Đừng chủ quan khi mắc cổ

BS. CK2 TRẦN GIÁM (Trưởng khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam) 22/01/2014 11:35

Dân gian có câu: “Mắc xương gà - sa cành khế” để nhắc cho mọi người biết rằng đây là 2 tai nạn rất nguy hiểm có thể dẫn đến chết người. Mắc cổ rất phổ biến, nhưng không đơn giản.

Ngày nay, y học đã dùng ống soi trực tiếp để lấy dị vật ra, do đó tỷ lệ tử vong giảm xuống rất nhiều. Dị vật là từ thường dùng trong chuyên khoa Tai Mũi Họng. Dị vật mà người bệnh thường mắc phải rất đa dạng: Xương gà, cá, vịt, heo, bò, răng giả, đinh, tăm, đồng xu, vỉ thuốc… Trong đó nhiều nhất vẫn là xương cá, chiếm trên 70%. Ngoài ra, còn có những hạt: dưa, đậu, hạt trái cây rất nguy hiểm vì có thể lọt vào khí, phế quản gây tử vong. Tình trạng hóc xảy ra ở 2 đường:

Dùng ống soi trực tiếp để gắp dị vật mắc trong cổ họng.                                                                                                                                                              Ảnh: A.T
Dùng ống soi trực tiếp để gắp dị vật mắc trong cổ họng. Ảnh: A.T

 - Vào đường ăn: từ họng vào thực quản xuống dạ dày.

 - Vào đường thở: từ họng vào thanh quản xuống khí quản vào phổi. Dị vật nhỏ nếu vào khí quản sẽ gây ho sặc sụa, tím tái, khó thở. Dị vật lớn có thể mắc lại ở thanh quản gây ngạt thở chết ngay nếu không cấp cứu kịp thời.

Riêng về hóc xương, nếu xương nhỏ thường mắc từ họng đến miệng thực quản, xương lớn có thể vào thực quản và mắc lại ở đó gây nuốt đau, nuốt vướng, tức ngực, không nuốt được.

Khổ một điều, nhân dân ta quan niệm rằng mắc cổ là háu ăn, là điều đáng xấu hổ, nên lỡ bị mắc cổ thường e ngại, không dám đến cơ sở y tế mà cứ ở nhà chạy chữa đủ cách  từ dùng tay móc, ăn cơm trộng, rau sống, dùng mẹo, đẻ ngược cào… để tống xương đi nhưng làm sao được, đến lúc bệnh nhân ăn uống không được, sưng to vùng cổ, gia đình mới đưa đi bệnh viện, gây tốn kém nhiều và khó khăn cho các nhà chuyên môn, có khi tử vong.

Trong năm 2013, khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã tiếp nhận, điều trị nội và ngoại trú cho 115 trường hợp dị vật thực quản, người nhỏ nhất là 3 tuổi và già nhất là 86 tuổi. Những người hiểu biết, sau khi mắc cổ thì đến ngay bệnh viện lấy ra dễ dàng, ít tốn kém. Trái lại, một số không nhỏ lại đến muộn, cá biệt có người 10 ngày sau mới đến viện, gây khó khăn trong điều trị, tốn kém về kinh tế.

Hóc dị vật hay mắc cổ là bệnh cấp cứu tai - mũi - họng, càng tránh được càng hay. Cứ đến dịp lễ hội, tết, ngày nghỉ, tình trạng hóc dị vật lại tăng lên. Tết Giáp Ngọ đã đến gần, chúng tôi những người làm công tác chuyên môn có lời kết cho bài này là hãy cẩn trọng khi ăn uống và nếu chẳng may bị hóc hãy đến sớm tại bệnh viện để kịp thời xử lý. Cũng đừng vì thiếu thận trọng, thiếu hiểu biết mà phải khổ thêm vì mắc cổ.

 BS. CK2 TRẦN GIÁM
(Trưởng khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam)

BS. CK2 TRẦN GIÁM (Trưởng khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam)