Người nghèo sắm tết
Trong khi người giàu có chọn siêu thị, cửa hàng, cửa hiệu để mua sắm tết, thì người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn cũng cố gắng sắm sửa một cái tết sao cho thật ấm cúng, tươm tất theo cách của mình.
Chị Tuyết (Bà Bầu, Núi Thành) bán hành kiệu để có tiền sắm tết. Ảnh: C.N |
Bê rổ đậu tây và mấy bó cải trên tay, bà Trần Thị Xuân ở Hòa Hương, (TP.Tam Kỳ) loay hoay tìm chỗ ngồi ở góc chợ Hòa Hương. Bà Xuân chỉ có hai vợ chồng già, con cái đã lập gia đình hết nhưng đứa nào cũng khó khăn nên không giúp đỡ được gì cho cha mẹ. May nhờ có đất vườn rộng, trồng được mấy luống cải, rau thơm... nên mỗi ngày hái bán cũng được vài ba chục nghìn đồng. Khi được hỏi bà đã sắm gì cho tết chưa, bà Xuân cười nói, già rồi, chẳng cần sắm sửa nhiều. “Vợ chồng tui có ăn uống bao nhiêu mà lo tết nhứt, mỗi ngày bán mấy bó cải chỉ đủ ăn uống và mua thuốc thấp khớp cho ổng. Nhưng dù gì thì ngày tết cũng phải lo mua vài ký thịt, bánh trái, hương đèn hoa quả làm mâm cơm cúng rước ông bà... Người sống thì răng cũng được, còn ông bà phải lo chu đáo không thì áy náy trong lòng...” - bà Xuân nói thêm.
Với quan niệm “nghèo cũng ba ngày tết, hết cũng ba ngày mùa” nên ai cũng cố vun vén, sắm sửa, nhất là các khoản dành cho con cái. Chị Trần Thị Minh Duyên ở Quế Xuân 1 (Quế Sơn), sau khi bán được bầy gà, chị ghé chợ Bà Rén mua đồ mới cho 2 đứa con. Chị Duyên chia sẻ: “Nhờ nuôi được heo, gà nên tôi đã sắm bánh mứt cũng kha khá, đủ để đãi khách và cho mấy đứa con. Tết này tôi chia vài ba ký thịt heo ở hàng xóm, nhà lại sẵn nếp thơm, tôi gói bánh tét, bánh rò. Từ nay tới tết chủ yếu lo mâm cúng ông bà cho tươm tất nữa là được. Còn chị Huỳnh Thị Dân từ Tiên Ngọc (Tiên Phước) xuống chợ Tam Kỳ bán mấy buồng chuối nai, mấy bó lá dứa, chè tươi..., rồi ghé vào gian hàng bán áo quần trẻ em ở vỉa hè mua áo quần mới cho con. Chị Dân cho biết: “Bán mấy thứ trồng trong vườn nhà, tiện thể mua sắm mấy thứ cho ngày tết. Còn áo quần cho con, mua toàn đồ giá rẻ nhưng tính ra cũng hết vài trăm nghìn đồng. Tết có áo quần mới là sắp nhỏ vui rồi”.
Tháng chạp này, chị Nguyễn Thị Tuyết ở Tam Xuân (Núi Thành) làm đồng vào buổi chiều, còn buổi sáng tranh thủ chạy chợ. Chị bày bán kiệu, cà rốt, khoai lang... trên tấm ni lông ở một góc chợ. Tuy nhiên, năm nay trời mưa dai dẳng, ít người làm dưa món nên hàng của chị không đắt khách lắm. Khi được hỏi đã sắm gì cho Tết Nguyên đán sắp tới chưa, chị Tuyết cười buồn, nói: “Mấy bữa ni chưa có thời gian lo tết, phải tranh thủ bán hàng để kiếm vài chục nghìn đồng mỗi ngày. Chắc áp tết mới mua đồ thờ cúng và áo quần cho con cái vui với bạn bè. Quần áo bán dọc vỉa hè cũng rẻ, chỉ mấy chục nghìn là sắm được một đồ mới cho con”. Cùng cảnh ngộ là chị Lan ở Tam Phú (Tam Kỳ). Chiều chiều, chị Lan lên nổng cát ở Tam Phú hốt cát trắng rồi rửa, rang khô để sáng hôm sau đi bán với giá 1.000đ/ lon cát. Từ tiền bán cát, mỗi ngày chị mua ít đồ để dành cho tết. Hôm thì mua mấy nén hương, bữa thì mua vài ký đậu, ký kiệu, hành... Chị Lan cho biết, chị cũng mua nguyên liệu về và tự làm bánh mứt. “Mình ít tiền nên cũng tìm cách để sắm một cái tết đầy đủ nhưng ít tốn kém nhất” - chị Lan tâm sự.
Còn nhiều phụ nữ nghèo ở các vùng nông thôn trong tỉnh cũng tìm cách xoay xở bằng cách thu hoạch rau dưa, bầu bí, hoa quả... đem ra chợ bán lấy tiền mua sắm để gia đình đón xuân vui tết cổ truyền và đãi đằng khách khứa đến chơi nhà nhân đầu năm mới...
CHÂU NỮ