Tết Ông Táo

NGUYỄN ĐỨC MINH 22/01/2014 15:56

(QNO) - Tên vị thần trong nhà chuyên coi sóc việc bếp núc có tên đầy đủ là ĐÔNG TRÙ TƯ MỆNH CỬU LINH NGUYÊN VƯƠNG ĐỊNH PHƯỚC THẦN QUÂN và được cư dân Việt gọi tắt ngắn gọn Ông Táo.

Sự tích Ông Táo theo các sách Tàu thì có đến gần 30 cách chép khác nhau. Người Việt thì lại truyền tụng theo cách riêng của mình rằng Ông Táo gồm hai ông một bà, chuyện rằng Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao đánh vợ. Vì quá đau trước bạo hành của chồng, Thị Nhi bỏ nhà ra đi. May mắn được gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Trọng Cao sau đó hối hận, nghĩ lại thấy có lỗi nên đi tìm vợ. Khi tiền bạc hết, Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Rồi Trọng Cao cũng tìm được đến  nhà Thị Nhi. Hai bên nhận ra nhau, Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, cảm nhận được tấm lòng chồng, Thị Nhi tỏ ra ân hận. Khi Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao ngay chính ngôi nhà của vợ chồng mình thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao núp trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Lửa cháy quá lớn nhưng Trọng Cao muốn giữ danh tiết cho vợ cũ, không dám chui ra đành chịu chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết do mình nên xúc động nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang thấy vợ chết, đau xót quá cũng nhảy vào đống rơm đang cháy để cùng chết theo vợ. Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Cảm động trước nghĩa cử của ba người, Thượng Đế sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân (定福灶君), cử mỗi người một việc. Thổ Công, trông coi việc bếp, giao Phạm Lang, gọi là Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân. Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa, giao Trọng Cao, gọi là Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần. Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa, giao Thị Nhi, gọi là Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.

Theo quan điểm của người Việt thì Ông Táo vừa là Thần bếp trong nhà, vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu, tức theo dõi phẩm hạnh từng con người trong nhà đã làm trong năm cũ. Ông Táo là vị Thần bảo hộ, định đoạt phước đức cho gia đình nên rất quan trọng.

Hàng năm, vào đêm khuya ngày 22 tháng Chạp, bước vào giờ Tý tức đầu ngày 23, theo phong tục người Hội An, mọi gia đình đều làm lễ cúng tiễn Ông Táo, nếu cấn việc thường cúng trước 12 giờ trưa ngày 23 vì để đến đêm 23 thì Ông Táo đã đi rồi. Lễ cúng ngoài hương, đèn, hoa quả, giấy tiền còn có bộ mũ, hia và ba con cá chép (cá chép thật hoặc cá chép làm bằng giấy kèm theo cỗ mũ). Sự phân biệt giữa mũ Táo Ông và Táo Bà là có hoặc không cánh chuồn. Mũ được gắn các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyến màu sắc sặc sỡ. Nhà nghèo sắm một mũ, một cặp hia là đủ. Cá chép chở Ông Táo bay lên, vượt qua Vũ Môn vào Thiên đình tâu Ngọc Hoàng.

Sau lễ cúng mũ, áo, hia, và một số vàng thoi bằng giấy sẽ được đốt đi cùng với bài vị cũ. Bài vị mới cho Táo Quân được ngay ngày hôm sau. Những gia đình thờ Phật thường cúng lễ chay. Lễ vật thường là nước trà, rượu trắng, trầu cau, hoa, quả, xôi, chè, giấy vàng, giấy bạc…Đặc biệt người ta thường chú ý các phẩm vật vừa ngọt vừa dẻo như dưa hấu, xôi chè, kẹo bánh ngọt, kẹo mạch nha, đường bát chặt miếng …Dụng ý là để cho thức ăn còn dính vào miệng của ông Táo, khi Táo Thần về trời chỉ tâu những điều tốt lành “ngọt ngào”. Đến đêm Giao Thừa khi cúng Trừ Tịch và cung nghinh Hành Khiển thì cũng đồng thời đón Ông Táo về lại nhà mình.

Táo Quân là vị thần gần gũi và rất quan trọng trong gia đình, việc thờ phụng phải cẩn trọng, cúng bái hương khói thành tâm. Bàn thờ Táo Quân thường đặt theo hướng nhà và mệnh chủ nhà, phải khang trang, cao hơn đầu người. Như vậy mới mong được Ngài Định Phước Táo Quân phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình bình an mạnh khỏe, an khang phước thọ.

Lễ cúng tiễn Ông Táo được coi là khởi đầu cho các công việc đón Tết Nguyên Đán. Sau ngày này người ta tập trung dọn dẹp nhà cửa, trang trí phòng khách, bàn thờ Gia Tiên và vệ sinh bếp núc…Nếu Tết Nguyên Đán là dịp Lễ Trọng cùng đi với hàng loạt các tập tục kiêng cữ trong đời người thì Tết Ông Táo có ý nghĩa dẫn dắt một trình tự chuyển hóa giữa cái bình thường với cái trang trọng, giữa cuộc sống dung dị với những gò bó khắt khe để rồi sẽ có dịp vỡ òa trong vui Xuân, thưởng thức thấm thía giá trị nhân sinh đồng hành với bản ngã con người.  

Việc thờ cúng và làm Lễ tiễn Ông Táo hay Tết Ông Công xuất phát từ lễ thức nông nghiệp nhưng đã chuyển hóa thành một phong tục tốt đẹp đang được lưu truyền trong dân gian. Người Hội An thường trang trọng tổ chức cúng Ông Táo trong gia đình mình như một sự nhắc nhở mọi thành viên cần ăn ở phước đức mới được gặp may mắn, mạnh khỏe, dồi dào tài lộc. Họ quan niệm trên đầu trên cổ mình thường xuyên có các vị thần giám sát. Nhân nào quả nấy, ác giả ác báo, muốn hạnh phúc suôn sẻ phải sống lương thiện, sống có thủy có chung, thành tâm thành ý, làm nhiều việc thiện. Tuy thế, “sảy chân không bằng sảy miệng”, để phòng xa sự lỡ miệng ấy của Ông Táo cũng như của con người trong cuộc sống đời thường, người Hội An còn có những biện pháp phòng ngừa bộc lộ tính chu đáo, biết lo xa. Vì vậy, việc thờ cúng Ông Táo mang nặng yếu tố nhân văn, giáo dục kết nối cộng đồng và thể hiện nhân bản một cách sâu sắc nhất.

NGUYỄN ĐỨC MINH

NGUYỄN ĐỨC MINH