Sinh viên nghèo trọ học ở phố

THIÊN ÂN 24/01/2014 13:46

Hiện nay, trên địa bàn TP.Tam Kỳ, ngoài trường Đại học Quảng Nam còn có các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp với số lượng sinh viên rất đông, trong đó có không ít sinh viên nghèo phải xoay xở chuyện ăn ở để theo học...

Bữa cơm đạm bạc của sinh viên nghèo. Ảnh: T.A
Bữa cơm đạm bạc của sinh viên nghèo. Ảnh: T.A

Gần như trường đại học, cao đẳng nào cũng có khu ký túc xá cho sinh viên. Riêng trường Đại học Quảng Nam có 5 khu ký túc xá với gần 1.500 sinh viên lưu trú. Bạn Vũ Thanh Huyền tâm sự: “Khi vừa vào đây đi học em không quen ai, ra ngoài ở trọ một mình vừa tốn kém, vì mỗi phòng bây giờ ít nhất 500.000đ/tháng, em còn phải sắm vật dụng như một gia đình. Ở ký túc xá ban đầu lạ lẫm nhưng dần dần các bạn cùng hòa đồng, quan tâm đến nhau hơn nên em cũng bớt nhớ nhà và biết tự lo cho bản thân”. Tuy nhiên, ở ký túc xá cũng có nhiều bất cập, vào mùa thi, việc học tập không được tập trung vì nhiều người ở chung một phòng. Và đặc biệt là nhà trường không cho nấu ăn, ra ngoài ăn quán lại tốn kém đối với sinh viên nghèo. “Mỗi ngày ăn quán mất ít nhất 30.000 đồng, mỗi tháng mất cả triệu đồng. Cha mẹ làm nông ở quê làm sao chu cấp cho xuể để con cái theo học nơi phố thị suốt bốn năm ròng?” - Bạn Phan Tố Ly quê huyện Bắc Trà My tâm sự.

Đó là nguyên do khiến nhiều sinh viên nghèo tìm phòng trọ vừa túi tiền để thuê ở, dù tiền trọ có chênh hơn so với ký túc xá nhưng các bạn tự do nấu nướng, ăn uống tùy theo hoàn cảnh kinh tế của gia đình mình. Để trả tiền thuê phòng trọ thấp nhất, các bạn chọn bạn ở cùng. Thường mỗi phòng có hai đến ba bạn sinh viên, nhưng cũng có những phòng đến năm, sáu người ở chung.  Bạn Lê Thị Ngọc Hoa, huyện Điện Bàn, ở chung phòng rộng chừng 15m2 với 4 bạn khác. Hai chiếc giường nhỏ đã chiếm gần hết diện tích, trong phòng mỗi bạn ngồi ăn cơm một chỗ, hỏi ra mới biết ba người ở chung nhưng nấu ăn riêng. Hoa tâm sự: “Phòng em lâu nay vẫn vậy, gia đình bạn nào cũng khó khăn, ăn riêng thế này không hay cho lắm nhưng biết làm sao được, khi có bạn không quen ăn uống kham khổ như mình. Chỉ lâu lâu, 4 người mới góp tiền nấu ăn một bữa cơm chung...”.

Bạn Hà Thị Thảo quê huyện Nông Sơn, hiện là sinh viên khoa Ngữ văn K11, trường Đại học Quảng Nam, cho hay: “Mình đi học được cũng nhờ sự tần tảo của mẹ, ba bị bệnh tim, của cải trong nhà đã bán hết. Khi ba qua đời, mình mẹ lo cho 6 anh chị em đi học, vì vậy mình cố phấn đấu để có được học bổng, nhằm đỡ đần giúp mẹ phần nào”. Điều đáng buồn là Thảo cũng bị bệnh tim, sức khỏe yếu, lại phải tiết kiệm chi tiêu tối đa, thật tội. Mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng bạn Lê Thị Vân ở huyện Nông Sơn vẫn ngày ngày đi làm thêm để có tiền tiếp tục theo đuổi ước mơ đến trường. Còn bạn Vũ Thanh Huyền tâm sự: “Học tập ở TP.Tam Kỳ, lúc nào mình cũng nhớ nhà. Chủ nhật hay ngày nghỉ lễ, mình muốn về thăm gia đình nhưng tiền xe đi lại tốn kém, đành ở lại trường”.

Trò chuyện với các bạn sinh viên nghèo trọ học ở TP.Tam Kỳ, rất vui là hầu hết các bạn đều cố gắng khắc phục khó khăn, tập trung học hành để đạt được kết quả thật tốt. Bạn nào cũng nuôi dưỡng ước mơ khi tốt nghiệp ra trường, tìm kiếm công việc làm phù hợp để chăm sóc mẹ cha đã vì con cái khổ cực trăm bề. Đó là hoài bão khiến nhiều người vững tin ở các bạn sinh viên nghèo...

THIÊN ÂN

THIÊN ÂN