Bảo tàng Guimet: "Con đường ngắn nhất để đến với châu Á"

KIM OANH 28/01/2014 17:18

(QNO) - Bảo tàng Guimet tại thủ đô Paris (Pháp) là một địa chỉ không thể bỏ qua đối với những ai muốn tìm hiểu các nền nghệ thuật châu Á. Bởi, nơi đây gìn giữ khoảng 50.000 hiện vật đa dạng về thời kỳ và đầy đủ về nghệ thuật, giúp du khách có cơ hội được trải nghiệm những cuộc du hành thẩm mỹ, tâm linh, khám phá nơi sâu thẳm của tâm hồn châu lục. Vì thế mà nhiều người đã nhìn nhận: Bảo tàng Guimet là “con đường ngắn nhất để đến với châu Á”.

Các hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng Guimet. Ảnh: linternaute
Các hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng Guimet. Ảnh: linternaute

Guimet được coi là bảo tàng lớn nhất về nghệ thuật châu Á bên ngoài khu vực, sở hữu từ các tượng Phật Afghanistan đến tượng các nhà sư Nhật Bản, từ những tấm vải mang đặc trưng Ấn Độ đến vũ khí của các võ sĩ đạo, từ các kho báu kiến trúc Angkor của người Khmer đến những nghệ thuật tạo hình tinh xảo Trung Hoa… Kể từ khi được nhà sưu tầm Emile Guimet thành lập năm 1889 (cùng với năm ra đời công trình lịch sử tháp Eiffel nổi tiếng của Pháp) cho đến nay, bảo tàng này không ngừng bổ sung, giúp các bộ sưu tập thêm phong phú, đa dạng, mô tả lại toàn bộ lịch sử của nghệ thuật châu Á và các nền văn minh khác nhau tại châu lục này, đồng thời cũng hướng về châu Á của tương lai.

Mỗi năm, tại Bảo tàng Guime diễn ra hàng loạt các sự kiện trưng bày, triển lãm với nhiều chủ đề khác nhau về nghệ thuật của từng nước châu Á. Mới đây, bộ sưu tập Khmer được bày trí tại một trong những không gian trang trọng nhất của bảo tàng với bức phù điêu nặng 11 tấn mang tên “Con đường của những người khổng lồ” của đền Preah Khan thuộc quần thể Angkor, với hình tượng “naga”, rắn thần khổng lồ nhiều đầu. Sưu tập đi vào lòng người cùng những nét trang nhã hết mực và sự linh động tuyệt vời như là một cánh cửa đưa chúng ta đến với vùng Đông Nam Á. Trước đó, gian trưng bày cổ vật Việt Nam ở ngay tầng một với nhiều phòng rộng như chiếc trống đồng Đông Sơn, hay những hình ảnh gốm men chàm cổ Chu Đậu với những đường nét, hoa văn hết sức nên thơ mà người thợ vẽ từ thời Lê để lại trên các món đồ…

Từ ngày 22.1 - 10.3.2014, Guimet giới thiệu sự tiến hóa của nghệ thuật tranh khắc gỗ Nhật Bản thế kỷ 17 - 18, với các đại sư như Suzuki Harunobu, phong trào nghệ thuật hội họa hướng đến đại chúng (ukiyo-e) bùng phát trong giai đoạn Mạc phủ Tokugawa, mang theo những tinh hoa của văn học hay huyền thoại Nhật Bản, thể hiện các vẻ mặt khác nhau của đời sống xã hội hằng ngày… Tiếp đó, Guimet sẽ đưa công chúng đến với những di vật từ bộ sưu tập cá nhân của ông Georges Clémenceau - chính trị gia, đồng thời là một người vô cùng tha thiết với nghệ thuật vùng Viễn Đông, qua triển lãm “Clémenceau, con hổ và hâu Á” (con hổ là một biệt danh của Georges Clémenceau).

Vào năm 2012, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bộ VH-TT&DL Việt Nam phối hợp với Guimet tổ chức triển lãm trưng bày những cổ vật đặc sắc có hình tượng rồng Việt Nam có chủ đề “Rồng Việt Nam” với mong muốn nêu bật hình tượng đẹp con vật linh thiêng, giá trị này trên các cổ vật của bảo tàng bởi nó là biểu tượng của quyền lực và sức mạnh thậm chí hình tượng của nền quân chủ Việt Nam trong một thời gian dài, nó được gắn với những hiện vật giá trị của cung đình, của tầng lớp quý tộc và tư duy của người dân Việt Nam.

KIM OANH

KIM OANH