Đội Thông tin lưu động huyện Điện Bàn: Vượt khó để tồn tại

VĨNH LỘC 20/01/2014 08:31

Việc duy trì hoạt động của các đội văn nghệ thông tin lưu động thường nhận ý kiến trái chiều từ các cấp ngành địa phương trong tỉnh. Thực tế, nhiều nơi từ lâu đã không còn đội văn nghệ thông tin lưu động, khi có sự kiện chỉ cần thuê cộng tác viên. Còn với Đội Thông tin lưu động huyện Điện Bàn (gọi tắt là Đội), dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng không thể phủ nhận những đóng góp mà Đội đã mang lại cho cuộc sống tinh thần người dân quê các xã vùng xa trong huyện.

Một buổi biểu diễn tuyên truyền xây dựng nông thôn mới tại cơ sở của Đội Thông tin lưu động huyện Điện Bàn. Ảnh: V.LỘC
Một buổi biểu diễn tuyên truyền xây dựng nông thôn mới tại cơ sở của Đội Thông tin lưu động huyện Điện Bàn. Ảnh: V.LỘC

Gần gũi đời sống

Bà Thái Thị Hậu (thôn La Thọ 2, xã Điện Hòa) chăm chú ngồi xem vở kịch “Xây đường tương lai” do các diễn viên Đội Thông tin lưu động huyện Điện Bàn biểu diễn. Nội dung vở kịch nói về việc người dân hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới. Thỉnh thoảng bà Hậu lại mỉm cười gật gù tấm tắc: “Hay quá! Diễn cứ như thiệt”. Cũng như nhiều người dân trong thôn, bà Hậu không còn nhớ đây là lần thứ mấy được xem Đội biểu diễn, vì hầu như năm nào Đội cũng về Điện Hòa phục vụ bà con. Lúc thì tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình, khi thì tổ chức hô hát bài chòi, diễn kịch về nội dung phòng chống ma túy, mại dâm… Lần nào Đội thông tin huyện về diễn bà con trong thôn cũng í ơi gọi nhau đi xem. “Tôi thấy vở kịch mô của Đội thông tin lưu động cũng hay hết vì nó đúng như những chuyện ở quê mình” - bà Hậu nói.

Theo ông Nguyễn Tuấn Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Điện Bàn, Đội chỉ có 5 người, gồm 3 diễn viên, một nhạc công và một kỹ thuật âm thanh. Dù vậy, hết xã này đến xã khác, Đội vẫn miệt mài với các đêm biểu diễn dù quãng đường có khi lên đến 50km đi - về hay mưa nắng để mang đến cho người dân quê những phút giây thư giãn sau bao vất vả ruộng đồng. Mỗi năm, Đội tham gia biểu diễn tại cơ sở hơn 70 suất cùng hàng chục buổi tuyên truyền nhân các sự kiện…

Phía sau ánh đèn sân khấu

Để thu hút người xem, mỗi năm Đội thường xây dựng từ 1 đến 3 tiểu phẩm mới cùng hàng chục tiết mục ca múa nhạc. Theo chị Võ Thị Hà - diễn viên của Đội, hầu hết vở diễn luôn nhận được sự ủng hộ của người dân vì tính chân thực, gần gũi. Không chỉ vậy, nhiều vở diễn còn đạt được kết quả cao khi tham gia tranh tài tại các hội thi, liên hoan toàn tỉnh hàng năm. Riêng năm 2013, vở “Tự thú” của Đội đoạt giải B Hội thi Tuyên truyền phòng chống ma túy, mại dâm - HIV và vở “Xây đường tương lai” đoạt giải A toàn tỉnh Liên hoan Đưa thông tin về cơ sở. Nhưng mấy ai biết rằng, phía sau những thành công là không ít vất vả lo toan mà thành viên trong Đội phải vượt qua, dù chế độ, kinh phí hỗ trợ rất hạn chế. Ngoài tiền lương mỗi thành viên khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, tiền bồi dưỡng cho mỗi đêm diễn chỉ 80 nghìn đồng, trừ chi phí xăng xe, son phấn..., số tiền còn lại chẳng là bao. Đôi khi các diễn viên phải tự bỏ tiền túi ra mua sắm trang phục biểu diễn nên khoản thu nhập ít ỏi càng thêm teo tóp.

Ông Nguyễn Tuấn Linh còn cho biết, mỗi năm Đội chỉ được cấp 20 triệu đồng kinh phí hoạt động, nhưng tiền thuê biên kịch dựng một vở diễn mới đã ngốn hết 10 - 15 triệu đồng. Do đó, Trung tâm Văn hóa huyện chỉ còn cách kêu gọi sự phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan, địa phương nơi Đội đến diễn. “Nhờ vậy mà mỗi năm chúng tôi có thêm khoản tiền để hỗ trợ thêm anh em và thuê dựng vở mới, chứ trông vào nguồn kinh phí nhà nước thì khó khăn lắm” - ông Linh chia sẻ.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC