Liên hiệp quốc và các quốc gia yêu chuộng tự do, vì hòa bình, vì công lý can thiệp khẩn cấp, bắt buộc Trung Quốc phải rút quân và hoàn trả cho Việt Nam”. Cùng ngày, một văn bản khác mô tả: “Hôm nay, ngày 10.2.1974, 10 ngàn người dân của 19 xã quận Thăng Bình, tập trung tại sân vận động Hà Lam để phản đối hành động Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”… Tôi còn thấy một văn bản nằm trong bộ “Hồ sơ Trung cộng chiếm Hoàng Sa”, một chi tiết thú vị: “Ông Trần Hữu Đẩu, tức nhạc sĩ Hoàng Bích, đồng thời là một nhà giáo, cách đây 17 năm, đã có lần thực hiện một chuyến du khảo trên quần đảo Hoàng Sa. Rung cảm trước những nét đẹp của một phần đất quê hương gấm vóc, nhạc sĩ Hoàng Bích đã sáng tác một nhạc phẩm mang tựa đề: “Bình minh trên đảo Hoàng Sa”. Nhạc phẩm này được phép xuất bản với giấy phép số 906/XB ngày 17.6.1957 của Nha Thông tin Nam phần”…
Tiếp tế lương thực cho người dân trên đảo. |
Những ngày cuối năm này, tôi đến thăm ông Phạm Khôi, một người Quảng hiện sống ở phường Thạch Thang (Đà Nẵng), ông cho biết: “Tết nào nhà tôi cũng có mâm ngũ quả, nhưng mâm cúng của tôi có cái đặc biệt là kèm một tấm bản đồ cổ về Hoàng Sa và 2 vỏ ốc hoa – kỷ vật ở Hoàng Sa mang về từ hơn 40 năm trước. Tôi nhớ mãi hình ảnh cách cầu tàu trạm quan trắc Hoàng Sa chừng 2 cây số, có một dinh thự đã đổ nát, cạnh đó có một cột mốc chủ quyền ghi rõ “Hoàng Sa là của Việt Nam”. Bên cạnh là ngôi miếu Bà, có một tượng đồng đen và giếng nước. Miếu này linh lắm, ngày nào chúng tôi cũng ra thắp hương!”. Trả lời câu hỏi của tôi: “Kèm bản đồ Hoàng Sa và kỷ vật Hoàng Sa trên bàn cúng gia tiên trong dịp tết, vậy văn cúng ông sẽ khấn thế nào?”. Ông Khôi nói như không cần suy nghĩ: “Hồi ở đảo, bài văn cúng đầu năm của chúng tôi thường bắt đầu bằng: “Việt Nam quốc, Hoàng Sa xứ...” thì nay tôi vẫn cúng vậy!”. Nghe câu nói đó của ông Cúc, tôi cảm nhận rằng Hoàng Sa chưa bao giờ phai mờ trong tâm thức của người Quảng, dẫu 40 mùa xuân đã qua, cho đến xuân này và mãi tận mai sau…
LƯU ANH RÔ