Cái ống tre
Thế hệ chúng tôi - những cậu bé nhà quê - con heo đất chính là cái ống tre.
Đã đơn giản lại đỡ phần tốn kém. Chỉ cần cưa xéo phía dưới mắt tre của một cây cột mầm bên vách lá, sâu vào gần nửa thân là có ngay một ống đựng tiền tiết kiệm. Khi muốn trút ống, chỉ cần cưa một đoạn vừa kích cỡ kề mắt tre phía dưới là có thể moi sạch những đồng xu bên trong, mà cái ống tre vẫn còn nguyên vẹn.
Mặt trời lặn, hai anh em tôi ngất ngưởng trên mình trâu dẫn lối về chuồng. Ngồi sau, thằng Sửu ôm chặt lấy tôi; phần sợ bị ngã, phần để tránh những cơn gió cuối đông se lạnh. Chúng tôi say sưa bàn chuyện chiều nay sẽ trút ống, sau một năm trời dành dụm. Chỉ còn 2 ngày nữa là tết. Thằng Sửu háo hức sẽ ra chợ mua mấy con tò he sặc sỡ và cả cặp trống cơm bằng tre phất giấy hồng đơn, để mỗi khi se vào giữa 2 lòng bàn tay sẽ phát ra những âm thanh rộn rã, vui tai trong 3 ngày Tết. Tôi lớn hơn nên có những thú vui riêng. Về đến nhà, lùa trâu vào chuồng. Hai anh em tôi hì hục kéo cưa trút ống. Đã thủ sẵn cọng dây kẽm trong tay, khi vừa buông cưa xuống; thằng Sửu giành moi ống. Hì hục hồi lâu, nó chỉ moi được mấy đồng xu mệnh giá 5 hào. Tôi giựt lấy cọng dây kẽm, nằm sát xuống đất, dán mắt sát vào mà moi; nhưng chỉ còn 1 đồng xu duy nhất. Lắc lắc chỉ nghe thấy những âm thanh rỗng tuếch. Tôi buông cọng dây kẽm, ngồi thừ người. Thằng Sửu chạy ra vườn kiếm cha. Vẻ mặt ông đằng đằng sát khí, nhưng ông không quát nạt mà nhìn thẳng mặt tôi rồi nghiêm giọng: “- Đánh chết cái nết vẫn không chừa. Chính mày đã moi tiền trong cái ống này chứ có ai đâu vào đây. Hạn cho mày từ tối nay đến sáng mùng một mà không nhận tội, tao sẽ không cho mặc áo quần tết và ra giêng, sẽ cho mày nghỉ học luôn, liệu hồn mà tính”. Tôi chưng hửng. Cha tôi lạnh lùng bỏ ra nhà sau.
Ngày xưa, con heo đất làm bằng ống tre. (Ảnh minh họa) |
Cha tôi là nông dân cần mẫn, có được chút vốn học thức, nhưng tính tình lại vô cùng nghiêm khắc. Việc người nghi tôi đã moi trộm tiền trong ống cũng không phải là vô căn cứ. Tuy tôi là một trong những đứa học trò giỏi, ngặt một nỗi lại đi đàn đúm với bọn học trò hư. Tôi bướng bỉnh, lì đòn. Mỗi lần có lỗi, những lằn roi cha quất vào tôi chỉ làm đau lòng mẹ. Cách đấy mấy hôm, tôi có ăn cắp 5 đồng tiền bán rau của mẹ và nướng sạch vào sòng bầu cua ngoài chợ. Cha hay được, tôi đã phải chịu một trận đòn chí tử. Nhìn tôi quằn quại dưới làn roi vun vút từ tay cha. Mẹ tôi gầm lên: “Ông không mang nặng đẻ đau, nên mới nhẫn tâm đánh con như đánh kẻ thù vậy, thôi thì ông để tôi chịu đòn thay nó để ông hả dạ”. Rồi như có một sức mạnh phi thường, mẹ xông vào ôm chặt lấy cha tôi, giựt lấy cây roi, bẻ vụn, rồi vụt ra sân. Tôi vẫn nằm lì chứ không bỏ chạy. Cha tôi đành thúc thủ. Người lại ngồi trầm ngâm, chẳng nói lời nào, rồi ung dung xe thuốc, hít một vài hơi, đoạn ông lặng lẽ vác cuốc ra vườn. Mẹ vừa thút thít khóc, vừa nói trong nước mắt: “Lỗi này là do con, cha đánh không oan đâu. Mẹ đã nhiều lần khuyên lơn mà con vẫn chứng nào tật nấy. Mẹ buồn lắm. Từ rày về sau, nếu con tái phạm thì mẹ chẳng can ngăn cha con được đâu. Con liệu hồn mà giữ lấy thân”. Vừa nói, mẹ vừa mớm những hạt muối từ miệng vào bàn tay, xoa nhẹ vào những lằn roi hằn in trên da thịt. Những lúc tôi ưỡn người lên vì đau đớn, mẹ lại nhăn mặt như chính mẹ đang hứng chịu cơn đau. Nhìn mẹ, bất chợt nước mắt tôi tuôn trào. Tôi vội quay mặt đi, quyết không để mẹ nhìn thấy tôi khóc.
Thế là bao nhiêu toan tính, háo hức chờ đợi những cuộc vui trong 3 ngày Tết đã tan biến. Từ chiều hôm ấy, tôi luôn tìm cách tránh mặt cha. Tôi hận cái án treo phi lý mà cha áp đặt cho tôi. Hụt hẫng, nhưng tôi biết làm gì để minh oan? Tôi đang thắc mắc về cách cư xử khác thường của người. Tôi đâm lo sợ vẩn vơ. Việc cha không cho tôi mặc áo Tết cũng chẳng có gì hệ trọng. Nhưng chuyện ra giêng, người bắt tôi nghỉ học mới là đáng buồn. Phải nói là sỉ nhục nữa mới đúng. Tất nhiên dư luận sẽ đổ dồn vào cá nhân tôi, một đứa con hư thân mất nết, bê tha cờ bạc. Hồi đó còn dại, tôi chưa biết nghĩ đến tương lai sự nghiệp, mà chỉ nghĩ đến nỗi buồn khi bị buộc phải bỏ học giữa chừng. Phải xa thầy nhớ bạn, bỏ dở những cuộc vui. Trước mắt buồn nhất là phải xa cô em ngồi bên cạnh có má lúm đồng tiền, đôi mắt tròn xoe. Nàng hay nhờ tôi giải giúp những bài toán khó. Để trả ơn, nàng thường dúi vào túi áo tôi những cây kẹo que ngọt hơn cả đường phèn. Nhưng tôi quyết sẽ không bao giờ nhận tội một cách phi lý như thế, dù hậu quả thế nào đi nữa. Hy vọng mong manh cuối cùng là mẹ sẽ thuyết phục được cha.
Sáng mùng 1 Tết, đang còn lơ mơ ngủ. Bỗng dưng tôi nghe rõ tiếng chị tôi ở đầu giường: “Úy chà, tiền của ai để rơi đây mà nhiều quá vậy”. Tôi tung chăn vùng dậy. Ồ! quả thật, nó đây rồi! Tôi mừng quýnh. Bên cạnh đống tiền trắng xóa là một ống tre bể, nằm lăn lóc ngay dưới chân cây cột chiều hôm trước. Không thèm để mắt đến đống tiền xu, tôi chụp ngay cái ống tre lên quan sát. Thì ra cái mắt tre đã bị chuột gặm gần hết. Hèn gì mà các đồng xu bỏ vào đều rơi lọt tót xuống phía dưới. Tôi hí hửng đưa cao cái ống tre như “minh oan” với cả nhà. Nhớ lại đêm qua, nằm thao thức lo chuyện ngày mai, thời hạn cuối tôi phải nhận tội. Nghe tiếng chuột gặm lách tách đầu giường. Bực mình tôi co chân đạp mạnh vào cái cột tre. Nghe một tiếng “rắc” và con chuột nhắt cũng biến mất. Sáng nay, mùng một Tết, uẩn khúc về cái ống tre đã được giãi bày. Người vui nhất là tôi và người hí hửng nhất là mẹ. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy cha tôi bối rối. Trước mặt đông đủ cả nhà, cha tôi nghiêm túc nhận lỗi. Tôi cũng xin hứa với cha mẹ và chị em qua năm mới sẽ từ bỏ mọi thói hư tật xấu. Chăm chỉ học hành để cha mẹ vui lòng. Rồi tự tay cha tôi châm liền 3 phong pháo tép. Người bảo để xả xui chuyện cũ, và đón chào những điều tốt đẹp vào buổi minh niên.
Ngoài trời, mưa lất phất se lạnh. Gian nhà nhỏ trở nên ấm cúng, rộn rã tiếng nói cười. Cây mai đầu thềm đã rực rỡ sắc xuân.
HẢI TRÌNH