Nồng nàn hương bánh tết
(QNO) - Những ngày nắng chùng lại hờ hững giữa tiết trời se lạnh cuối năm báo hiệu Tết sắp về, làm người ta bồn chồn và nôn nao đến lạ. Giữa cái không khí đó, lại nghe một chút xôn xao, ồn ã vang lên khắp xóm nhỏ. Mùa bánh mứt Tết bắt đầu như thế.
Mứt dừa. Ảnh: internet |
Trong kí ức của tôi, mùa mứt Tết về là khi mùi đường cô đặc ngọt ngào vây quyện. Nguyên liệu làm mứt dễ tìm, đa phần là sẵn có: đôi ba quả dừa vừa dày cơm đúng độ hái từ từ lúc cây dừa trước ngõ, là khóm gừng má trồng bên sân giếng, là cây quất trái vàng ươm lúc lĩu sau nhà...Ba chặt dừa non thật khéo để lạng được phần cơm dừa trắng thơm béo, má khéo léo đẩy dao thật ngọt để từng lát dừa mỏng tanh, dài lọn rơi dần xuống. Rửa dừa cho sạch dầu, ngâm đường, rồi ngào thật khéo trên lửa than sao cho miếng mứt cầm lên thanh mảnh, áo một lớp đường mịn thơm bên ngoài. Ngày bé, tôi thích nhất là được ngồi trên chiếc ghế con con giữa đông người chộn rộn ở sân sau, đợi ba chặt vát miệng quả dừa để nhâm nhi ly nước mát lành. Bọn trẻ con bao giờ cũng nhìn vào khay mứt đang hong một cách thòm thèm, nhiều khi được chia cho vài miếng ăn thử vẫn cứ cầm khư khư trong tay, hít hà vị ngọt thanh đang tỏa ra lãng đãng. Tuy vậy, tôi tuyệt nhiên không thích mứt gừng. Thứ mứt thơm cay nồng ấy không hợp với vị giác của một đứa trẻ quen thèm ngọt, nhưng lại hấp dẫn người lớn hơn cả trong những ngày Tết. Mỗi khi chế biến mứt gừng, mẹ và các chị tôi lại đặt lệnh cấm tôi bén mảng đến gần, vì hơi gừng nóng ran. Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân tôi hờn dỗi mứt gừng, như một kiểu nhõng nhẽo của trẻ nhỏ đeo dai dẵng suốt cả tuổi thơ và những ngày thành người lớn. Ấy là chưa nói tới mứt quất. Mứt quất, chao ôi là dẻo, chao ôi là thơm. Những cây quất sai quả quanh năm, chỉ cần chịu khó canh ngó một chút, tầm thời gian ngắn là đã thấy vàng rực cả vồng cây nhỏ. Chị tôi lấy kéo bấm những quả quất chín mọng sát cuống, từng quả, từng quả quất được ép lại thành hình bông hoa năm cánh, vàng tươi lác đác nổi lên giữa nền đường trắng. Đợi cho đường tan hết chị mới mang đi ngào, canh đúng lửa để lớp mứt vừa dẻo là cho một ít gừng bào vụn và chút muối vào. Trời gần Tết hay có mưa bụi, nhâm nhi tí mứt quất dẻo chua chua, ngọt ngọt, thoảng hương gừng thơm nồng nàn thì còn gì mà thích thú hơn.
Ngày Tết đến gần cũng đồng thời thúc giục những bà, những mẹ hối hả đổ túm nếp Hương Lân, thứ nếp đặc sản ở quê tôi mang đi nhà máy xay xát. Nếp Hương Lân được trồng rất kĩ càng, cuối tháng 10 âm lịch đã được thu hoạch và phơi khô mang cất. Đó là thứ nguyên liệu chính cho mùa Tết với bánh in, bánh da, bánh tét, bánh nổ đủ loại… Hạt nếp chà xát ra chắc căng, nổi bật một màu trắng sữa, thơm ngát từ trong nhà ra ngõ.
Những ngày giáp Tết, dạo chân quanh thị trấn nhỏ cứ một đoạn lại có chiếc chảo to khổng lồ dành riêng cho việc rang nếp, công đoạn không thể thiếu của nhiều loại bánh. Nếp rang xong sẽ đuợc xay thành bột thiệt mịn, phục vụ cho bánh in, bánh da, bánh tổ.. Muốn làm bánh nổ thì để nếp nguyên vỏ rồi đem đi rang cho nở bung đều, rồi sàng sẩy những hạt nếp nở xòe như bông hoa cho sạch trấu.
Nấu bánh chưng. Ảnh: Internet. |
Nhiều loại bánh, nhưng cái không khí đầm ấm vui vẻ khi cả nhà xúm xít nhồi bột bánh in in đậm trong kí ức của tôi nhất. Chừng 20 tháng Chạp, má tôi dậy thật sớm đem thau bột ra phơi sương ngoài sân để bột dịu đi. Trong nhà, ba đem ra mấy bát đường đen, thứ đường "rặt" quê của người dân Quảng rồi tỉ mẩn dùng dao cạo mỏng. Để có được bát đường "chuẩn" cho việc in bánh, má tôi đã cất công dặn dò bà hàng quen từ giữa tháng mười. Đường cạo xong thì bột cũng vừa ngấm sương, cả nhà xúm xít nhồi, hàng xóm đi qua cũng rẽ vào góp năm ba câu chuyện. Chị em tôi được ba mẹ giao nhiệm vụ xếp những chiếc bánh đã cứng cáp sau khi sấy trên miếng tôn mỏng đặt trên lò than vào nia, bưng ra sân phơi. Ngày nắng ráo, dọc xóm nhà nào cũng đầy nhóc những nia bánh phơi như thế. Những đứa trẻ háo hức chạy qua, chạy lại, lách người thật khéo để hít hà hương bánh đang lan tỏa, mắt sáng lên nghĩ tới những ngày tết vui vầy đầy niềm vui đang tới gần, rất gần.
Bánh làm từ nếp còn có cả bánh nổ, bánh lăn. Làm bánh lăn khá đơn giản, vẫn thứ bột ấy, mang nhào với đường thắng cho đều, cho dẻo rồi lăn lại thành từng đòn nhỏ khoảng tầm cổ tay, sau đó áo lên một ít bột khô quấn giấy báo lại. Trong khi đó, bánh nổ là sản phẩm của cả một quá trình kì công rang nếp thành hạt nổ bung, sau đó là giã dẹp rồi mới thắng đường đóng khung. Đừng tưởng chỉ có vậy, mẻ đường phải lựa từ những bát đường loại ngon, canh lửa thật chuẩn xác để khi đường vừa tới là có thể cho gừng vào. Khuôn bánh phải rải một lớp bột áo để không bị dính, nén bánh phải chặt tay, đồng thời đảm bảo được sự hòa quyện của các loại nguyên liệu với nhau thật đều đặn. Ngày nay, có nhiều nơi làm bánh nổ được sấy khô, ăn rất giòn và ngọt thanh thanh, nhưng kí ức tôi vẫn vương vấn vị ngọt đậm của đường, nồng nàn chút gừng và dẻo thơm hạt nếp bung. Hương vị ấy nhắc cho tôi nhớ một thời quyến luyến xưa cũ, với những bàn tay gầy guộc nhưng nhào nắn thau bột thật nhịp nhàng, làm dậy lên một chút tình thân thương và nồng ấm.
Những ngày cuối năm cũ trôi dần đi, mọi người quây quần bên bếp lửa bập bùng chất đầy những gốc củi khô to ụ, trên đặt nồi bánh tét, bánh chưng ùng ục sôi, ai cũng thấy vui chi lạ. Ánh lửa sáng lên sưởi ấm tâm hồn mình giữa mưa phùn phất phơ lạnh, giữa những nỗi lo vẫn còn quanh quẩn đâu đó về đủ thứ chuyện trên đời. Ai cũng bảo, chuẩn bị những ngày Tết vui hơn chơi Tết rất nhiều. Có lẽ là thế thật, bởi lẽ, giữa thời điểm chộn rộn lo toan nhất trong năm, cũng là lúc tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm vui vẻ và bền chặt nhất !
NHƯ HUYỀN