Theo bác Năm Công về khu 5
(Xuân Giáp Ngọ) - Hơn 55 tuổi Đảng, 81 tuổi đời, trong lòng lão thành cách mạng Phan Văn Trí (quê xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) luôn dành cho thủ trưởng của ông - đồng chí Võ Chí Công lòng kính trọng trong cả cuộc đời làm cách mạng cho đến lúc nghỉ hưu.
Năm 1965, chàng sinh viên 34 tuổi của trường Đại học Y Hà Nội Phan Văn Trí nhận được thông báo cấp trên điều động về biệt thự Hồ Tây làm việc. Tại biệt thự Hồ Tây, ông Trí được Ban bảo vệ Trung ương cử xuống Bệnh viện Việt Xô học kỹ thuật để sau này chăm sóc sức khỏe cho lãnh đạo.
Nhà lưu niệm đồng chí Võ Chí Công. Ảnh: DOÃN HOÀNG |
Lần vào ký ức, ông Trí bảo, sau 3 tháng học việc ông mới hay tin mình được cấp trên giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho một lãnh đạo “Đoàn Z” về lại quê nhà lãnh đạo quân dân đánh Mỹ-ngụy. Ngày lên đường về khu 5 (năm 1966), ông Trí mới biết mình được giao trọng trách chăm sóc sức khỏe cho đồng chí Võ Chí Công - Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, phụ trách Bí thư Khu ủy 5, Chính ủy Quân khu 5, sau này là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Bác sĩ Phan Văn Trí (81 tuổi, quê xã Tam Hiệp, Núi Thành) thăm Nhà lưu niệm đồng chí Võ Chí Công.Ảnh: X.NGHĨA |
Chiều cuối năm 2013, đến thăm Nhà lưu niệm đồng chí Võ Chí Công tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, thắp nén tâm nhang cho thủ trưởng của mình sau hơn hai năm ông về với đất mẹ, đôi mắt ông Trí nhòe đi. Ông xúc động nhớ về những kỷ niệm trong khoảng thời gian 6 năm được sống làm việc cùng bác Năm Công, lúc băng rừng, khi lội suối rong ruổi khắp khu 5 hay khi được Bộ Chính trị triệu tập ra Bắc họp.
Đôi tay run run sờ từng kỷ vật, tấm ảnh được sưu tầm trưng bày tại nhà lưu niệm, ông Trí kể cho tôi nghe về hành trình vào khu 5 khi xưa. Chỉ tấm ảnh bác Năm Công ngồi nghỉ cạnh bờ sông, ông bảo, đây là lúc nghỉ chân bên bờ sông Bung trên đường công tác xuống Quảng Đà vào buổi chiều, cũng tại đây bác Công đã gặp đồng chí Hồ Nghinh. Trước khi vào khu 5, ngoài anh Nghĩa (quê Phù Cát, Bình Định) cần vụ nấu ăn, anh Phan Đấu thư ký riêng cùng đoàn công tác, ông Trí được lãnh đạo Ban bảo vệ Trung ương gọi lên giao một đôi đũa, nhắc nhở phải chăm lo thật tốt về sức khỏe cho đồng chí Võ Chí Công. Ông Trí bảo rằng, ngoài khẩu K59 và túi sâm, đôi đũa là vật bất ly thân của mình. Khi thức ăn, nước uống được phục vụ đem đến, ông là người rà đôi đũa kiểm tra thức ăn, xác định đảm bảo an toàn mới mời đồng chí Võ Chí Công dùng cơm. Ông bảo, đây là nhiệm vụ và là mệnh lệnh, dù người cần vụ nấu ăn đã là anh em, cùng vào sinh ra tử nhưng không vì thế mà sơ suất.
Để bảo vệ bí mật cho các lãnh đạo khu 5 và đồng chí Võ Chí Công, ông Trí kể, cứ 3 tháng, đơn vị phải chuyển địa điểm một lần. Có khi ở khu căn cứ Nước Oa, có khi lên Nước Là hay đóng gần sông Trường để tránh bị địch phát hiện ném bom. Dưới hầm bò, khi ngủ lúc nào ông cũng nằm bên trái, anh Nghĩa cần vụ nằm bên phải. Sau này, thấy bác Năm Công nằm võng dù nhiều, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, anh em lấy nứa đập nát, bện thành vạt giường để bác nằm đỡ đau lưng. Để đảm bảo sức khỏe, ông Trí còn có nhiệm vụ thông báo hết giờ làm việc và mát xa cho bác Năm Công lúc 23 giờ mỗi ngày…
Chỉ vết thương nằm gần mắt, ông Trí kể, lần đó Bộ Chính trị triệu tập cuộc họp, xong vào đến Trạm 30 Thừa Thiên Huế - Quảng Nam, cách trạm giao liên khoảng nửa cây số thì trời tối, anh em cận vụ đào hầm bò để ngủ lại qua đêm. Không may lúc 2 giờ sáng bị máy bay địch ném bom, mọi người lấy thân mình che khắp trên nóc hầm để bảo vệ đồng chí Võ Chí Công và ông bị thương phải điều trị một tháng sau mới trở lại nhiệm vụ.
Trong 6 năm sát cánh cùng đồng chí Võ Chí Công trong những chuyến công tác lúc vào Quảng Ngãi nắm tình tình triển khai kế hoạch hay xuống nằm vùng ở xã Điện Hòa (Điện Bàn) để chuẩn bị cho trận đánh Tết Mậu Thân năm 1968, với ông Phan Văn Trí, đồng chí Võ Chí Công luôn là người lãnh đạo biết quan tâm đến cấp dưới. “Đồng chí Võ Chí Công thường nhắc nhở: Công việc Đảng giao, không nên nói đến cấp bậc, chức vụ, cái chính là phải hoàn thành tốt nhiệm vụ mới xứng đáng người cán bộ trong lòng dân” - ông Trí chia sẻ.
XUÂN NGHĨA