Ngày xuân, nghĩ về công danh, sự nghiệp

PHẠM NGỌC PHÚC 24/01/2014 09:19

Qua thực tế này, tôi mong bạn đọc trẻ tuổi của Báo Quảng Nam hãy cố nhớ rằng đi học để không chỉ kiếm miếng cơm manh áo mà cái quan trọng hơn là đi học để mong có một sự nghiệp.

GS-TS dịch giả Ahn Kyong Hwan.
GS-TS dịch giả Ahn Kyong Hwan.

Từ vùng đất “phên giậu của Tổ quốc”, từng bước, Quảng Nam được xem là vùng đất học với nhiều vị khoa bảng sự nghiệp lớn lao mà con dân xứ Quảng thời nào cũng tự hào, như: Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng… Lớp người sau, như: Phan Khôi, Lê Trí Viễn, Hoàng Tụy… Bây giờ, con dân xứ Quảng không thiếu những người có học hàm, học vị trong và ngoài nước. Nhân dịp xuân về tết đến, tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc báo Quảng Nam một tấm gương hiếu học người nước ngoài mà tôi quen biết, những mong góp được chút gì đó trong hành trang vào đời của các bạn trẻ.

Người hiếu học

Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, tôi thường đến trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn (KHXH&NV) TP.Hồ Chí Minh, trò chuyện với anh em về chuyện dạy và học. Những ngày ấy, tôi hay gặp một thanh niên người Hàn Quốc khoảng hơn 30 tuổi, rất lễ phép. Gặp ai, anh cũng cười và chào hỏi bằng tiếng Việt chưa chuẩn lắm. PGS-TS. Nguyễn Quang Điển - Hiệu trưởng nhà trường cho biết anh ta là học viên cao học của trường. Một lần, anh Trần Chút, chuyên gia ngôn ngữ, Trưởng phòng Đào tạo, giới thiệu người thanh niên ấy với tôi. Anh tên là Ahn Kyong Hwan, đang làm luận văn cao học với đề tài “Trật tự từ trong tiếng Hàn so sánh với tiếng Việt”.

Sau nhiều lần gặp gỡ và trò chuyện, tôi biết anh cũng như nhiều thanh niên khác ở Việt Nam xuất thân từ gia đình nông dân không mấy khá giả. Anh cũng như tôi và bạn bè cùng lứa, cố gắng học những mong được đổi đời. Năm 1974, sinh viên Ahn Kyong Hwan tốt nghiệp đại học. Khi Việt Nam đổi mới, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc tìm cơ hội vào làm ăn. Và đây cũng là cơ hội với Ahn Kyong Hwan. Anh ôn luyện tiếng Việt, và năm 1989, nhờ “biết” tiếng Việt, anh được Tập đoàn Hyundai tuyển chọn làm giám đốc chi nhánh Việt Nam. Ngày đó, tiếng Việt đối với anh cũng chỉ là “cần câu cơm”, nhưng từng bước, qua tiếp xúc với thầy cô, bạn bè người Việt Nam, anh yêu tiếng Việt, yêu văn hóa Việt. Sẵn dịp đang công tác ở Việt Nam, anh không chỉ học cao học mà chuyển tiếp học luôn nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành ngôn ngữ so sánh tại trường Đại học KHXH&NV TP.Hồ Chí Minh (năm 1996).

Nỗ lực tự thân

Cầm bằng tiến sĩ ngôn ngữ trong tay, anh ước mơ vào nghề dạy học. Và anh không chỉ trở thành thầy giáo mà còn là người khai sinh ra khoa Tiếng Việt ở hai trường đại học lớn của Hàn Quốc (Đại học Chosun và Đại học Young Sam). Mỗi lần sang Việt Nam, anh thường thăm các thầy, cô giáo đã dạy, giúp đỡ mình và cũng thường có tôi. Anh kể vui, hồi năm 2008, khi thuyết phục trường Đại học Chosun mở chuyên ngành Understanding all Vietnam - Lý giải Việt Nam, nhà trường đề nghị anh ghi vào thỏa thuận “hễ ít sinh viên phải đóng cửa”. Sau 2 năm, anh đã đưa số sinh viên theo học khoa đó lên con số 600. Anh nói: “Thực ra, mình chẳng giỏi gì, song nhờ nỗ lực bản thân và quan hệ hai nước Hàn Quốc - Việt Nam đã nâng lên tầm cao mới, nên sinh viên Hàn Quốc thấy tiếng Việt cũng là ngoại ngữ cần thiết”. Nhưng chỉ làm “thợ dạy”, anh thấy cũng tiếc cho sự học của mình, nhất là khi học cao học và nghiên cứu sinh ở TP.Hồ Chí Minh. Mấy câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên anh rất lớn: “Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân/ Nghĩ mình trong bước gian truân/ Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”. Và anh dịch cuốn “Ngục trung nhật ký” của Hồ Chí Minh, dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du, dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm, dịch Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, anh có viết bài về Đại tướng. Anh nắm rất chắc từng chặng đường hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong bài viết có mấy câu rất có tình: “Bí quyết chiến thắng của người yếu là từ chối quy tắc của người mạnh và hoàn toàn sử dụng chiến lược sáng tạo mới. Việt Nam chiến thắng Mỹ trong chiến tranh chính là Việt Nam hiểu được những hạn chế của mình. Để khắc phục điều này, Việt Nam đã có các chiến lược quân sự, cũng có thể gọi là chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiến lược của Tướng Võ Nguyên Giáp”, hoặc “Nghiên cứu về Tướng Giáp, một vị tướng văn võ song toàn, tài đức toàn vẹn, không có từ “chiến bại” sẽ luôn là đề tài cho các chiến lược gia quân sự, các nhà nghiên cứu của Việt Nam và thế giới cho đến mãi về sau”.

Nhật ký trong tù, Truyện Kiều và Nhật ký Đặng Thùy Trâm do Ahn Kyong Hwan dịch sang tiếng Hàn.
Nhật ký trong tù, Truyện Kiều và Nhật ký Đặng Thùy Trâm do Ahn Kyong Hwan dịch sang tiếng Hàn.

Khi được hỏi vì sao, anh chọn dịch những tác phẩm ấy, Ahn Kyong Hwan cười lành, nói: “Không biết về Hồ Chí Minh là không biết tư tưởng Việt Nam. Không biết về Truyện Kiều là không biết văn hóa Việt Nam. Không biết Nhật ký Đặng Thùy Trâm là không biết người Việt Nam bình thường nhất cũng anh hùng như thế nào. Không biết Những năm tháng không thể nào quên là không biết hết sức mạnh Việt Nam”. Suy nghĩ đơn giản, song tôi tin không phải người trẻ tuổi xứ Quảng mình đều biết như thế.

Tinh thần hiếu học và quyết tâm với sự nghiệp

Bây giờ, người thanh niên tôi gặp ngày nào đã là GS-TS. Ahn Kyong Hwan, là dịch giả có tiếng tăm, là “đại sứ văn hóa Việt Nam” tại Hàn Quốc. Qua những việc làm cụ thể của anh, Nhà nước Việt Nam đã trao tặng cho anh Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa của Bộ Văn hóa - Thông tin (năm 2003), Huy chương Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam (năm 2004), bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2004)… Tinh thần hiếu học và quyết tâm với sự nghiệp của GS-TS. Ahn Kyong Hwan, tôi nghĩ là bài học quý và để thấy không chỉ dân tộc ta, xứ Quảng ta mới có những người hiếu học, mới có người hiểu rõ công danh, sự nghiệp như thế. Là con dân xứ Quảng, tôi thấy bà con mình, nhất là lớp trẻ chưa phân biệt được công danh và sự nghiệp. Từ khi ông cha ta mở khoa thi kén chọn nhân tài, đến nay bà con mình cho con đi học, động viên con học, tạo điều kiện thuận lợi nhất để con được đến trường… chỉ nghĩ đến đường công danh, không mấy ai nghĩ đến cái sự nghiệp. Vì cứ nghĩ đến đường công danh nên chúng ta hiện đang thừa thầy thiếu thợ, mà thầy cũng chẳng ra thầy, thợ cũng không ra thợ, dẫu người dân Quảng Nam ta không ai không biết “Trâu ruộng bộn bề không bằng cái nghề trong tay”, hoặc “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”… Bà con ta bao đời qua đều nghĩ học để kiếm cơm. Điều ấy không sai, nhưng lớp trẻ cần phải biết rằng cái công danh kiếm cơm không dành chiếm cả trí não; phải sáng suốt thấy cái công danh kiếm cơm nó ở vào bậc dưới cùng của thang giá trị; phải nghĩ đến sự sáng tạo một cái gì đó, làm một cái gì đó, để lại một thành tích khả quan nào đó nhằm góp phần đưa quê ta, đất nước ta “sánh vai cùng với các cường quốc năm châu”, nghĩa là ta phải nghĩ đến sự nghiệp vậy.

Nếu chàng trai Ahn Kyong Hwan mà tôi gặp ngày nào bằng lòng với vốn tiếng Việt lưng lửng đủ để “câu cơm” thế là “oách” rồi, hoặc bằng lòng với tấm bằng tiến sĩ, về nước làm anh “thợ dạy” như bao thợ dạy khác trên đất nước Hàn Quốc cũng đã oai, nhưng anh không chịu dừng lại ở đó. Bây giờ, người đọc Hàn Quốc biết đến văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam qua dịch giả Ahn Kyong Hwan, và người đọc Việt Nam biết đến truyện Mong Sil của nhà văn Kwon Jeong Saeng (NXB Trẻ, TPHCM, 5-2007) do anh chuyển ngữ từ tiếng Hàn sang tiếng Việt… Nói đến Ahn Kyong Hwan, bạn đọc người Hàn Quốc và người Việt Nam biết đến dịch giả Ahn Kyong Hwan, hơn là GS-TS. Ahn Kyong Hwan. Qua thực tế này, tôi mong bạn đọc trẻ tuổi của Báo Quảng Nam hãy cố nhớ rằng đi học để không chỉ kiếm miếng cơm manh áo mà cái quan trọng hơn là đi học để mong có một sự nghiệp.

PHẠM NGỌC PHÚC

PHẠM NGỌC PHÚC