Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải: "Kiên trì mục tiêu phát triển bền vững"

DOÃN THÀNH TRÍ (thực hiện) 25/01/2014 11:29

(Xuân Giáp Ngọ) - Phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh thu hút, mời gọi đầu tư, nhưng kiên quyết không chấp nhận những dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường; tập trung phát triển nguồn nhân lực đảm bảo cho trước mắt và nhu cầu trong tương lai,... là những mục tiêu lớn mà Đảng bộ Quảng Nam đã đặt ra và kiên trì lãnh đạo thực hiện trong những năm qua. Nhân dịp năm mới Giáp Ngọ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải dành cho Báo Quảng Nam cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhìn nhận:

Phát triển bền vững là xu thế chung của thời đại, của hầu hết các quốc gia trên thế giới, là vấn đề mang tính toàn cầu. Thế giới hiện nay chứa đựng nhiều mâu thuẫn trong quá trình phát triển, trở thành thách thức đối với các quốc gia, các nhà lãnh đạo. Phát triển bền vững cũng là đòi hỏi từ thực tế cuộc sống, đồng thời là tiêu chí để đánh giá hiệu quả các chính sách phát triển, hướng tới công bằng xã hội, đảm bảo cuộc sống tốt đẹp cho mọi người dân. Điều này thể hiện rõ trong các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh, giảm phát khí thải nhà kính…

* Thưa đồng chí, đặt vấn đề phát triển bền vững, trong lúc Quảng Nam còn nghèo, cần sự tăng trưởng nhanh, nhất là về kinh tế. Theo đồng chí, đâu là những thách thức lớn nhất? Và với mục tiêu phát triển bền vững, Quảng Nam đã có những lựa chọn nào trong các kế hoạch phát triển?

Đồng chí Nguyễn Đức Hải:  Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã xác định mục tiêu tăng trưởng nhanh nhưng phải đảm bảo phát triển bền vững dựa trên nền tảng phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống cách mạng của quê hương. Quảng Nam nhận thức rõ những thách thức: chọn hướng phát triển nhanh thông qua con đường công nghiệp hóa là phải sử dụng các nguồn tài nguyên, gắn với việc chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là vấn đề sử dụng đất đai có ảnh hưởng lớn đến phương tiện, tư liệu sản xuất của nhân dân… Điều này dễ dẫn đến xung đột lợi ích và ảnh hưởng tiêu cực đến bản sắc văn hóa truyền thống, tác động không nhỏ đến môi trường tự nhiên, trong khi tác động của biến đổi khí hậu càng lúc càng phức tạp. Nếu phát triển “nóng”, thiếu cân nhắc sẽ càng khiến hậu quả của thiên tai cộng với “nhân tai” thêm trầm trọng. Ban đầu, những mục tiêu về tăng trưởng của tỉnh chưa lường hết được những phức tạp phát sinh do những tác động đã nói, nên trong tư duy, định hướng, chỉ đạo về sau, tỉnh đã tiếp tục điều chỉnh, bổ sung.

Lễ thông xe cầu Gò Nổi (ngày 4.9.2013). Ảnh: CÔNG TÚ
Lễ thông xe cầu Gò Nổi (ngày 4.9.2013). Ảnh: CÔNG TÚ

Với mục tiêu phát triển bền vững, thời gian qua, các cấp chính quyền kiên định tư duy và cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đã đặt ra, cùng với sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng; không để mục đích ngắn hạn, lợi ích cục bộ, cá nhân chi phối; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân… Trên cơ sở đó, Quảng Nam đã có những giải pháp rất cụ thể, đó là không thu hút các ngành công nghiệp nặng gây ô nhiễm môi trường; lựa chọn những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, giải quyết lượng lớn lao động nông thôn như may mặc, cơ khí, da giày… Công tác bảo vệ rừng thời gian qua cũng đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, việc Quảng Nam quyết định đóng cửa rừng từ năm 2000 là vấn đề mới, sớm mà đến nay nhiều địa phương trong nước mới bắt đầu thực hiện, dù hằng năm chúng ta mất đi nguồn thu lớn từ rừng. Hiện nay, chúng ta tập trung phát triển rừng trồng, mỗi năm cung cấp cho công nghiệp sản xuất giấy hơn 200.000 tấn dăm gỗ… Trên lĩnh vực du lịch, Hội An được nhiều giải thưởng, bình chọn ấn tượng của nhiều tổ chức quốc tế và khách du lịch. Việc phát triển du lịch của chúng ta cũng thể hiện rõ mục tiêu phát triển bền vững khi chú trọng đến du lịch sinh thái, kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường; cộng đồng địa phương cùng làm, hưởng lợi từ du lịch…

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức hải và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh dự lễ khánh thành công trình cầu Gò Nổi (Điện Bàn) ngày 4.9.2013.                                                                               Ảnh: CÔNG TÚ
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức hải và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh dự lễ khánh thành công trình cầu Gò Nổi (Điện Bàn) ngày 4.9.2013. Ảnh: CÔNG TÚ

Những năm trước đây, trong quá trình thu hút đầu tư, có những dự án chưa được thẩm định kỹ trước khi cấp phép, nên vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường, như trong công nghiệp luyện thép; hay xả thải nước độc hại chưa qua xử lý ra môi trường như vụ việc xả ra ở Nhà máy Cồn ethanol, xả thải từ các cơ sở chế biến thủy sản; tình trạng khai thác vàng trái phép ở miền núi; nhất là tác hại của môi trường do thủy điện gây nên; vấn đề nuôi tôm thiếu kiểm soát… Việc phát triển cây cao su dẫu đang có chiều hướng tốt nhưng nếu thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến tình trạng phá rừng bừa bãi, trồng không theo quy hoạch…

Phát huy truyền thống vùng đất mở
Trong quá khứ, Quảng Nam là một vùng đất trù phú với nhiều sản vật, nhiều tiềm năng về kinh tế; cũng là vùng đất mở trong mối liên hệ giao thương với các địa phương khác. Thương cảng Hội An ngoài việc đóng vai trò quan trọng trong phát triển thương mại như một của khẩu, còn có ý nghĩa lớn đối với việc thúc đẩy phát triển thương mại nội tại. Cạnh đó, trong phong trào Duy Tân, các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng,  cùng với khai dân trí còn khuyến khích nhân dân lập hội buôn, phát triển hoạt động kinh doanh, buôn bán. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, những vùng căn cứ tự do của ta đã chủ động phát triển phong trào tăng gia sản xuất, tự cung cấp lương thực, không trông chờ sự chi viện từ Trung ương. Sau giải phóng, Quảng Nam – Đà Nẵng cũng là địa phương đi đầu trong nhiều lĩnh vực. Nên phát triển thương mại để hội nhập là điều tất yếu. Do vậy, Đảng bộ tỉnh đã chọn đột phá trong phát triển kinh tế mở Chu Lai; lấy ngành du lịch – dịch vụ làm mũi nhọn; trăn trở, tìm tòi để chuyển dịch cơ cấu lao động từ một nền nông nghiệp chủ đạo sang công nghiệp - dịch vụ.
Quảng Nam có hạn chế là thị trường nội tại nhỏ, liên kết khu vực yếu, mức thu nhập và sức mua  của  nhân dân còn thấp. Chúng ta có cảng biển, nhưng việc tổ chức tuyến hàng hải khó vì lượng hàng hóa không cao. Cạnh đó, các sản phẩm truyền thống như quế Trà My, sâm Ngọc Linh, tiêu Tiên Phước chưa đủ số lượng lớn và chế biến sâu để cung cấp cho thị trường; nông nghiệp cũng chưa có sản phẩm đặc trưng; chưa có nhà sản xuất lớn kết nối với nông dân địa phương. Để ra “chợ” lớn, Quảng Nam cần tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn, tận dụng yếu tố lao động dồi dào cùng với một cơ chế ưu đãi vượt trội; tận dụng ưu thế của vùng đất mở trong phát triển thương mại. Cũng nên đặt vấn đề vì sao lĩnh vực thương mại của Quảng Nam chưa mạnh, trong khi du lịch lại rất thành công? Có lẽ đó là vì chúng ta biết kế thừa, khai thác thương hiệu du lịch vốn có, tận dụng lợi thế hai di sản thế giới, cũng như đa dạng loại hình du lịch, tiềm năng du lịch biển. Việc phát triển, hội nhập thương mại cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ Nhà nước, kết nối khu vực và cả nước… Lúc này, nghĩ đến một sân chơi bình đẳng là không thực tế.

(Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải)

*Vừa qua,  Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 17 đã khẳng định, sau  3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Quảng Nam đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, nhất là kết quả thực hiện 3 mũi đột phá của tỉnh. Với mục tiêu phát triển bền vững, thời gian tới, cần tập trung những giải pháp nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đức Hải:  Kiên trì các mục tiêu phát triển bền vững, Quảng Nam tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp theo các mũi đột phá đã xác định là phát triển đồng bộ hạ tầng, thu hút đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cạnh đó tăng nguồn thu ngân sách từ phát triển kinh tế. Trong nửa nhiệm kỳ qua, từ nhiều nguồn lực, Quảng Nam đã hoàn thành và đang mở rộng hàng trăm kilômét quốc lộ, hàng ngàn kilômét giao thông nông thôn, xúc tiến dự án đường cao tốc qua Quảng Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, rút ngắn thời gian đi lại, liên kết các khu vực, giảm tai nạn giao thông, tạo tiền đề quan trọng để phát triển nông thôn mới. Hiệu quả lớn nhất trong lĩnh vực xã hội là đầu tư mạnh vào hệ thống y tế, giáo dục, trong đó đã hoàn thành việc nâng cấp các bệnh viện tuyến tỉnh, xây dựng, sử dụng hiệu quả Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam; phát triển ổn định các trường chuyên chất lượng cao, các trường cao đẳng, đại học của tỉnh… Một thành công của Quảng Nam cần phải kể đến là đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong nước để tạo đột phá phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, các tầng lớp dân doanh, doanh nghiệp tại chỗ, tạo điều kiện thuận lợi hơn để họ phát triển, hội nhập. Có thể nói, Chu Lai là một điển hình thành công của cả nước về mô hình khu công nghiệp, thu hút đầu tư, đó là một khu kinh tế có cảng biển, sân bay và vùng du lịch ven biển phía nam Quảng Nam. Hay Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc cũng là một điển hình thành công, chúng ta sắp hoàn thành đưa vào sử dụng hệ thống trạm xá khu công nghiệp, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho hàng ngàn lao động, từng bước giải quyết các nhu cầu thiết yếu để phục vụ công nhân.

Quảng Nam cũng đã và đang quyết tâm thực hiện chiến lược lâu dài về con người; đặc biệt tập trung đào tạo, thu hút đội ngũ thầy giáo và thầy thuốc. Từ các đề án đào tạo cán bộ cấp xã, phường (đề án 500, 600) cho đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đều được triển khai có hiệu quả, nhiều cơ chế ưu đãi. Trong chiến lược đột phá nguồn nhân lực, tỉnh xác định yếu tố con người rất quan trọng, cần môi trường tốt để người tài làm việc và cống hiến; đồng thời không chỉ chú trọng thu hút người tài mà phải đào tạo từ khi ở nhà trường.

Vấn đề quan trọng trong phát triển bền vững của Quảng Nam là đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo, bên cạnh dành nguồn lực chăm lo an sinh xã hội. Việc xóa được 18.000 nhà tạm thời gian qua là kết quả rất đáng được ghi nhận, trong điều kiện của một địa phương khó khăn, các nguồn lực trong dân còn hạn chế.  Mục tiêu lâu dài hơn, căn bản trong chiến lược phát triển bền vững là làm sao khi xảy ra thiên tai, hàng ngàn người dân không phải đi sơ tán, phải đào hầm tránh bão, hay xây dựng chòi tránh lũ; người dân ở cạnh các khu công nghiệp, đô thị không phải lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội… mà cần được đảm bảo một cuộc sống no đủ, yên ổn, công bằng và hạnh phúc.

 Xin cảm ơn đồng chí.

DOÃN THÀNH TRÍ (thực hiện)

DOÃN THÀNH TRÍ (thực hiện)