Lần chia tay
(Xuân Giáp Ngọ) - Trên một chiếc thuyền đậu trên sông Bà Rén, đoạn chạy qua làng Tân Mỹ Đông, đêm 30 tháng 4 năm 1930, diễn ra một lễ kết nạp đảng viên và thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Duy Xuyên. Được sự cổ vũ của tình hình trong nước, trong tỉnh, và sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Quảng Nam, các chi bộ Mã Châu, Trà Kiệu, Ngũ Thôn, Đông Yên lần lượt ra đời. Chi bộ Mã Châu gồm có các đảng viên: Hồ Duy Từ (cha ruột tôi), Trần Hữu An, Trương Di, Trương Vọng, Trịnh Hưng, Phan Chuyển, Trần Hiến, Trương Nhiếc, do Hồ Duy Từ làm Bí thư.
Chỉ trong khoảng thời gian từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 7 năm 1930, tại Duy Xuyên đã thành lập được 5 chi bộ với tổng số 29 đảng viên.
Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Phủ ủy lâm thời được thành lập gồm 3 đồng chí: Lê Tuất, Hồ Duy Từ, Nguyễn Viết Phu. Lê Tuất được cử làm Bí thư Phủ ủy. Trong lúc phong trào cách mạng đang dâng cao, hoạt động của đội ngũ cán bộ, đảng viên táo bạo nên có sơ hở, lộ liễu, kẻ địch lại tăng cường mật thám để dò la, theo dõi. Tháng 10.1930, Lý trưởng làng Văn Quật cầm được truyền đơn và tài liệu của ta do tay chân nhặt được cung cấp liền đem nộp cho Phủ trưởng Phan Thành Ký. Qua tài liệu, chúng nghi thầy giáo làng Lê Tuất nên đến vây bắt, khám xét nhà ông xã Hơn làng Tân Mỹ Đông, nơi ăn ở và dạy học của Lê Tuất. Chúng bắt Lê Tuất tống nhà giam Quảng Nam, tra tấn cực hình nhưng không lấy được một lời khai.
Tuy nhiên, cũng có người không giữ được khí tiết, khai báo với địch làm hàng loạt đảng viên và cơ sở bị bắt. Một số Phủ ủy viên Duy Xuyên và phần lớn đảng viên của 5 chi bộ cùng với một số hội viên của đoàn thể cách mạng cũng bị bắt, trong đó có ba tôi, làm rúng động cả phủ Duy Xuyên.
Những năm 1930, ở Quảng Nam có hai nhà giam tù. Một nhà lao tỉnh, đặt trong thành La Qua (Điện Bàn), gần Vĩnh Điện, do Nam triều phụ trách. Một nhà lao ở Hội An đặt dưới quyền quản lý của một đồn trưởng khố xanh. Hầu hết tù nhân, từ khi bị bắt đến khi thành án, địch giam ở nhà lao tỉnh, thành án xong chúng đưa xuống Hội An xem xét, một số cho đi hành dịch, một số đưa đi các nhà lao khác.
Sau những lần cùng các bạn tù cầm đầu tuyệt thực, ba tôi bị địch bắt mang gông tạ và quỳ sạn ngoài trời nắng cháy. Thỉnh thoảng bà nội tôi từ Mã Châu lội bộ xuống Hội An tìm đến nhà lao thăm ba tôi. Một hôm, bà nội thấy áo ba tôi rách tước phơi cái lưng cháy tróc hết da, bà ứa nước mắt nhưng về không dám kể cho ông nội tôi nghe vì sợ ông tức giận rồi điên thêm. Trước đó, ông nội đi thăm ba tôi nhưng bọn cai tù nói tù bị gông không được thăm, còn nạt nộ rồi đá văng cả đồ thăm nuôi làm ông tôi uất ức rồi điên luôn từ đó.
Sau khi ra tù một thời gian, những đảng viên trong phủ Duy Xuyên, người lại bị tù, người bị tra tấn không chịu nổi khai báo, người bị mua chuộc phản bội, các cán bộ của tỉnh thì bị mật thám theo dõi truy đuổi, mất liên lạc, ba tôi rất lo và buồn. Rồi chiến tranh chống Pháp bùng nổ, ba đưa gia đình và bà con bên nội về quê ngoại ở Trường An, Thăng Bình. Suốt chín năm kháng chiến, ba tôi làm cán bộ của xã Thăng Phương, rồi làm cán bộ của huyện Thăng Bình. Nhà ba mạ tôi là một địa chỉ để cán bộ tỉnh, huyện, xã, mỗi lần công tác ngang qua ghé lại uống nước, ăn cơm, nghỉ ngơi. Hiệp định Giơnevơ 1954 ký kết, ba tôi là cán bộ ở lại. Nhưng kẻ thù xé hiệp định, đàn áp những người kháng chiến...
Sau chín năm trường kỳ chống thực dân Pháp, nỗi khát khao cháy bỏng ngày hòa bình làm nhiều người, trong đó có ba tôi, không nhận ra bộ mặt giảo quyệt “can thiệp Mỹ”. Hôm dẫn anh Hai và tôi đi tham gia đấu tranh ở Chợ Được, ba tôi thật sự bối rối. Về nhà, mấy đêm liền ông mất ngủ. Ông bối rối vì sự tráo trở của đối phương. Ông không ngủ được vì thao thức về những ngày tiếp theo, khi các tổ chức đảng lui vào trong bí mật. Đúng hơn là bí mật không ra bí mật, công khai thì không thể công khai. Còn quân đội và tay sai của Liên hiệp Pháp được Mỹ giật dây, trả lương thì không cần che giấu bộ mặt hung hăng, hách dịch của chúng, bắt đầu từ cuộc đụng độ với dân thường ở Bàu Bàng, Chợ Được, hàng trăm dân lành bị bắn chết...
Sau vụ đàn áp ở Chợ Được, bất chấp máu người dân đã đổ, địch lại gây nợ máu ở Chiên Đàn. Ba thầm thì với mạ tôi: “Hồi chiều, khi ở ngoài bàu Đôi về, gần đến sau nhà, chỗ đám sắn, tôi đụng cái đầu lâu, chó đào lên...”. Mạ tôi rùng mình, quàng tay ôm chặt lưng ba tôi: “Của ai mà kinh khủng rứa mình?”. “Làm sao biết. Chỉ nghe mấy hôm rày, sau khi ở Chợ Được về, một số người bỗng dưng mất tích, như anh Tám Đảng, ông Hương Chúc, ông Nhậm. Anh em ta rúng hết”...
Hai người nằm bên nhau thầm thì thật khuya. Vừa chợp mắt thì trời hừng sáng. Tiếp liền mấy đêm, không đêm nào ba mạ tôi ngủ yên. Mỗi ngày nghe thêm một tin dữ. Chú Bảy tôi, bà nội tôi đều khuyên ba nên lánh đi, đi đâu đó thì chưa biết nhưng phải rời xa ngay cái làng Trường An. Xã Thăng Tú, Thăng Phương, Thăng Triều của huyện Thăng Bình không còn bình an nữa. Cấp trên không có sự chỉ đạo nên đi đâu, trốn đâu, mà chỉ nói “cần đổi vùng”. Ba tôi thì không muốn xa mạ, xa các con. Mạ tôi cũng chẳng muốn xa ba. Nhưng cái chết không chỉ rập rình mà đã cận kề, chưa biết đêm nào sẽ đến lượt ba, hai người quyết định chia xa...
Sáng sớm hôm ấy, một buổi sáng thu cuối năm 1954, mưa bay bay, gió bấc thổi lồng lộng qua bãi cát rộng mênh mông từ phía sau nhà. Hình ảnh ba tôi buổi sáng mùa thu buồn ấy, giờ đây và có lẽ mãi mãi vẫn in đậm trong trí nhớ mỗi chúng tôi... Khi chúng tôi hỏi thêm những gì chưa biết về ba, dù đang ở tuổi 92, mạ tôi vẫn còn nhớ buổi sáng ngày ba đi xa. Đêm đó, mạ chợp mắt được vài lần thì gà gáy sáng. Mạ dậy, lấy cái lon một xúc đầy gạo nấu cho ba om cơm trắng. Cơm cạn, mạ lấy hai hột gà đổ cho ba đĩa chả. Ba ngồi ăn cơm dưới nhà bếp, bên ngọn đèn dầu phụng mờ mờ, khi các con còn đang say ngủ quấn lấy nhau trên giường.
Lúc mạ gọi tất cả anh em chúng tôi dậy thì trời đã hừng sáng. Hơi lạnh tràn vào nhà. Chúng tôi, đứa ngồi bên mép giường, đứa đứng tựa cửa đưa những cặp mắt tròn xoe nhìn ba. Mạ giúp ba choàng vào người chiếc áo dạ màu cứt ngựa. Ông cao to, rất oai, mạ đứng chỉ đến vai ba. Ba choàng ngoài cái tơi cánh, đội nón lá, nhìn mạ, nhìn các con, rồi lặng lẽ rời cái sân gạch đi thẳng ra hướng bàu sen trước nhà. Băng qua đường, qua bãi cát... Bóng ba xa dần, rồi khuất vào rừng dương, trên nền cát trắng Trường An... Trời mưa lất phất. Làm sao chúng tôi có thể ngờ được đó là lần chia tay vĩnh viễn giữa ba tôi với mạ tôi và các con thân yêu…
HỒ DUY LỆ